Từ đầu năm đến nay, nhà vườn nhận được nhiều thông tin vui: Thứ nhất, những thị trường “khó tính” và giàu có như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, New Zealand,… đồng ý mở cửa tiếp nhận nhiều loại trái cây của ta, như vải, nhãn, thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm, bưởi,… Thứ hai, trong khi kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng nông sản tiếp tục sụt giảm thì kim ngạch trái cây vẫn liên tục tăng trưởng ở mức cao (xuất khẩu trái cây cả nước đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2014 so với 1 tỷ USD trong năm 2013 và 827 triệu USD năm 2012. Mục tiêu năm nay là 2 tỷ USD). Thứ ba, việc nhiều thị trường “khó tính” mở cửa và kim ngạch tăng chứng tỏ sản xuất theo quy trình và tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất trái cây đã được công nhận.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản là những thị trường rau quả rất lớn. Năm 2011, Hoa Kỳ nhập khẩu gần 11 tỷ USD các chủng loại trái cây, trong đó trái cây nhiệt đới chiếm trên 35%. Các quốc gia khối EU nhập khẩu mỗi năm 12 – 13 triệu tấn rau quả, trong đó rau quả nhiệt đới không kể chuối, dứa là 2,5 triệu tấn, năm 2011, nhập khẩu gần 52 tỷ USD. Năm 2011, Nhật Bản nhập 2,52 tỷ USD, các chủng loại chủ yếu là chuối, cam, nho, và các loại trái cây nhiệt đới khác như xoài, đu đủ, bơ, ổi, nhãn, sầu riêng, chôm chôm và thanh long… Tiềm năng thị trường là rất rộng mở. Đó là cơ hội lớn cho nghề vườn, cả sản xuất trái cây và rau củ. Nhưng cơ hội sẽ chỉ là cơ hội nếu chúng ta, cả nhà nước, nhà vườn, doanh nghiệp và nhà khoa học không có những thay đổi trong tư duy quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Tuy vậy, một thực tế đang tồn tại trong sản xuất nông nghiệp nói chung và rau quả của ta nói riêng là, sản xuất nhỏ lẻ ở quy mô hộ gia đình với tư duy tiểu nông, thiếu sự liên kết. Điểm yếu này kéo theo một loạt những hệ lụy, như: chất lượng không đồng đều, không ổn định, khó đảm bảo đơn hàng lớn với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cao, chi phí thu gom lớn, công nghệ bảo quản lạc hậu,... Trang thiết bị phục vụ cho xuất khẩu rau quả của ta thiếu và yếu. Lấy ví dụ như máy chiếu xạ, hiện mới chỉ có hai trung tâm ở phía Nam, phía Bắc chưa có nên phải mang vải, nhãn từ Bắc Giang, Hưng Yên vào Nam chiếu xạ. Điều này khiến giá thành đội lên rất lớn. Đó là chưa nói tới việc công tác quảng bá thương hiệu cho trái cây Việt và đa dạng hóa sản phẩm chế biến chưa được các doanh nghiệp làm tốt.
Số liệu trái cây xuất khẩu vào các thị trường lớn còn rất khiêm tốn (trong những tháng đầu năm 2015 mới có khoảng 1000 tấn thanh long, chôm chôm, xoài được xuất sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Mới có khoảng 1 tấn vải thiều sang Hoa Kỳ…) so với năng lực của nhà vườn. Điều này có thể là điểm khởi đầu cho việc phối kết hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn giữa các bộ ngành trong triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Hy vọng, chúng ta tận dụng tốt cơ hội và những lợi thế để nâng cao giá trị gia tăng đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành hàng trái cây, rau củ nói riêng.
Hiền Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã