Tạm trữ có cứu được giá lúa?
Thực tế vụ Đông Xuân vừa qua tại tỉnh Đồng Tháp, cụ thể là đến cuối tháng 02/2014, nhiều doanh nghiệp vẫn đang thực hiện hợp đồng mua bán gạo với Philippin đã ký vào cuối năm 2013 cũng như việc tăng mua gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá lúa gạo tại địa phương luôn ổn định và tiêu thụ rất tốt. Chỉ đến khi kết thúc việc giao hàng cho Philippin vào đầu tháng 3 vừa qua, cùng với việc chậm mua gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc thì giá lúa gạo bắt đầu giảm mạnh và khó tiêu thụ.
Trước khó khăn của người nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thu mua tạm trữ 01 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân 2013 – 2014, thực hiện từ ngày 15/3 đến hết ngày 30/4, trong đó Đồng Tháp được phân bổ chỉ tiêu 174.000 tấn quy gạo gồm 90.000 tấn của các doanh nghiệp trong tỉnh (mới bổ sung thêm 5.000 tấn), còn lại là các doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Sau nửa tháng triển khai, tình hình tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh có phần ổn định hơn so với trước. Thương lái đã bắt đầu thu mua trở lại. Hiện tại, lúa thường thu mua tại ruộng có giá từ 4.400 – 4.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 4.800 – 4.900 đồng/kg, tăng 200 – 300 đồng/kg.
Là đơn vị được giao chỉ tiêu nhiều nhất trong vụ này với 27.000 tấn quy gạo nên khi nhận được chính sách triển khai và chỉ tiêu phân bổ thu mua tạm trữ lúa, gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Công ty Lương thực Đồng Tháp đã chỉ đạo cho 05 xí nghiệp chế biến lương thực trực thuộc Công ty đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa, gạo cho nông dân bằng nhiều hình thức như: tổ chức thu mua tại các kho, thu mua thông qua việc liên kết với lực lượng hàng xáo, nhà máy xay xát và thu mua trực tiếp tại ruộng thông qua việc thực hiện chương trình cánh đồng liên kết bao tiêu lúa cho nông dân.
Nhờ vậy mà chỉ sau 1/3 thời gian thực hiện tạm trữ, Công ty đã thu mua được gần 20.000 tấn quy gạo, sắp hoàn thành chỉ tiêu được phân bổ - ông Đặng Văn Khương, Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh, Công ty Lương thực Đồng Tháp thông tin.
Theo thống kê mới nhất của Sở Công Thương, đến ngày 28/3, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành thu mua gần 42.000 tấn quy gạo, đạt tỷ lệ 24%.
Đang thu hoạch 04 ha lúa Jasmine, ông Huỳnh Ngọc Dành Em – ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông cho biết, đã có thương lái đến đặt mua toàn bộ số lúa trên với giá 4.900 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi được khoảng 60 triệu đồng.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Chí Hùng cũng vừa thu hoạch xong 05 ha lúa Đông Xuân với sản lượng gần 40 tấn. Lúc sắp thu hoạch, thấy giá lúa rớt “thê thảm” khiến ông không tránh khỏi lo âu. Từ khi có chính sách thu mua tạm trữ, tuy giá lúa không tăng nhiều nhưng cũng đã “đứng lại” làm cho nông dân giảm bớt áp lực về giá vì gia đình ông không có điều kiện trữ lại để chờ giá, còn bán với giá thấp thì không có lãi – ông Hùng bộc bạch.
Theo ước tính của ông Phan Kim Sa – Phó Giám đốc Sở Công Thương, với mức giá như hiện nay thì người nông dân có lãi trên 15% đối với lúa thường, còn lúa chất lượng cao thì lãi trên 20%. Như vậy, mục tiêu làm cho nông dân có lãi trên 30% vẫn chưa thể đạt được.
Lời giải nào cho bài toán tạm trữ?
Với chỉ tiêu được phân bổ là 174.000 tấn quy gạo (tương đương 348.000 tấn lúa) đó là số lượng không phải ít. Tuy nhiên nếu đem so với sản lượng 1,1 triệu tấn lúa của tỉnh trong vụ Đông Xuân này thì chỉ tiêu trên chưa giải quyết tới 32% tổng sản lượng. Vậy phần còn lại sẽ tiêu thụ như thế nào?
Ông Phan Kim Sa cho rằng, sản lượng trên phân bổ chưa tương xứng với sản lượng lúa hàng hoá của tỉnh do Hiệp hội Lương thực chưa dựa trên nhu cầu của địa phương cũng như năng lực thực tế của các doanh nghiệp.
Trong một cuộc hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Hùng đã đề nghị Hiệp hội Lương thực phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ phải trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương, đặc biệt ưu tiên cho những nơi có sản lượng lúa lớn để phát huy được hiệu quả của chính sách này.
Về phần doanh nghiệp, Công ty Lương thực Đồng Tháp cho rằng, do quy định doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh trong quá trình thu mua tạm trữ nên sau khi hết thời hạn mà doanh nghiệp không tìm được đầu ra và giá cả thị trường sụt giảm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, ông Đặng Văn Khương - Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh, Công ty Lương thực Đồng Tháp đề nghị nếu trường hợp này xảy ra thì cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với người nông dân, giá cả là yếu tố có thể xem như sống còn trong quá trình sản xuất. Nếu giá lúa từ 5.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mới có lãi, còn với mức giá như hiện nay thì chỉ đủ trang trải chi phí – ông Nguyễn Ngọc Phước, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình tâm sự.
Khi chưa tìm được phương pháp tối ưu thì thu mua tạm trữ được xem là cứu cánh giúp giải quyết khó khăn trước mắt cho ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, để thực thi chính sách một cách hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp từ nhiều phía nhằm tìm ra được tiếng nói chung để mang đến lợi ích thực sự cho người trồng lúa, qua đó góp phần phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững.
Theo CTT Điện tử Đồng Tháp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã