Đây là khẳng định của PGS, TS Đào Văn Hùng – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH – ĐT) trong cuộc trao đổi với DĐDN.
Theo PGS TS Đào Văn Hùng, hiện nay nhu cầu vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân rất đa dạng, nhưng các tổ chức tài chính lại chưa đủ mạng lưới cũng như sản phẩm, dịch vụ để cung cấp, đáp ứng các nhu cầu này khiến nhiều người phải buộc phải tiếp cận nguồn tín dụng đen. Vì vậy, việc phát triển dịch vụ tài chính tiêu dùng là điều quan trọng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
– Rõ ràng nguồn vay tài chính tiêu dùng có nhiều ưu điểm và phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay. Tuy nhiên, dường như mô hình này vẫn gặp phải những rào cản khiến mô hình này chưa thực sự phát triển?
Trước tiên tôi muốn giải thích rõ hơn về tài chính tiêu dùng. Đây là một dịch vụ tài chính cung cấp cho các cá nhân và các hộ gia đình nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về mua sắm hàng hóa, hàng tiêu dùng, các dịch vụ phi đầu tư. Nói đến tài chính tiêu dùng, người ta có thể hiểu đây là món vay nhỏ, thường tập trung vào các đối tượng dưới chuẩn – những nhóm người chưa đủ điều kiện để tiếp cận các định chế tài chính khác. Tài chính tiêu dùng thường là ngắn hạn, chi phí tài chính tiêu dùng khá cao.
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là dù có nhiều ưu điểm nhưng hiểu biết của người dân về tài chính tiêu dùng lại đang rất thấp. Không chỉ người dân ở nông thôn, những người “dưới chuẩn” không hiểu về tài chính tiêu dùng, ngay cả những người có thu nhập, có trình độ cao không phải ai cũng hiểu biết về các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và dịch vụ cung cấp tài chính tiêu dùng.
Không những thế, ngay bản thân các định chế tài chính, các công ty tài chính cũng như các ngân hàng thương mại hiện cũng chú trọng phát triển mô hình này. Với tiềm năng hơn 90 triệu dân mà đến nay mới chỉ có 6 công ty về tài chính tiêu dùng và một số ngân hàng thương mại quan tâm tới dịch vụ này là quá ít so với nhu cầu hiện nay của người dân. Ngoài ra, việc quảng bá các sản phẩm của họ hiện mới chỉ ở khu vực đô thị, ven đô; khu vực nông thôn – nơi phần lớn người dân ở trong diện “dưới chuẩn” vẫn chưa được biết đến. Do vậy, thời gian tới cần xem xét vấn đề trên cả hai phía, phía cung là các định chế tài chính, phía cầu là người dân.
– Ở nhiều nước trong khu vực, việc cho vay tiêu dùng rất phát triển, không chỉ giúp người dân mà còn giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Điều này có thể áp dụng với trường hợp Việt Nam không, thưa ông?
Hoàn toàn phù hợp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập, mức sống của người dân đang ngày một nâng cao. Đúng là ở các nước, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của người dân, tín dụng tiêu dùng còn có tác dụng khuyến khích sản xuất, các nhà sản xuất cũng muốn tiêu thụ được sản phẩm.
Như tôi đã nói ở trên, do nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vấn đề này còn hạn chế nên mô hình này ở Việt Nam còn chưa phát triển. Vì vậy, việc tuyên truyền cho người dân hiểu để mô hình này phát triển là điều không chỉ của các cơ quan hữu quan mà là của toàn xã hội. Đây là việc mà chúng ta cần phải đẩy mạnh nếu không muốn bị tụt hậu so với các nước trong khu vực trong phát triển kinh tế, xã hội…Bởi rõ ràng, tiềm năng về tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, định chế tài chính nào chớp được thời cơ, nhất là trong 5 năm sắp tới, tôi tin rằng họ sẽ có cơ hội “thắng” rất lớn!
– Vậy theo ông, hành lang pháp lý cần phải thực hiện theo hướng nào để đảm bảo tính minh bạch cũng như sự lành mạnh của cho vay tài chính tiêu dùng?
Theo tôi, sở dĩ tín dụng tiêu dùng ở VN chưa phát triển và các định chế tài chính cung cấp các dịch vụ tín dụng tiêu dùng hạn chế một phần là do chưa có khung pháp lý trong lĩnh vực này. Riêng đối với Cty tài chính là hoàn toàn chưa có, cần sớm hoàn thiện “lỗ hổng” này.
Hiện nay, về mặt pháp lý, chúng ta vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vay tiêu dùng cho các công ty tài chính, mới chỉ có một số hướng dẫn chung chung cho các sản phẩm về tài chính, thẻ tín dụng, cho vay trả góp… Theo tôi, khuôn khổ này cần đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam.
Nên nhớ, dù khuôn khổ pháp lý thế nào thì tính minh bạch là điều quan trọng nhất, chẳng hạn như lãi suất, bảo vệ người đi vay như thế nào… Đây là những vấn đề quan trọng giúp cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển.
– Xin cảm ơn ông!
Tuấn Anh
thực hiện
http://enternews.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã