Có tiền cũng khó mua được lợn
Giờ nhà có đàn lợn giống như có của hiếm trong nhà nên vợ chồng bà Phạm Thị Mến ở Văn Giang (Hưng Yên) luôn phải túc trực 24/24h để chăm sóc. Bà Mến bảo: "Trước khi chưa có dịch nuôi lợn đã khó đến giờ công việc này còn khó hơn gấp nhiều lần".
Hôm chúng tôi đến nhà định xin vào chuồng chụp ảnh đàn lợn nhưng bà Mến nhất quyết không đồng ý với lý do, đảm bảo an toàn phòng dịch cho đàn vật nuôi của gia đình. Cuối cùng để có ảnh, chúng tôi phải đưa điện thoại và nhờ vị chủ trang trại này vào chuồng chụp.
"Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có thuốc chữa, vắc xin phòng nên chúng tôi buộc phải "cấm cửa" với người lạ. Ngoài ra, để an toàn, gia đình còn chủ động sản xuất thức ăn tại chỗ phục vụ đàn lợn, tránh nguồn lây nhiễm bên ngoài", bà Mến tiết lộ.
Là hộ may mắn giữ và gột thành công được 3 nái từ lợn thịt, trung bình mỗi con nái của bà Mến đẻ khoảng 6 trên dưới 10 con/lứa, phần lớn các con giống được bà Mến đều giữ lại nuôi bán thương phẩm. Tính ra, từ khi bị dịch đến giờ, vợ chồng bà đã xuất bán được 2 lứa lợn thịt, với mỗi lứa trên dưới 20 con, đạt doanh thu trên 200 triệu đồng/lứa.
Kể về quá trình gây nái đẻ, bà Miến kể: Theo kinh nghiệm chăn nuôi, chúng tôi cứ chọn các con lợn có bộ khung dài, to, thon, đẹp, nhiều vú (mỗi con trên 10-12 vú) để làm nái. Như vậy, hơn 20 con giống thương phẩm chúng tôi cũng may mắn chọn được 3 con để gây nái.
Quá trình gây nái hậu bị cũng rất cực khổ và gian nan. Từ lúc gây được lên nái đẻ phải mất trên 1 năm, đến ngày lợn chuẩn bị sinh, vợ chồng bà luôn phải canh ngày, canh đêm để đỡ đẻ cho lợn. Lợn đẻ xong suôn sẻ vợ chồng bà lại thay nhau ở chuồng để canh cho lợn con bú mẹ, con nào yếu không tự bú được thì ông bà lại phải giữ cho chúng bú.
"Trong giai đoạn nhỏ, mỗi đêm chúng tôi phải đặt giờ vài lần để canh chăm lợn con là bình thường", bà Mến kể. Khi lợn con đủ ngày, đủ tháng tập ăn lại bị tiêu chảy, hai vợ chồng bà lại lo tìm đi hái lá ngọn ổi, lá chuối... về chữa theo mẹo dân gian nhiều ngày không khỏi, thấy đàn giống ốm yếu gầy rộc đi, bà Miến lại cất công ra hiệu thuốc thú y mua thuốc về xử lý vài ngày mới cầm được.
"Để nuôi được lứa lợn, chúng tôi cũng khổ cực lắm, đến giờ mỗi khi vật nuôi bị ốm còn lo hơn người ốm", bà Mến bộc bạch.
Từ khi biết gia đình bà Mến còn lợn nái, hàng chục lái buôn trong và ngoài tỉnh luôn túc trực để mua lợn giống nhưng đều bất thành.
"Thường ngày có nhiều lái đến hỏi mua lợn, sợ lây lan dịch chúng tôi chủ động khóa cửa kín, nhưng có hôm một số lái vẫn cố còn vượt tường rào cao vào xin mua lợn nhưng vợ chồng tôi cũng không đồng ý bán", bà Mến bức xúc.
Vào những ngày này, ông Phạm Văn Thân, lái lợn ở Bình Lục (Hà Nam) đang gọi điện thoại khắp nơi để tìm nguồn hàng cung cấp cho các trang trại, nông hộ trong và ngoài tỉnh.
"Hiện, chúng tôi đang nhận cả trăm đơn hàng lớn, nhỏ nhưng lượng lợn mua mỗi ngày cũng rất nhỏ giọt nên không có để đáp ứng", ông Thân nói.
Theo ông Thân, phần lớn đàn nái chất lượng cao hiện đang nằm tại các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhưng các đơn vị này không bán lẻ ra ngoài nên buộc lòng các thương lái phải chấp nhận mua qua tay với giá cao hoặc phải chủ động săn tìm mua lợn bên ngoài.
"Thời điểm này giá lợn giống đang tăng cao trên 3 triệu đồng/con, thậm chí có hôm lấy qua tay với giá gần 4 triệu đồng/con giống nhưng cũng khó mua được số lượng lớn", ông Thân khẳng định.
Dân nuôi lợn rừng làm cỗ
Cũng theo ông Thân, do quá khan giống, nhiều thương lái phải đặt hàng người nuôi lợn nái và phải chăm sóc, chờ thời gian dài mới mua được lợn giống.
Sau nhiều tháng săn tìm mua lợn giống không thành, mới đây vợ chồng ông Phạm Văn Thêm ở Nho Quan (Ninh Bình) phải chấp nhận mua 3 con lợn rừng về nuôi thương phẩm để chuẩn bị làm cỗ cưới cho con gái.
"Dù có tiền nhưng chúng tôi cũng đành bất lực, không thể nào mua được lợn giống nên đành phải mua lợn rừng về nuôi thôi" ông Thêm nói.
Theo ông Thêm, so với lợn trắng, hiện giá lợn rừng giống khá rẻ chỉ khoảng trên dưới 2 triệu đồng/con 7-12kg. "Tuy lợn rừng có kích cỡ, trọng lượng thịt kém hơn so với lợn trắng nhưng nếu nuôi dài ngày và chăm sóc cẩn thận với chế độ thức ăn phù hợp thì có thể vấn đáp ứng được nguồn thực phẩm để làm cỗ", ông Thêm chia sẻ.
Giá heo hơi hôm nay 17/5 ở Hưng Yên, Vĩnh Phúc đạt 95.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ở Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai đạt 93.000 - 94.000 đồng/kg. Tại Thái Bình, Nam Định, giá heo hơi đạt 94.000 đồng/kg.
Theo phản ánh của các thương lái, 6 ngày này, lượng heo về chợ đầu mối gia súc Hà Nam giảm từ 20-35%.
Giá heo hơi hôm nay 17/5 ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên vẫn giữ trạng thái ổn định ở mức khá cao.
Theo đó, giá heo tại Thanh Hóa, Nghệ An đã vọt lên mức 93.000 đồng/kg; trong khi giá heo hơi ở Hà Tĩnh là 91.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, giá heo hơi đạt 88.000 - 89.000 đồng/kg.
Cao hơn một chút, giá heo hơi tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận dao động trong khoảng 92.000 - 93.000 đồng/kg. Cá biệt, giá heo hơi tại Đăk Lăk đã đạt 95.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 17/5 ở các tỉnh miền Nam đều trên mức 90.000 đồng/kg; theo đó, giá heo hơi tại Đồng Nai đã đạt 95.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo hơi ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh đạt 93.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Tây, đồng loạt các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, giá heo hơi đều đạt 90.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Tiền Giang, Trà Vinh đạt 93.000 đồng/kg; tại Cần Thơ, giá heo đạt 91.000 đồng/kg.
Theo Hải Đăng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã