Tại hội nghị, ý kiến phát biểu của các đại biểu đều cho rằng, Nghị định 67 là chính sách lớn, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, tạo động lực phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, nâng cao sản lượng, thu nhập, đời sống ngư dân và tăng cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từ năm 2014 đến nay, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành đã rà soát đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng nghề cá, ban hành các tiêu chí lựa chọn các chủ tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá. Các ngân hàng thương mại đã kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết các thủ tục và tiến hành cho vay.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, cho đến nay, toàn tỉnh có 15/32 chủ tàu đủ điều kiện nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt đã vay vốn đóng mới, trong đó có 5 tàu đã hạ thủy, 19/55 chủ tàu vay vốn nâng cấp tàu cá đúng quy định.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã triển khai chính sách bảo hiểm tàu cá để ngư dân yên tâm bám biển, trong đó có 90 chủ tàu được hưởng bảo hiểm thân tàu, 766 thuyền viên được hưởng bảo hiểm tai nạn tàu cá, tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, tỉnh còn mở một số lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu cá vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá theo công nghệ mới đối với tàu cá có công suất 400 CV trở lên.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, trong quá trình triển khai Nghị định vẫn tồn tại một số vướng mắc.
Ông Hưng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có một nhà máy đóng tàu vỏ thép, các tỉnh khác cũng không có nhiều nhà máy và thực tế các nhà máy đóng tàu cá đều quá tải, do đó việc thương thảo ký kết hợp đồng đóng tàu cho ngư dân còn chậm.
Ngoài ra, tâm lý của ngư dân chỉ quen với tàu vỏ gỗ truyền thống, trong khi giá trị đóng tàu vỏ thép lớn hơn nhiều lần tàu vỏ gỗ, nên công tác vận động ngư dân chuyển sang đóng tàu vỏ thép gặp không ít khó khăn.
Hơn nữa, trong quá trình giám sát kỹ thuật theo quy chế đăng kiểm tàu cá, do cơ sở đóng tàu xa, nên công tác nghiệm thu chuyển giai đoạn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ đóng tàu và công tác giải ngân chậm. Nhiều chủ tàu vẫn chưa quan tâm đến chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý tàu cá...
Chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, để thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản trong thời gian tới, đề nghị các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về Nghị định 67 của Chính phủ, tiến hành rà soát điều chỉnh chính sách cho các chủ hộ đã được phê duyệt sớm được vay vốn cũng như kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn.
Các ngân hàng cần tiếp cận kịp thời, giải quyết các thủ tục cho vay vốn, giải ngân một cách nhanh chóng, thuận lợi.
UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng biển, khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá.