Vấn đề phát triển ngành nghề nông nghiệp đã rất khó khăn, nhưng vấn đề tìm thị trường đầu ra cho nông sản, đặc biệt là nhóm nông sản: gạo, rau quả, chăn nuôi và thủy sản lại càng phức tạp, là nhóm ngành hàng gặp nhiều rủi ro do các biến động của thị trường và do các nhóm hàng nông sản này chưa có hàm lượng chế biến sâu.
Lâu nay, người nông dân chủ yếu chỉ biết làm nông nghiệp theo mùa vụ và theo hình thức truyền thống, chưa áp dụng kỹ thuật và công nghệ cao, chưa tìm tòi lai tạo, đổi mới sản phẩm, mới chỉ bán thứ mình có chứ chưa thực sự tìm hiểu thị trường để trồng trọt, chăn nuôi, bán thứ hàng hóa thị trường yêu cầu. Chính vì vậy, chủng loại hàng hóa xuất khẩu của chúng ta còn rất hạn chế, đồng thời, mới chỉ phấn đấu đạt về số lượng chứ chưa phấn đấu đạt về chất lượng và tăng cường giá trị, giá cả… Chúng ta cũng tăng cường tìm kiếm thị trường mới, nhưng do chưa có nghiên cứu để tìm ra phương thức cũng như định hướng đồng bộ, các thị trường mới (nhất là châu Âu, Nhật…) khó tính yêu cầu cao về mẫu mã, chất lượng nên chưa len chân vào được.
Để giải bài toán làm sao người nông dân làm giàu được bằng nghề nông và hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp nghiên cứu, tìm ra hướng đi cho nông nghiệp và đổi mới phương thức kinh doanh nông sản.
Ngày mùng 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ đó đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành khoảng 20 đề án liên quan để phục vụ việc tái cơ cấu nông nghiệp. Các đề án này hướng đến xác định những cây, con chủ lực, từ đó có những chính sách, chủ trương và khuyến nghị đến tận địa phương, tạo cơ chế phát triển mạnh mẽ cho những cây, con chủ lực này phát triển.
Vừa qua, ngày 3/4/2015, Bộ Công Thương đã trình bày với Chính phủ về Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản nhằm phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Đề án đã đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh nông sản tại Việt Nam hiện nay và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh doanh nông sản tại Việt Nam thời gian qua, đồng thời, đưa ra kết quả nghiên cứu về yêu cầu cơ bản từ thị trường, các đòi hỏi đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đề án là sự nghiên cứu, tìm tòi khoa học, kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, để phát huy giá trị và tính khả thi của đề án này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến yêu cầu Bộ Công thương cần tiếp tục triển khai đề án theo hướng tìm thị trường đầu ra cho nông sản cũng như phát triển đề án theo hướng gắn bó mật thiết với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đã được Chính phủ phê duyệt.
Để sản xuất nông nghiệp đi theo hướng làm ăn lớn, hiệu quả, cần phải có sự chung tay góp sức của rất nhiều cơ quan, ban ngành chức năng, cần sự tập trung tư duy của các bộ liên quan, đặc biệt, xây dựng và thực hiện các mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực kinh doanh nông sản đã được triển khai trong thời gian qua. Trú trọng về định hướng thị trường tiêu thụ nông sản nội địa cũng như xuất khẩu trong thời gian tới; Nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm thành công của một số nước trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản từ đó đề xuất mô hình kinh doanh nông sản tại Việt Nam.
Những vấn đề cần tiến hành làm ngay: rà soát các định hướng đổi mới, đưa ra giải pháp thực hiện, lồng ghép các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án đã ban hành trong lĩnh vực phát triển thương mại và nông nghiệp vào việc thực hiện các nhiệm vụ của hai đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT, Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, bảo đảm mục tiêu đã đề ra.
Thực hiện các đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vốn liếng, đất đai, tài nguyên, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại; tận dụng thế mạnh thổ nhưỡng, khí hậu, đưa ra những sản phẩm có chất lượng cao; xây dựng thương hiệu hàng nông sản trên thị trường, có chiến lược kinh doanh bài bản… chỉ có như vậy chúng ta mới có thể cạnh tranh được với hàng hóa nông sản của các nước trong khu vực và trên thế giới, cải thiện được đời sống người nông dân.
theo tapchitaichinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã