Nhiều mặt hàng tăng trưởng khá
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 13 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2017 ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,7 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tất cả các nhóm hàng đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 2 tháng qua, tăng cao nhất là nhóm nhiên liệu và khoáng sản với 49,2%. Tuy nhiên, nhóm hàng này chỉ chiếm tỷ trọng 1,9%.
Có mức tăng trưởng cao thứ hai 15,5% nhưng đóng góp đến 80,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến. Nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 9,9% so với cùng kỳ, ước đạt 3,2 tỷ USD.
Xét cụ thể mặt hàng, có rất nhiều mặt hàng tăng trưởng tốt giúp cho kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng trên, như: Rau quả tăng 31,1%, cà phê 21,1%, cao su tăng 144%; mặt hàng than đá tăng mạnh 1120%, dầu thô tăng 46,3%, xăng dầu các loại tăng 45,2%; phân bón các loại tăng 82%, chất dẻo nguyên liệu tăng 69,4%, sản phẩm gỗ tăng 479,8%, kim loại thường và sản phẩm tăng 32,8%...
Giá nhiều mặt hàng tăng cũng là lí do giúp cho kim ngạch xuất khẩu 2 tháng “bứt phá”. So với cùng kỳ, giá bình quân của đa số các mặt hàng đều tăng (nhân điều 20,3%, cà phê 31,9%, cao su 81%, than đá 115,5%, dầu thô 61,9%... Giá xuất khẩu tăng đã đóng góp cho tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 736 triệu USD.
Chỉ có một số ít mặt hàng có giá xuất khẩu giảm nhưng có mức giảm sâu như hạt tiêu 21,1%, quặng và khoáng sản khác 48,4%, do giá thế giới giảm, tuy nhiên do quy mô xuất khẩu không cao nên không ảnh hưởng đến mức tăng xuất khẩu chung.
Vẫn còn rào cản
Tuy nhiên, một điểm hạn chế trong bức tranh xuất khẩu là sự sụt giảm hầu hết về lượng đối với xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm nhiên liệu, khoáng sản cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ các thị trường như Campuchia, Philippines, Bangladesh, Pakistan.... Do đó, cần có các giải pháp về dài hạn để ổn định năng lực xuất khẩu.
Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu đang ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, gạo, rau quả…
Cụ thể, Hàn Quốc yêu cầu tôm nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch, Australia vẫn tiếp tục lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ Việt Nam… đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt nam. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục tăng mà chủ yếu là do giá tăng
Xuất khẩu gạo cũng đã sụt giảm mạnh do tác động kép từ việc thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN đã làm cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này giảm mạnh, cùng với việc Thái Lan thực hiện xả kho hàng tồn kho gạo đã làm giảm giá gạo thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu gạo 2 tháng đạt 328 triệu USD, giảm cả về lượng và giá trị xuất khẩu, trong đó lượng giảm 19,5% và giá trị giảm tới 21,4%.
Với những khó khăn này, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế, những biến động của thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa để kịp thời có phản ứng chính sách trước những diễn biến mới, đồng thời có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ Australia cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, bởi lệnh này có ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam.
Trước mắt, với rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, tôm sang Hàn Quốc, Australia, Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác phổ biến cho doanh nghiệp quy định mới của Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia để tránh ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động xuất khẩu mặt hàng tôm, gạo của Việt Nam.
Trong trung hạn và dài hạn, cần chuẩn bị tốt trong tổ chức quy trình sản xuất và nuôi trồng nông- thủy sản để xây dựng năng lực xuất khẩu bền vững hơn.