Dư cung, giải cứu là những từ hiển hiện khi đề cập tới vấn đề đầu ra của gia cầm, gia súc thời gian qua. Tuy nhiên, tháng 8/2017 những lô hàng gia cầm đầu tiên được sản xuất, chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mở đầu cho chương trình đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm sạch sang các nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU.
Để có thể đưa sản phẩm gia cầm của Việt Nam ra thế giới chính là phải đảm bảo các yêu cầu về VSATTP |
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, thời gian qua ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đã diễn ra tình trạng thiếu hụt đầu ra, rớt giá mạnh ở nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi khiến cho người nông dân điêu đứng. Vì vậy, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm là vấn đề vô cùng quan trọng.
Bộ NN&PTNT cũng xác định trong liên kết chuỗi, khâu yếu nhất chính là ở người nông dân do thời gian qua vẫn giữ thói quen làm theo tập tính, thụ động, không đầu tư công nghệ hiện đại, làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, để hạn chế tình trạng sản xuất theo phong trào, “được mùa mất giá” cần tập hợp, liên kết người nông dân lại thành những tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã...
Từ đó, phát triển thành mô hình chuỗi liên kết từ khâu đầu đến khâu cuối cho sản phẩm. Hướng đến xuất khẩu mặt hàng đáp ứng đủ các yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, VSATTP, giúp người nông dân yên tâm về đầu ra, tập trung vào sản xuất.
Đại diện Nhóm nghiên cứu An toàn thực phẩm của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, yếu tố đầu tiên để có thể đưa sản phẩm gia cầm của Việt Nam ra thế giới chính là phải đảm bảo các yêu cầu về VSATTP, đây vốn được coi là một khâu yếu trong sản xuất hàng hóa của DN Việt.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Hải, CEO của Tập đoàn PAN cho biết về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong các công ty theo tiêu chuẩn quốc tế: “Đây chính là công cụ hữu hiệu giúp DN Việt Nam cắt giảm chi phí, mở rộng thị trường và bảo vệ nguồn lợi ích lâu dài, đó chính là các khách hàng của mình” – ông Hải khẳng định.
Song đảm bảo chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật, VSATTP để đưa được sản phẩm gia cầm vào những thị trường khó tính chỉ là yêu cầu cơ bản và đầu tiên đối với người chăn nuôi. Còn muốn đi được một hành trình dài hơn tới các nước thì cần phải có những nỗ lực bền bỉ.
Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á cho biết, muốn có sản phẩm chất lượng, người chăn nuôi phải đầu tư công nghệ mới chứ không thể làm theo lối cũ. Và để làm được điều này, người chăn nuôi, nhà cung cấp con giống, thức ăn, DN thu mua, chế biến... cần bắt tay nhau để có thể giải quyết vấn đề của thị trường từ khâu đầu đến khâu cuối. Như thế, có thể truy xuất nguồn gốc và có bên chịu trách nhiệm, điều này cũng có lợi cho người tiêu dùng và là yếu tố cần thiết để sản phẩm gia cầm của Việt Nam có thể xuất đi EU.
Theo vị Tổng giám đốc này, đây cũng chính là lý do mới đây De Heus bắt tay hợp tác theo chuỗi 4 bên về truy xuất nguồn gốc và VSATTP. Như vậy, người chăn nuôi trong nước có thể yên tâm về chất lượng, giá thành con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng như được bao tiêu về đầu ra sản phẩm.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCP Hùng Nhơn, đại diện cho các trang trại chăn nuôi khu vực Đông Nam bộ khẳng định, DN Việt hiện có đủ năng lực sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường quốc tế như Nhật Bản, EU...
Để làm được điều này, phải tập trung đầu tư vật lực, con người, công nghệ rất tốn kém, nhưng chỉ có thế mới nâng cao được chất lượng, sức cạnh tranh để đưa hàng hóa xuất khẩu sang các nước, mở rộng thị trường. Đây chính là hướng đi lâu dài và bền vững.
Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc MB TP. Hồ Chí Minh cho biết, mới đây MB đã cấp gói hạn mức 200 tỷ cho Tập đoàn De Heus để thực hiện cho vay liên kết chuỗi. Theo đó, khi các chủ trang trại, DN sản xuất, chế biến, chăn nuôi tham gia liên kết chuỗi sẽ được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, giảm chi phí dịch vụ, chuyển khoản... Đặc biệt, việc cấp hạn mức tín dụng theo chuỗi cũng giúp ngân hàng giảm thiểu tối đa vấn để rủi ro đối với việc cho vay mô hình sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, đầu ra bấp bênh. |
Thanh Tuyết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã