Có mặt tại xã Thạch Liên vào những ngày cuối mùa vụ rau củ, những cái lán bày bán rau củ dọc quốc lộ đã giảm nhiều, những luống rau xanh dưới cánh đồng cũng thưa dần. Trên chiếc xe đẩy, bà Trương Thị Vân (xóm Thọ) đang lựa những bắp cải to ngon bán cho khách qua đường.
Mỗi năm gia đình bà Trương Thị Vân thu hàng chục triệu từ trồng rau sạch
Bà phấn khởi: “Mấy năm nay thời tiết “đỏng đảnh” lại phải sản xuất theo quy trình rau sạch nên rất khó trồng nhưng được cái giá cả cũng đỡ hơn nên người dân rất phấn khởi. Với 5 sào su hào và bắp cải gia đình tôi thu về gần 30 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 20 triệu đồng, chủ yếu bán vào thời điểm tết mới được giá. So với trồng lúa thì trồng rau sạch cho thu nhập khá hơn”.
Ở bên cạnh, gia đình ông Trần Hữu Trung (xóm Thọ) cũng có 7 sào ruộng trồng củ cải và su hào. Ông Trung chia sẻ: “Trồng rau sạch không mất nhiều vốn nhưng lại rất tốn thời gian và công sức. Khi rau bị sâu bệnh, thay vì phun thuốc chúng tôi phải bỏ công đi bắt sâu, rồi chăm bón, vun xới. Sau đợt đi tập huấn về quy trình trồng rau sạch, chúng tôi đã có một vụ mùa năng suất và an toàn để bán đúng dịp tết. Với 7 sào ruộng, năm nay gia đình tôi thu về gần 40 triệu đồng.
Tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả an toàn thôn Thọ có 34 thành viên với diện tích 2,4ha. Năm nay thời tiết mưa nhiều, không thuận lợi, đầu vụ có gặp khó khăn trong việc trồng cây con nhưng quá trình rau sinh trưởng lại cực kỳ thuận lợi, cho năng suất rất tốt.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX thôn Thọ cho biết: “Trồng với quy mô tập trung, lại tuân thủ nghiêm khắc quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên dù thị trường rau trôi nổi với nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng thì rau Thạch Liên vẫn được người tiêu dùng lựa chọn và mức giá vẫn luôn ổn định. Mỗi sào ruộng cho năng suất tốt, người trồng rau có thể thu về từ 8 - 10 triệu đồng”.
Tuy nhiên, theo một số người dân, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm rau củ sạch vẫn đang là một vấn đề nan giải, chị Vân cho hay: “Cứ vào vụ thu hoạch chúng tôi phải đưa su hào, rau cải ra quốc lộ 1A bán, một số đưa đi chợ nhưng nhiều người cho rằng đưa ra chợ bán thì rau sạch cũng như rau bẩn nên giá cả rất bèo bọt. Còn bán dọc quốc lộ từ lâu đã có thương hiệu nên bán chạy và được giá hơn. Khách trong nam, ngoài bắc đi qua họ rất chuộng rau ở đây, nhiều người còn mua về làm quà nữa”.
Ảnh: Tâm Đan
Khi chúng tôi thắc mắc về việc hàng chục hộ dân xếp hàng bán dọc quốc lộ với phương tiện tham gia giao thông tấp nập, nhiều xe tải, container lưu thông trên đường rất nguy hiểm thì một người dân khoát tay: “Biết là nguy hiểm đấy nhưng không đưa ra đây bán thì dân chúng tôi trồng rau chỉ để cho bò, lợn ăn hết chứ có ai thu mua cho đâu. Mà dân họ cũng sợ nên họ nép sát vào lề đường, đoạn đường này từ trước tới nay chưa từng xảy ra vụ tai nạn giao thông nào cả”. Cũng theo bà Vân thì nhiều người lợi dụng danh tiếng rau sạch của Thạch Liên, đưa rau củ từ vùng khác đưa qua đây cùng bán mới đông như vậy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Danh Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Liên cho biết: “Hiện tại, toàn xã đã có 5 tổ hợp tác với diện tích trên 20ha, tập trung ở xóm Khang và xóm Thọ. Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn quy trình trồng rau sạch cho người dân như không sử dụng phân hóa học vô cơ, không phun thuốc BVTV các loại mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ theo kỹ thuật ủ phân nhằm xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, chính quyền phối hợp với bà con làm hàng rào, hệ thống đường giao thông, kênh mương nhằm đảm bảo công tác sản xuất rau an toàn".
"Hiện vấn đề bao tiêu sản phẩm rau sạch cho người dân vẫn chưa tìm được nút gỡ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau an toàn để nâng cao giá trị thu nhập và tìm kiếm đơn vị bao tiêu để ổn định đầu ra và giá cả cho người dân", ông Nguyễn Danh Luân. |