Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La thông báo tin vui là 6,8 tấn xoài tượng da xanh của tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu đi Úc; dự kiến trong tháng 7.2017 xuất khẩu 15 tấn và năm 2018 mở rộng xuất khẩu thêm sản phẩm nhãn quả sang các thị trường khác. Theo ông Chất, khi có thông tin xuất khẩu xoài sang Úc, giá xoài trên địa bàn đã được các thương lái thu mua với giá cao hơn 3.000 đồng. Hiện cả tỉnh Sơn La đang trồng 5.500ha xoài. Mặt hàng nhãn, bơ cũng có tiềm năng, lợi thế phát triển tốt trên địa bàn tỉnh Sơn La và có khả năng xuất khẩu đi các nước. Đến hết tháng 6/2017, tỉnh Sơn La có 35.628ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích trồng mới trong 6 tháng đầu năm là 4.154ha.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất phát biểu giới thiệu về tiêm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh Sơn La.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tỉnh Sơn La có 4 loại cây ăn quả chủ lực trong số 12 cây ăn quả chủ lực của cả nước, trong đó có bơ và xoài Yên Châu được đánh giá cao. Sơn La cần đầu tư cho việc liên kết, tiêu thụ và chế biến sâu trái cây. Để nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, sản phẩm quả, tỉnh Sơn La đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét định hướng về quy hoạch phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp với các thị trường quốc tế giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025 theo quy hoạch của Bộ, đồng thời giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy Sơn La đã nêu một số kiến nghị của tỉnh như phí chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện còn thấp, phương thức chi trả chưa hợp lý nên việc thực hiện mang lại hiệu quả thấp. Lãnh đạo tỉnh Sơn La đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ cách thức giúp tỉnh sử dụng phí dịch vụ môi trường rừng để chuyển ủy thác cho vay qua Ngân hàng chính sách cho bà con trồng cây ăn quả trên vùng đất dốc thay thế cây ngô, cây sắn nhằm đem lại giá trị cao hơn. Về lĩnh vực thu hút đầu tư, Sơn La đang chuẩn bị thu hút đầu tư từ phía Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc về lĩnh vực điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện....
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Sơn La vẫn là tỉnh nằm trong vùng khó khăn nhất của cả nước, có 5/12 huyện nghèo; 118 xã và 1.341 bản đặc biệt khó khăn, nhất là tại những dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình. Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh Sơn La đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng ưu tiên và có cơ chế đặc thù cho các dự án tái định cư Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình; đồng thời tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Sơn La thu hút các tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến nông sản.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những kết quả tỉnh Sơn La đạt được trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt tỉnh đã có chuyển biến rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp. “Sơn La là một trong ít tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư và hình thành được nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 43 doanh nghiệp và HTX với 86 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận VietGAP về an toàn thực phẩm; 36 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Sơn La không cần trồng nhiều cây mà phải làm ra tấm ra món, lựa chọn ít cây, con nhưng làm thành vùng lớn, quy hoạch gọn, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với du lịch”.
Nói về định hướng tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp Sơn La thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng tỉnh Sơn La cần chú trọng phát triển lâm nghiệp và có chiến lược bảo vệ rừng bền vững. Sơn La cần đầu tư vào lâm nghiệp, coi đây là lĩnh vực chủ công, tạo đột phá của Sơn La nói riêng cũng như các tỉnh Tây Bắc nói chung. Hiện nay, tỉnh Sơn La có 598.997ha rừng, độ che phủ đạt 42,49%; mục tiêu đến năm 2020 diện tích rừng của tỉnh đạt 702.799ha, độ che phủ đạt 50%. Diện tích rừng Sơn La và các tỉnh miền núi phía Bắc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng đồng bằng Bắc bộ, lưu vực sông Đà, sông Mã và các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình.
Cùng với lâm nghiệp, theo Bộ trưởng, chăn nuôi phải là một ngành chính trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Sơn La nhằm tận dụng nguồn cung cấp ngô tại với sản lượng khoảng 700.000 tấn có hiệu quả hơn, thay vì phải bán với giá rẻ như hiện nay. Những đối tượng chăn nuôi mà tỉnh Sơn La cần chú trọng là: bò (sữa, thịt), lợn (giống địa phương), dê... Việc phát triển chăn nuôi này cũng sẽ phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.
Một lĩnh vực khác Sơn La cũng cần quan tâm phát triển là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với 25.000 ha diện tích mặt nước. Đối với các cây công nghiệp như cây cà phê và cây chè, Sơn La cần tập trung vào lĩnh vực chế biến, đi sâu vào sản xuất hữu cơ. Đối với cây ăn quả, tỉnh Sơn La cần rà soát quy hoạch lại vùng trồng một cách hợp lý, áp dụng công nghệ cao từ khâu giống đến quy trình sản xuất, thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ... “Không cần trồng nhiều cây mà phải làm ra tấm ra món, lựa chọn ít cây, con nhưng làm thành vùng lớn, quy hoạch gọn, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với du lịch” – Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Theo: Khương Lực/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã