Chưa khai thác hết tiềm năng
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vùng ĐBSCL có diện tích cây ăn trái (CAT) trên 262.000ha, sản lượng 2,93 triệu tấn, chiếm trên 35% về diện tích và 46% sản lượng cả nước.
Là vùng có diện tích CAT lớn, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, hiện ĐBSCL đã có nhiều thương hiệu trái cây được chứng nhận độc quyền nhãn hiệu, nhận chứng chỉ GlobalGAP và VietGAP như thanh long (Tiền Giang và Long An), quýt hồng Lai Vung, xoài cát chu (Đồng Tháp), xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), bưởi Năm Roi (Bình Minh), chôm chôm Tích Thiện (Vĩnh Long), bưởi da xanh (Bến Tre), nhãn tiêu da bò, dứa Queen, măng cụt, rau các loại… Do đa dạng về sinh thái nên chủng loại CAT của vùng cũng rất đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, CAT chỉ mới đạt được những thành tựu nhỏ lẻ ban đầu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường rau quả thế giới. Tỷ lệ xuất khẩu rau quả tươi của Việt Nam còn thấp, do trồng theo quy mô nhỏ lẻ, phân tán không tập trung dẫn đến quy cách sản phẩm không đồng đều; không có số lượng hàng hóa lớn; công nghệ, kỹ thuật trồng còn lạc hậu, nên chỉ chủ yếu tiêu thụ trong nước.
“Hầu hết các loại CAT đang trồng đều cho năng suất không cao, chất lượng kém (không đẹp, kích cỡ không đều, vị không đặc trưng), giá thành cao nên khả năng cạnh tranh thấp. Điều này dẫn tới CAT nước ta đang đứng trước thách thức lớn khi hội nhập WTO”- Tiến sĩ Lê Thanh Phong- Trường Đại học Cần Thơ nhận định.
Do đó, làm thế nào để xây dựng và phát triển thương hiệu cho CAT khu vực ĐBSCL, tận dụng hết tiềm năng thế mạnh của vùng đang là vấn đề được các cấp ngành quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Kỳ- Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) lưu ý: để kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng, các doanh nghiệp rau quả phải từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn ngày càng cao: phải tuân thủ các tiêu chuẩn của CODEX (tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế); nắm bắt được những quy định cho từng sản phẩm, từng thị trường; hiểu yêu cầu, thay đổi của thị trường; đối thủ cạnh tranh…
Với mục tiêu khai thác thế mạnh các vùng chuyên canh CAT ĐBSCL, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí- Trưởng bộ môn, Khoa Thương mại- Du lịch- Marketing- Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Vai trò của thương hiệu trong kinh doanh là rất quan trọng.
Bởi lẽ, xây dựng được thương hiệu tốt sẽ hướng phản ánh của khách hàng thành một hành vi thuận lợi. Trong đó, mô hình xây dựng thương hiệu (rau quả) theo 2 giai đoạn: sức mạnh thương hiệu và hình tượng thương hiệu.
Cần tạo sự khác biệt giữa nhãn này và nhãn khác, không ngừng “làm mới” mình, đồng thời kết hợp cho khách hàng sử dụng thử sản phẩm để khách hàng nhận biết lợi ích khi sử dụng. Song song đó, cần không ngừng nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu tạo lòng tin cho khách hàng về thương hiệu.
Chung tay tìm giải pháp
“Để xuất khẩu rau quả vào các thị trường cao cấp như Châu Mỹ, nhà vườn đẩy nhanh việc quy hoạch vùng sản xuất rau quả tập trung để có sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất chất lượng và quy cách; đẩy mạnh thực hiện chương trình VietGAP”- ông Nguyễn Đức Trí nói.
Là vùng đất có thế mạnh về CAT, hiện Vĩnh Long có diện tích cây lâu năm khoảng 47.700ha; trong đó diện tích cây ăn quả gần 40.000ha, đạt sản lượng khoảng 396.700 tấn.
Trong kế hoạch năm 2013, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã xác định việc xây dựng thương hiệu là một trong những mục tiêu quan trọng. Sở đã đề ra kế hoạch phát triển thâm canh vườn cây lâu năm, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để đầu tư thâm canh phát triển bưởi Năm Roi, cam sành, chôm chôm và tiếp tục phát triển các chủng loại CAT khác như sầu riêng, thanh long...
Hỗ trợ người sản xuất tiếp cận với các chính sách tín dụng, triển khai các chính sách hỗ trợ người sản xuất thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý; mời gọi các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu nhất là khoai lang, xà lách xoong...
Ông Nguyễn Văn Lập- Chủ nhiệm HTX Chôm chôm Java Tân Khánh (Tích Thiện- Trà Ôn) cho biết: “Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nên chúng tôi luôn đặt vấn đề chất lượng, uy tín lên hàng đầu. Có như vậy mới cạnh tranh được trên thị trường”.
Ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho CAT rất quan trọng, bởi không có thương hiệu, không có nhãn hiệu thì sản phẩm rất khó xuất khẩu được.
Do đó, các cấp ngành cần phối hợp chặt chẽ, quan tâm thực hiện xác định thương hiệu để CAT Vĩnh Long có thể “bung” ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất.
Dự án “Phát triển kinh tế vườn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015” cũng đặt mục tiêu trọng tâm là khôi phục và phát triển các vùng nguyên liệu CAT đặc sản của tỉnh theo hướng đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, hỗ trợ chứng nhận trái cây theo tiêu chuẩn GAP.
Bà Bùi Thị Thanh An- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương):
Kim ngạch xuất khẩu của trái cây chiếm vị trí khá khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trái cây tươi và các sản phẩm trái cây của ta không thua kém về hàm lượng dinh dưỡng, mùi vị. Nhưng bảo quản sau thu hoạch yếu kém, chưa khai thác thị trường xuất khẩu hiệu quả… Chúng ta chưa hình thành tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Vì thế, rất cần giải pháp nâng cao hàm lượng giá trị cho trái cây, tạo cạnh tranh mạnh mẽ trong nước và thế giới.
Ông Hồ Văn Hùng- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Vĩnh Long (Sở Công thương):
Thị trường xuất khẩu trái cây ngày càng khó khăn và có xu hướng giảm qua từng năm. Giá trị trái cây chưa tương xứng với sản lượng, nên chưa giúp nông dân làm giàu từ trái cây được.
Có thể nói đến một số nguyên nhân như: chưa xây dựng thương hiệu, thiếu bảo vệ độc quyền, thiếu chiến lược marketing.
Chất lượng trái cây chưa đồng đều, phụ thuộc vào mùa vụ, nhu cầu cung ứng ổn định chưa làm được… Việc nghiên cứu thị trường, tìm kiếm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản rất cấp bách.
Báo Vĩnh Long online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã