Học tập đạo đức HCM

Hiện thực hóa giấc mơ đổi đời của nông dân

Thứ tư - 09/11/2016 22:31
Những giải pháp trọng tâm được Agribank đưa ra đó là: tích cực triển khai phương pháp cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với Hội Nông dân, Phụ nữ và nhân rộng mô hình điểm giao dịch lưu động để giảm chi phí cho vay, giảm quá tải trong tín dụng hộ sản xuất khu vực nông thôn.

Chủ lực cho vay hộ gia đình và cá nhân

Với một quốc gia có đến 70% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, và nông nghiệp đóng góp khoảng 22% GDP, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu, phát triển ngành nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu của đất nước.

Đảm trách nhiệm vụ trọng yếu là kênh dẫn vốn chủ lực cho khu vực tam nông, trong suốt 30 năm qua, Agribank đã khẳng định vai trò chủ đạo trong đầu tư cho khu vực này, đóng góp tích cực trong những thành tựu đổi mới nền nông nghiệp nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung.

Riêng vốn đầu tư đối với hộ gia đình và cá nhân, Agribank dành sự “ưu ái” lớn khi đối tượng khách hàng này chiếm tỷ trọng gần 70% trong tổng dư nợ của NH. Agribank là NHTM có số lượng khách hàng là hộ gia đình và cá nhân, cùng hệ thống tổ vay vốn lớn nhất trong hệ thống TCTD với khoảng 4 triệu hộ gia đình và cá nhân tạo “lực đẩy” quan trọng phát triển kinh tế địa phương.

Nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay Agribank

Đến trang trại chị Lê Thị Tâm (Cam Lộ, Quảng Trị) mới thấy rõ sự thay da đổi thịt của một vùng đất vốn cằn cỗi, bạc màu nhờ ý chí, bàn tay con người và đồng vốn NH. Là quân nhân, sau khi xuất ngũ nghỉ hưu năm 2011, chị Tâm quyết định mua 5 lô đất rừng diện tích 10 ha thuộc xã Cam Thành với mong muốn xây dựng nơi đây thành trang trại tổng hợp khép kín. Bắt tay vào xây dựng trang trại, chị gặp muôn vàn khó khăn, tài chính hạn hẹp, sự phản đối của chính những người thân trong gia đình…

Trong lúc đang gặp khó khăn về nguồn tài chính, được sự quan tâm giới thiệu, hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Cam Lộ và Agribank huyện Cam Lộ, chị đã mạnh dạn vay tín chấp 1,25 tỷ đồng - đây là vốn vay theo thỏa thuận liên ngành số 799 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Agribank.

Từ nguồn vốn Agribank, mọi “nút thắt” khó nhất đã dần được gỡ bỏ. Giờ đây, trang trại tổng hợp của chị Lê Thị Tâm có 1.000 con lợn thịt; 30 con lợn nái siêu nạc; 2.000 con gà; 300 con ngan, vịt; 2 hồ thả cá các loại; 50 gốc thanh long ruột đỏ... sau khi đã trừ chi phí, đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 300 triệu đồng/năm.

Nhờ đồng vốn của Agribank, kinh tế nhiều địa phương khác trên cả nước cũng có sự thay đổi rõ rệt. Tại Hà Tĩnh hiện nay đã thành lập được gần 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và không còn tình trạng “trắng” về mô hình kinh tế. Gia đình anh Lê Văn Bình (xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân) là một điển hình đi lên nhờ đồng vốn NH.

Anh Bình cho biết, từ năm 1993, với sự đồng hành của Agribank chi nhánh Nghi Xuân - Hà Tĩnh cùng các cấp Hội và chính quyền địa phương, đến nay, gia đình anh xây dựng thành công trang trại tổng hợp trên diện tích 60 ha, trong đó có 50 ha trồng rừng. “Nhờ sự động viên của cán bộ tín dụng, gia đình tôi tiến hành san lấp diện tích hoang hóa trước đây để nuôi cá, tôm trên diện tích ao hồ rộng khoảng 2 ha và nuôi bò, lợn, gia cầm... đem lại năng suất cao và tạo công ăn việc làm cho vài chục lao động trong xã”, anh Bình cho biết thêm.

Không chỉ ở Quảng Trị, Hà Tĩnh, trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước, còn rất nhiều mô hình kinh tế ăn nên làm ra từ nguồn vốn Agribank. Tín dụng hộ gia đình và cá nhân luôn góp phần quan trọng đối với sự tăng trưởng GDP của nền kinh tế đất nước, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động ở khu vực nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, ổn định các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn nước ta.

Kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả

Có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân. Mô hình sản xuất gia đình anh Bình hay chị Tâm đều là những trường hợp điển hình cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Agribank với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp triển khai chủ trương, chính sách phát triển tam nông của Đảng, Chính phủ.

Thành viên HĐTV Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, trong nhiều năm qua, từ năm 1997, Agribank đã chủ động quan hệ hợp tác với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, triển khai hệ thống tổ vay vốn nhằm tạo ra kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả cho nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo và có cơ hội làm giàu trên quê hương.

Đến nay, hệ thống tổ vay vốn của Agribank được triển khai tại 53 chi nhánh với 35.935 tổ đang hoạt động và trên 939.000 thành viên tham gia; tổng dư nợ tổ vay vốn quản lý 44.400 tỷ đồng. Bình quân mỗi tổ có 23 tổ viên, dư nợ bình quân mỗi tổ quản lý 995 triệu đồng. Một số chi nhánh cho vay qua tổ rất tốt, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả tạo điều kiện cho các hộ gia đình và cá nhân tiếp cận vốn một cách thuận lợi và có hiệu quả. Nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với NH.

Với mô hình này, các hộ gia đình và cá nhân trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo tính cộng đồng ngày càng gắn bó, tạo niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cho vay qua tổ ngoài giám sát của cán bộ tín dụng, các tổ trưởng theo dõi đôn đốc hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, đồng thời phản ánh kịp thời những vướng mắc, khó khăn tới các chi nhánh Agribank.

Do đó, tỷ lệ nợ xấu cho vay qua tổ thấp chỉ chiếm 0,2%, trong khi lãi thu được khá cao. Rất nhiều chi nhánh trong hệ thống Agribank triển khai mô hình cho vay thông qua tổ vay vốn hiệu quả như: Agribank Bắc Giang, Nam Định, Bình Thuận, Gia Lai, Thái Bình, Đông Anh…

Tăng chất cho tổ vay vốn

Thực tế triển khai cho vay hộ gia đình và cá nhân ở nước ta đã cho thấy hiệu quả, lợi ích không nhỏ từ mô hình này đem lại và tiềm năng về tín dụng hộ gia đình và cá nhân của nước ta còn rất lớn, khi nước ta có đến gần 24 triệu hộ gia đình, trong đó hơn 15 triệu hộ sinh sống ở khu vực nông thôn…

Nhưng đang có một thực tế đặt ra đối với cho vay hộ gia đình và cá nhân là cho vay trên phạm vi rộng lớn, món vay nhỏ lẻ… phần nào tạo áp lực đối với cán bộ tín dụng Agribank. Nếu vào thời điểm năm 2012, mỗi cán bộ tín dụng Agribank quản lý trung bình 261 khách hàng, thì đến năm 2015, mỗi cán bộ tín dụng quản lý đến 352 khách hàng. Nhiều chi nhánh trong hệ thống quá tải như Agribank Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Long An, Đồng Nai, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hà Tĩnh… mỗi cán bộ tín dụng quản lý trên 1.000 khách hàng tại 2-3 xã.

Để vừa khắc phục những hạn chế, tình trạng quá tải, vừa mở rộng cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân, mới đây, Hội đồng Thành viên Agribank ban hành triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả cho vay đối với hộ gia đình và cá nhân thông qua tổ vay vốn – tổ cho vay lưu động”.

Theo đó, Agribank đặt ra mục tiêu cụ thể đó là nâng dần tỷ trọng cho vay qua tổ từ 14,2% lên 25% trên tổng dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân; sau 5 năm triển khai nâng tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt 165.000 tỷ đồng. Những giải pháp trọng tâm được Agribank đưa ra đó là: tích cực triển khai phương pháp cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với Hội Nông dân, Phụ nữ và nhân rộng mô hình điểm giao dịch lưu động để giảm chi phí cho vay, giảm quá tải trong tín dụng hộ sản xuất khu vực nông thôn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, lãnh đạo Agribank cho biết, NH triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố việc cho vay qua tổ vay vốn, đồng thời triển khai tổ cho vay lưu động; Mở rộng quy mô tín dụng qua tổ đối với hộ gia đình và cá nhân song song với phát triển các dịch vụ khác; tăng cường mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời tập huấn cho các tổ trưởng tổ vay vốn những vấn đề thay đổi liên quan…

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập215
  • Hôm nay26,912
  • Tháng hiện tại684,981
  • Tổng lượt truy cập90,748,374
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây