Nông, thủy sản góp công lớn
Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhóm hàng nông, thủy sản đã mang về kim ngạch xuất khẩu 19,33 tỷ USD, chiếm 12,55% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng rau quả, gạo, hạt điều, thủy sản… tăng cao, với mức tăng gần 20%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rau quả là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản, với 2,67 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ. Có được kết quả này là do rau quả Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản…
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, rau quả xuất khẩu đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các tín hiệu thị trường cho thấy, các sản phẩm trái cây mới sẽ tiếp tục được một số thị trường khó tính đón nhận.
Chẳng hạn, sau một thời gian nhập khẩu thanh long ruột trắng và ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải, Hoa Kỳ đã đồng ý nhập khẩu vú sữa từ Việt Nam. Nhật Bản đồng ý nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài. Hàn Quốc cho phép nhập thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài, New Zealand nhập từ Việt Nam trái xoài, thanh long ruột trắng và đỏ…
Trong khi đó, hạt gạo xuất khẩu cũng đang lấy lại “phong độ”, với lượng xuất khẩu 9 tháng qua đạt 3,8 triệu tấn, trị giá 2,03 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2016. Phân tích của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu tăng trong các tháng gần đây và duy trì ở mức cao đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này.
Đối với thủy sản, dù đang vấp phải không ít rào cản từ các thị trường nhập khẩu cá tra, con tôm, nhưng 9 tháng qua, các sản phẩm này vẫn mang về 6 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ.
Kỳ vọng tăng mạnh trong quý IV/2017
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý IV/2017 do những diễn biến thuận lợi của kinh tế thế giới, cũng như tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Báo cáo mới nhất của HSBC cũng cho hay, xuất khẩu gạo và rau trong quý III/2017 tăng bình quân trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý IV/2017, trừ khi gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt.
Theo thông tin từ Công ty TNHH An Đình, doanh nghiệp đã có nhiều năm đưa giống lúa của Nhật Bản và Hàn Quốc về canh tác tại các huyện Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) để sản xuất và xuất khẩu, đơn hàng xuất khẩu gạo của An Đình đã được chốt cho hết năm 2017, với sản lượng tăng hơn 10% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Thương, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH An Đình cho biết, thị trường xuất khẩu chính của gạo An Đình là Nhật Bản, Nga, Mỹ… Công ty đang hoạt động hết công suất để đảm bảo tiến độ giao hàng cho đối tác.
Trong khi đó, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn đang mở ra với ngành hàng rau quả, sau một thời gian sản phẩm trái cây đặc sản trong nước chinh phục được thị trường khó tính Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…
Tại Hội thảo “Duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU” do Dự án EU - MUTRAP phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức ngày 9/10, ông Rugguero Malossi, chuyên gia quốc tế Dự án khẳng định, thị trường EU với những tiêu chuẩn nhập khẩu cao vẫn đang mở cửa cho rau quả Việt Nam.
“GlobalGap là tiêu chuẩn tối thiểu cho các siêu thị ở EU, vì thế, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn này. Đồng thời, nên từng bước phát triển sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên”, ông Rugguero Malossi đề nghị.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã