Tại kỳ họp, nhiều ý kiến cho rằng, đây là quyết định hợp lý bởi trên thực tế hiện nay số lượng máy đã có cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu làm đất và thu hoạch. Đánh giá cao những tác động tích cực của chính sách, tuy nhiên, nhiều cử tri băn khoăn, số lượng máy được nhận tiền hỗ trợ còn rất ít và khi nào thì hơn 1.700 máy đã nghiệm thu sẽ được hưởng lợi từ chính sách?
2.318 máy được sắm mới từ chính sách
Phải nói rằng, với số tiền hỗ trợ một lần tới 40% kinh phí mua máy gặt đập liên hợp và máy làm đất (32 mã lực trở lên), cộng với chính sách hỗ trợ lãi suất cho số tiền vay ngân hàng, nông dân Hà Tĩnh đã có một cơ hội lớn chưa từng có trong việc thực hiện cơ giới hóa sản xuất. Bởi vậy, chỉ hơn 2 năm thực hiện chính sách đã đi vào thực tiễn và có sức lan tỏa tại nhiều địa phương. 2.318 máy gặt đập liên hợp và máy làm đất đã được trang bị mới nhờ sự kích cầu của chính sách, góp phần đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Cơ giới hóa sản xuất giúp xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các máy nông nghiệp được trang bị từ chính sách đều được quản lý và hoạt động tốt, góp phần bình ổn giá cả dịch vụ cung ứng máy trong mùa vụ thu hoạch. Đồng thời, nhờ nguồn hỗ trợ khá lớn nên theo tính toán, sau khoảng 2 - 3 vụ, chủ máy đã thu hồi được vốn đầu tư bỏ ra.
Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp (cây lúa) đối với công đoạn làm đất đạt 92%, khâu thu hoạch đạt 93% (tăng 2,1 lần so với năm 2010); tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp (cây màu) đạt 62,1% (tăng 2 lần so với năm 2010). Cơ giới hóa trong nông nghiệp đã rút ngắn thời gian làm đất, thu hoạch (từ 10-12 ngày) so với trước đây (từ 20-30 ngày), giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất trong thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân đáp ứng được yêu cầu mùa vụ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, so với mục tiêu đề ra ở thời điểm ban hành chính sách (tháng 7/2014), số lượng máy được đầu tư mới trong hơn 2 năm qua đã vượt gấp hàng chục lần. Số tiền hỗ trợ trực tiếp mà ngân sách tỉnh phải giải ngân lên tới trên 133 tỷ đồng. Bên cạnh đó, qua đánh giá cho thấy, hiện nay số lượng máy gặt đập, máy làm đất đã cơ bản đáp ứng được quỹ đất sản xuất, ngoài ra khi thời vụ đến thì thị trường dịch vụ gặt đập, làm đất đã có sự trao đổi, hợp tác lẫn nhau của các chủ máy trong toàn tỉnh, thậm chí là tỉnh này sang tỉnh khác. Bởi vậy, việc ngừng chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp là phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong giai đoạn thu ngân sách tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Bố trí ngân sách hỗ trợ số máy đã nghiệm thu
Tuy nhiên điều mà cử tri chờ đợi và các đại biểu tham gia kỳ họp băn khoăn đó là công tác giải ngân số tiền hỗ trợ cho những máy móc đã được mua sắm, nghiệm thu còn chậm. Đến thời điểm này, mới chỉ có 611/2.318 máy được hỗ trợ với kinh phí gần 49 tỷ đồng. 1.707 máy còn lại (chiếm khoảng ¾ tổng số máy được đầu tư theo chính sách) đã được nghiệm thu theo đúng quy định chưa được nhận số tiền hỗ trợ một lần từ ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh lưu ý một số vấn đề liên quan đến việc bãi bỏ chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp
Theo dõi thông tin về việc xem xét ngừng chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, nhiều nông dân chưa nhận được số tiền hỗ trợ không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Hữu Tam - xóm Tân Tiến - xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) băn khoăn: Tôi mua chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá 600 triệu đồng từ năm 2015. Đã 2 lần các cấp, ngành hướng dẫn làm hồ sơ nghiệm thu mà tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy. Nói thật là nông dân chúng tôi nhìn vào chính sách mới quyết đầu tư chiếc máy số tiền lớn như vậy. Xã chúng tôi còn có 4 máy chưa nhận được tiền hỗ trợ. Chúng tôi đang nóng lòng xem nhà nước có giải pháp gì để nông dân sớm nhận được tiền hỗ sau một thời gian chờ đợi khá dài.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII, đại biểu Bùi Nhân Sâm – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, tổ đại biểu Can Lộc cho biết: Chỉ tính riêng số tiền đã phê duyệt đến cuối năm 2015 (chưa tính 6 tháng 2016) là gần 129 tỷ đồng, thì ngân sách các cấp đang thiếu 78 tỷ đồng tiền hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua máy sản xuất nông nghiệp. Đề nghị tỉnh cân đối ngân sách để giải ngân cho người dân nhằm giảm gánh nặng về lãi suất cho những người vay vốn mua máy.
Giải quyết những băn khoăn này, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho biết, tỉnh sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ số máy đã được trang bị theo chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, các địa phương, sở ngành liên quan cần phổ biến, tuyên truyền và kiểm soát không để xảy ra tình trạng ồ ạt mua máy trước khi chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp hết hiệu lực.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt
Nhìn ở hướng chiến lược cho cơ giới hóa nông nghiệp, theo phân tích của đại biểu Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở NN&PTNT, tổ đại biểu Đức Thọ cho rằng: Về lâu dài, yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp sẽ tiếp tục đòi hỏi cơ giới hóa ở mức độ cao hơn. Đến cuối năm nay, ngành Nông nghiệp sẽ nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng phù hợp hơn với yêu cầu phát triển nhằm tạo cú hích mới, thúc đẩy việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Theo: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã