Theo Bộ NN&PTNT, mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực. Tuy nhiên, sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng suất sản xuất 27,5 đến 28 triệu con heo, hơn 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa…
Theo các chuyên gia, việc xuất khẩu thịt heo Việt Nam sang các nước, từ nhiều năm nay, vẫn chưa có sự đột phá nào. Phần lớn xuất khẩu heo hơi sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Có thể nói, tình hình xuất khẩu thịt heo của Việt Nam hiện tại hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng. Điều này cũng được chỉ ra tại báo cáo do Hãng Nghiên cứu toàn cầu (IBC) thực hiện. Cụ thể, trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con heo (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016) và con số này có thể giảm về mức 1,17 triệu con nếu tình hình không khả quan. Trong khi xuất khẩu thịt heo theo đường chính ngạch của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhìn nhận về triển vọng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam đã tới. Ngoài việc Việt Nam hiện đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước, còn là cơ hội cho xuất khẩu thịt heo chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo đó, Trung Quốc sẽ mở cửa cho thịt heo Việt Nam đã qua giết mổ, xẻ mảnh đông lạnh. Heo thịt phải được kiểm soát về dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng và được giết mổ theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phía Trung Quốc không cấp quota mà sẽ nhập theo nhu cầu thực tế. Ước tính nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của nước này khoảng 1 triệu tấn.
Về quy trình thủ tục, nước bạn yêu cầu các cơ quan chuyên môn ở Việt Nam, cụ thể là Cục Thú y sớm rà soát và xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan tới quản lý, kiểm soát dịch bệnh để phía Trung Quốc có căn cứ tiến hành dỡ bỏ lệnh cấm. Sau đó, hai bên sẽ từng bước có những buổi tiếp xúc, đàm phán cụ thể hơn để tiến tới ký kết xuất nhập khẩu chính ngạch thịt heo sang Trung Quốc.
“Trong thời điểm này, chúng ta cần hoàn thiện hồ sơ đáp ứng đúng các yêu cầu của Trung Quốc, chứng minh Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh lở mồm long móng. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, cơ quan thú y của nước bạn sẽ hỗ trợ để làm sao hồ sơ hoàn thiện nhanh nhất có thể. Sắp tới phía Trung Quốc sẽ cử một đoàn cán bộ sang thăm Việt Nam đồng thời khảo sát nắm bắt tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, nếu Việt Nam thực sự đã kiểm soát tốt dịch bệnh, họ sẽ mở cửa nhập khẩu heo của chúng ta ngay trong năm nay” - ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ.
Để thâm nhập và giữ vững thị trường Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải tổ chức sản xuất lại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, các hộ chăn nuôi liên kết lại thành hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra các giống heo chất lượng năng suất, sức sinh sản cao để hạ giá thành thấp nhất có thể, phải bán đấu giá trong tương lai giá heo Việt Nam sẽ thấp nhất trong khu vực ASEAN. Bên cạnh tạo ra các giống heo chất lượng, cần đẩy mạnh khâu chế biến nhằm có nhiều sản phẩm từ thịt heo, phải đa dạng sản phẩm thì mới thúc đẩy tiêu thụ cả trong và ngoài nước được.
Một vấn đề nữa cần chú trọng đó là các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường nhiều nước nhằm nắm bắt được phong tục tập quán, thói quen ăn uống, hàng rào kỹ thuật, từ đó nghiên cứu tổ chức sản xuất trong nước để đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu...
Ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng giám đốc VISSANHoạch định lại ngành chăn nuôiXuất khẩu heo chính ngạch sang Trung Quốc về mặt đàm phán kỹ thuật phải mất ít nhất 18 tháng. Các yêu cầu của Trung Quốc cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Để đáp ứng các yêu cầu đó, đòi hỏi chúng ta phải tổ chức lại sản xuất. Một khi chúng ta có thể xuất khẩu thịt heo đông lạnh đi Trung Quốc cũng có nghĩa là Việt Nam có đủ điều kiện để xuất khẩu đi các nước khác. Dù là khó khăn nhưng chúng ta nên tận dụng cơ hội này để hoạch định lại ngành chăn nuôi. Ngoài các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, ngành chăn nuôi còn phải tính đến cả các tiêu chuẩn về môi trường.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng NaiNhìn nhận lại để thay đổiDù sao đây cũng là cơ hội cho cả người chăn nuôi và nhà nước tự nhìn lại mình để thay đổi. Đối với người chăn nuôi, rõ ràng đây là ngành sản xuất có điều kiện. Có nghĩa là phải có đầu ra, thị trường ổn định và phải tuân thủ theo các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường. Phải đảm bảo các điều kiện đó hoạt động chăn nuôi mới ổn định và phát triển. Rõ ràng là không thể cứ thấy giá tăng là tăng đàn ồ ạt mà không quan tâm đầu ra. Không chỉ đáp ứng các đòi hỏi của Trung Quốc, xuất khẩu chính ngạch còn giúp Việt Nam tuân thủ quy tắc quốc tế. Việt Nam muốn xuất hàng qua Trung Quốc thì phải cạnh tranh về giá thành với các nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có lợi thế về khoảng cách nên chi phí và thời gian vận chuyển sẽ thấp hơn. Ở góc độ quản lý, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ như xây dựng các vùng trọng điểm về xuất khẩu để tập trung quản lý về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã