Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng đến nay, dù nền nông nghiệp đã tạo dựng được hai lực lượng này, nhưng vẫn chưa phát triển như mong muốn.
Do vậy, bà con nông dân cơ bản vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát để rồi khủng hoảng thừa, một số nông sản phải chung tay giải cứu thời gian qua nhưng không hiệu quả.
Nói nhiều, không hiệu quả
Các DN nông nghiệp phần lớn vẫn bị động trong việc tạo ra nguồn nông sản, chủ yếu là thu mua gom nông sản để kinh doanh, xuất khẩu, giá trị thấp, chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa tạo ra sự gắn bó, liên kết tạo ra những vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi. Do vậy, thu nhập của cả nông dân, lẫn doanh nghiệp đều chưa ổn định.
Dưới góc độ DN, ông Võ Quang Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ hiện nay có thực tế là Nhà nước đưa ra một số chính sách cho nông nghiệp nhưng nhằm mục đích quản lý nhiều hơn là mang lại lợi ích trực tiếp cho các đối tượng trong chính sách; các cấp, ngành địa phương được thành lập cũng là để quản lý chính sách dễ hơn.
Đánh giá về mối liên kết của DN và nông dân thời gian vừa qua, ông Huy nhận xét, lâu nay, câu chuyện gắn kết giữa nông dân, DN đã được nói đi nói lại rất nhiều, được đẩy lên thành “phong trào nóng” ở nhiều địa phương, nhưng thực sự chưa có nhiều mối liên kết hiệu quả.
Dẫn chứng từ trường hợp DN mình gặp phải, ông Huy cho biết, hiện nay DN đang làm chuỗi sản xuất tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng. Tại đây có vài DN còn yếu rất hào hứng tham gia xu hướng này nhưng những DN có vốn, chủ động được thức ăn thì gần như không muốn tham gia chuỗi này.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty CP giống cây trồng Thái Bình, nhận định rằng Việt Nam có ba lợi thế. Đó là nông nghiệp, du lịch và nguồn nhân lực.
Theo ông Bảo, nông nghiệp có thế mạnh là lợi thế cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập, nhưng hiện nay lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là mối liên kết giữa các nhà chưa hiệu quả, trong đó có mối liên kết giữa nông dân và DN.
“DN không thể đi làm ăn, ký kết với từng hộ nông dân nhỏ lẻ, cá thể. Mối liên kết này thời gian qua lỏng lẻo do nông dân bỏ hợp đồng với DN xoành xoạch”, ông Báo nhận xét.
Nhìn ở góc độ khác, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc giống cây trồng TW, lại cho rằng không nên đổ tội cho nông dân, bởi vấn đề nằm ở chỗ DN có đầu ra, có chia sẻ với nông dân không. Do vậy, để nông dân tham gia vào chuỗi, DN có cần có đầu ra ổn định, có chia sẻ lợi ích một cách thoả đáng, giữ chữ tín với người nông dân.
“Tất cả nông dân rất cần DN, vấn đề chỉ là cách ứng xử của DN như thế nào”. Theo bà Liên, để DN đóng vai trò chủ đạo trong mối liên kết với nông dân, Nhà nước cần ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các
DN đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Vì các DN lớn hàng trăm tỷ với các mô hình công nghệ hiện đại, sức lan toả này chưa lớn, nông dân khó theo.
Đồng thời, về phần DN, để đảm nhận tốt vai trò này, theo bà Liên, các DN cần có đất đai. Luật đất đai cũ với chính sách hạn điền đã không còn phù hợp. Với chính sách hiện nay, tích tụ ruộng đất, DN của bà Liên chỉ tích tụ 20 ha của hơn 400 hộ và phải trả tiền thuê 20 năm.
Để nông dân khấm khá được từ làm nông nghiệp, bám trụ nông thôn, chúng ta phải có hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác mạnh
“Thả nổi” quy hoạch
“Nhưng hiện nay, chúng tôi chưa có giấy tờ gì chứng minh tài sản trên đất như nhà kính, công nghệ, máy móc để mang đi thế chấp vay ngân hàng. Do vậy, cần điều chỉnh sửa đổi luật đất đai, hành lang pháp lý về tích tụ đất đai, để có thể đảm bảo tài sản thế chấp”, bà Liên kiến nghị.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hùng, Giám đốc công ty Ba Huân, cho rằng yếu tố quan trọng để gắn kết giữa nông dân và DN trong chuỗi giá trị nông sản là phải tạo ra lợi nhuận kép. Khi giá lên thì nông dân chia sẻ với DN, khi giá xuống, DN chia sẻ khó khăn với nông dân. Khi xảy ra rủi ro, DN đứng ra đền bù và hỗ trợ cho nông dân.
Rõ ràng là cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và nông dân với DN để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và DN, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nông dân, DN và người tiêu dùng.
Để làm tốt điều này, công tác quy hoạch có vai trò cực kỳ quan trọng. Nhưng thẳng thắn mà nói, hiện nay, dự báo thị trường mới còn nửa vời do số liệu thống kê chưa kịp thời.
“Với hơn 110ha chuối đang trồng tại Long An và Tây Ninh, DN luôn phải tìm hiểu xem những thị trường nào cần chuối, chứ không trông chờ dự báo của cơ quan quản lý”, ông Huy cho biết.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, Nhật Bản nuôi 1 triệu con lợn thì quy hoạch phải bao gồm kết cấu hạ tầng từ đường, điện, nước đến tận cơ sở chăn nuôi. Sau quy hoạch, Nhật Bản và Hàn Quốc mới đưa ra số liệu 5-10 năm phải phát triển bao nhiêu tấn lợn. Sau quy hoạch về số lượng, phải đi vào khảo sát những nơi có điều kiện chăn nuôi lợn, sau đó mới cấp phép cho những nơi đủ tiêu chí để nuôi….
Điều này chứng tỏ, “Nông dân họ rất nhàn và sản xuất tốt bởi nền nông nghiệp của họ đã quy hoạch bài bản. Ở Việt Nam thì lại khác. Chúng ta mới chỉ có quy hoạch về số lượng, rồi thả nổi chứ không có sự quản lý về thức ăn, chăn nuôi, con giống. Dẫn tới, dù chưa nuôi đến số lượng lớn như định hướng quy hoạch nhưng vừa qua, lợn đã dư, thừa, giá xuống tận đáy, phải giải cứu lợn đến bây giờ chưa xong”, ông Môn nói.
Lê Thúy
Ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nông dân và DN cần trả lời 5 câu hỏi. Vì sao các DN hiện nay không mấy mặn mà đầu tư vào nông nghiệp; Làm thế nào để DN và nông dân gắn kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; Nông dân Việt Nam sản xuất cái gì, như thế nào, bán hàng ở đâu, giá cả như thế nào; DN giữ vai trò, trách nhiệm ra sao trong mối liên kết hình thành vùng nguyên liệu sản xuất và Hội Nông dân Việt Nam sẽ làm gì để giúp mối liên kết này trở nên bền vững, hiệu quả. Ông Võ Quang Huy - Giám đốc công ty TNHH Huy Long An Vấn đề rất đáng buồn hiện nay là hễ khi có vấn đề gì về thị trường, hầu như mọi người đều đổ thừa cho nông dân sản xuất tự phát. Tôi cho rằng cách nhìn nhận như vậy là không đúng. Lẽ ra, các thương vụ của nước ta ở nước ngoài cần tìm hiểu, nắm rõ tình hình sản xuất của nước đó. Ví dụ, ngay khi nông dân ở nước họ ươm hạt giống, các thương vụ phải nắm được để về báo cho cơ quan chức năng trong nước, từ đó mới xây dựng được thị trường sát thực tế. Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc công ty CP giống cây trồng Thái Bình Để nông dân khấm khá được từ làm nông nghiệp, bám trụ nông thôn, chúng ta phải có hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác mạnh… Hội Nông dân Việt Nam cần có vai trò mạnh mẽ hơn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ hình thành những loại hình kinh tế tập thể tiên tiến như vậy. Cùng với đó, Hội Nông dân Việt Nam cần đứng ta kết nối giữa DN với nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác xã |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã