Từ câu chuyện tiêu thụ nông sản...
Năm 2003 gia đình ông Đinh Sỹ Chung, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp thuê 3 ha đất để xây dựng chuồng trại nuôi gà đẻ trứng với quy mô ban đầu là 5.000 con gà đẻ. Những năm đầu đi vào sản xuất, trứng gà của trang trại không đáp ứng kịp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Nhận thấy đây là một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, năm 2011 ông Chung đã thành lập Công ty chăn nuôi Quang Trung để tăng quy mô sản xuất, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Mặc dù quy mô sản xuất đã tăng nhưng do thị trường tiêu thụ vẫn chỉ phụ thuộc vào đại lý ở các tỉnh mà chưa ký kết được với doanh nghiệp lớn, tạo đầu ra ổn định nên số trứng sản xuất ra đã có thời điểm dư thừa. Ông Chung nhớ lại, vào thời điểm năm 2013, sau Tết nguyên đán tất cả các trang trại có quy mô lớn nuôi gà đẻ trứng ở miền Bắc đều rơi vào cảnh ế ẩm. Giá trứng gà thời điểm đó chỉ hơn 1.000 đồng/quả nhưng vẫn không có người mua.
Chứng kiến công nhân nhặt hàng ngàn quả trứng hết hạn để làm thức ăn chăn nuôi trong khi phải bù lỗ gần 20 triệu mỗi ngày, ông Chung rút ra kết luận nếu sản xuất lớn thì không thể phụ thuộc vào thị trường tự do như này mãi được. Thế nên ông đã tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Sở NN&PTNT tổ chức ở trong và ngoài tỉnh.
Sau thời gian nỗ lực tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, “Trứng gà Quang Trung” không chỉ cung cấp cho thị trường miền Bắc, một số tỉnh miền Trung mà còn là đối tác chính của các hãng sản xuất bánh kẹo lớn như: Công ty CP bánh kẹo Tràng An, Hữu Nghị, Hải Hà, Đại Thắng... với sản lượng từ 18-20 triệu quả/năm, doanh thu ước đạt 40-45 tỷ đồng/năm. Từ kinh nghiệm của mình, ông Chung cho biết: Muốn sản xuất lớn khó khăn không phải là công nghệ hay vốn đầu tư mà chính là đầu ra cho sản phẩm. Từ khi hợp tác với các công ty bánh kẹo lớn, với lượng hàng ổn định doanh nghiệp đã chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh và yên tâm mở rộng quy mô chuồng trại.
Đối với những người nông dân xã Khánh Hồng (Yên Khánh), câu chuyện đầu ra cho sản phẩm đang là “rào cản” lớn nhất để họ không tiếp tục ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Ông Tống Mạnh Hiền, Giám đốc HTXNN Yên Lạc, xã Khánh Hồng cho biết: Tháng 10/2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại, Sở NN &PTNT, mô hình thử nghiệm trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Hồng được thực hiện với 35 hộ xã viên, quy mô sản xuất trên 1 ha.
Theo ước tính ban đầu việc sản xuất theo quy trình an toàn, có liên kết bao tiêu sản phẩm, người dân sẽ thu nhập tăng gấp 3 lần so với phương thức sản xuất truyền thống. Dự tính là thế nhưng ngay vụ thứ hai người nông dân đã không ký kết được với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, dẫn đến việc nhiều hộ phải bán cho thương lái với giá bấp bênh, hoặc trực tiếp đem hàng ra chợ bán với giá rẻ.
Ông Hiền cho biết: Không thể phủ nhận hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lại không đi liền với xây dựng thương hiệu nên nông sản vẫn chưa thể ký kết để tiêu thụ ở các thị trường lớn mà phụ thuộc vào thị trường tự do với điệp khúc “được mùa- mất giá”.
... đến xây dựng thương hiệu
Ninh Bình là một tỉnh có truyền thống sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên sản xuất ở quy mô lớn còn hạn chế. Nhưng không vì thế mà tỉnh thiếu các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. Điều đáng nói là nhiều nông sản nổi tiếng nhưng vẫn chưa có nhãn mác hoặc giấy tờ cần thiết để chứng minh sự an toàn với người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp thu mua. Vì vậy, việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm là cần thiết và phải đi trước để làm cơ sở xác lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường của nông sản Ninh Bình.
Trở lại câu chuyện với ông Tống Mạnh Hiền, Giám đốc HTXNN Yên Lạc, xã Khánh Hồng, nhận thấy việc xây dựng thương hiệu đóng một vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao được vị thế cho mặt hàng nông sản nên HTXNN Yên Lạc vẫn quyết tâm xây dựng thương hiệu “rau Yên Lạc”. Theo ông Tống Mạnh Hiền: để chuẩn bị cho việc tiến tới sản xuất tập trung theo quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính thì xây dựng thương hiệu phải đi trước một bước.
Không để người sản xuất đơn độc trong hành trình tiến đến sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có Nghị quyết 22/2017/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020.
Theo ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Giải pháp trước mắt, Sở đã phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân về chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa. Đối với các sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu, Sở tiếp tục triển khai các giải pháp để duy trì và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của địa phương.
Thế nhưng, nếu không nhận được sự phối hợp đồng bộ, tích cực từ phía người nông dân trực tiếp sản xuất, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm phải đi trước sẽ không bao giờ đến đích hoặc đến đích muộn mằn.
và đẩy mạnh liên kết
Trong khi số lượng doanh nghiệp có thể bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân còn hạn chế thì các HTX nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 250 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp... Trong 2 năm (2016-2017), Liên minh HTX đã có 48 đề án được hỗ trợ thực hiện để kết nối cung cầu hàng hóa và hội chợ hàng công nghiệp- nông thôn. Ngoài ra đã phối hợp tổ chức 4 hội nghị liên kết HTX với doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp; xây dựng 8 cửa hàng trưng bày giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thành viên.
Liên minh HTX tỉnh cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng... qua đó tạo cơ hội cho hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh như thịt dê, cơm cháy, chạch sụn, các loại rau, củ quả, nấm... đến được với các doanh nghiệp, siêu thị lớn.
Ông Vũ Văn Cung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Như vậy có thể khẳng định vai trò quan trọng của HTX trong khâu tiêu thụ nông sản ở các địa phương hiện nay. Muốn phát huy tốt hơn, cần có các chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế tập thể tỉnh, trong đó chú trọng đến việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho các HTX. Hỗ trợ đơn vị thành viên tìm kiếm thị trường, kêu gọi các nhà đầu tư, tham gia liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các HTX cần phát huy nội lực, tăng cường hợp tác tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất - tiêu thụ - người tiêu dùng... Bên cạnh những chính sách của tỉnh, sự nỗ lực của các địa phương, các HTX, bản thân người nông dân trong quá trình liên kết sản xuất phải chủ động, tránh vì lợi nhuận trước mắt mà “thất tín” phá vỡ mối liên kết mà các bên đều phải nỗ lực xây dựng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã