Xung quanh vấn đề này, PV NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Trung (ảnh) - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT).
Lạm dụng phân bón vô cơ
Xin ông đánh giá về việc sử dụng phân bón hữu cơ so với cơ cấu phân bón vô cơ hiện nay và vì sao chúng ta cần phải chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ?
Bộ NNPTNT đang khuyến khích việc sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng. Ảnh: T.L
Hơn 400 đại biểu dự hội nghị phân bón hữu cơ Hôm nay 9.3, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về phân bón hữu cơ với sự tham dự của trên 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Dự kiến, hội nghị sẽ bàn về việc khuyến khích doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu, uy tín về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối; kiến nghị chính sách hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, phục vụ phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, xác định sản xuất, chế biến hữu cơ là công nghệ cao của khoa học. |
- Trước hết, phải khẳng định phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta vẫn thiên về sử dụng phân bón vô cơ, mà lãng quên dần việc sử dụng phân bón hữu cơ. Hiện nay, từ số lượng sản phẩm đến sản lượng, phân bón vô cơ đều vượt hữu cơ dẫn đến tình trạng hủy hoại môi trường đất, gây ra các hiện tượng như đất bạc màu, phèn chua, tạo ra các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Có thể nói, khi lạm dụng phân bón vô cơ, chúng ta sẽ lãng phí một nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất phân bón hữu cơ và nguồn này sẽ thải ra môi trường. Theo thống kê, hàng năm ở nước ta có 184 triệu tấn phụ phẩm có thể dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, trong đó các phế phẩm trong chăn nuôi là 85 triệu tấn, trồng trọt 46 triệu tấn, than bùn 1,7 tỷ m3, rác thải sinh hoạt 22 triệu tấn… Hiện tại cả thế giới nói chung đang hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, riêng ở nước ta, Chính phủ cũng sắp ban hành nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ NNPTNT, cần có những chính sách cụ thể để thực thi vấn đề này.
Cụ thể, cần chuyển dần sang sử dụng phân bón hữu cơ, trung bình hàng năm cả nước sử dụng hết 26,7 triệu tấn phân bón vô cơ, trong khi hữu cơ chỉ chiếm 2,5 triệu tấn. Chính vì thế, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về phân bón hữu cơ nhằm đánh giá lại các giải pháp để thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ.
Ông có thể cho biết số lượng phân bón hữu cơ so với vô cơ hiện nay?
- Theo ước tính, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm hữu cơ và 13.423 sản phẩm vô cơ). Hiện nay, trên toàn quốc có 180 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% trên tổng số 735 cơ sở sản xuất phân bón đã được Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20.000 - 500.000 tấn/năm).
Chúng tôi đang tính toán và định hướng, các doanh nghiệp phải dần chuyển sang sản xuất phân bón hữu cơ, từ 5,3% như hiện nay lên 10%. Ngoài việc sản xuất ở các hộ gia đình, cố gắng tăng sản lượng sản xuất phân bón hữu cơ lên 3 triệu tấn/năm. Sau hội nghị này, Bộ NNPTNT sẽ có báo cáo với Chính phủ ban hành chỉ thị về sản xuất phân bón hữu cơ trong thời gian tới, đồng thời tăng cường thông tin truyền thông về vấn đề này.
Đóng cửa những doanh nghiệp vi phạm
Một trở ngại lớn nhất trong việc khuyến khích và đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ hiện nay là chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất phân bón hữu cơ. Vậy Bộ NNPTNT dự kiến sẽ ban hành những chính sách gì để thúc đẩy, thưa ông?
- Chúng tôi dự kiến ban hành các cơ chế về thuế, đất đai, thủ tục công nhận, chứng nhận sản phẩm thông thoáng hơn nữa. Cũng phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua vì quá chú trọng đến phân bón vô cơ, nên sản lượng của ngành này ngày càng lớn, chiếm đến 93%, hình thành nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn về phân bón vô cơ.
Vì thế, để hình thành nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Bởi tình hình đã nguy cấp lắm rồi khi có 2,2 triệu ha đất canh tác ở nước ta đang bị hủy hoại bởi phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, như cầu của con người đang hướng tới việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất.
Dự kiến, Bộ NNPTNT sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách ưu đãi, hấp dẫn chưa từng có cho doanh nghiệp như đẩy mạnh công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, áp dụng công nghệ mới, hạn chế dần việc sản xuất phân bón vô cơ, để từ đó vừa tạo ra các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ mới, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ chuyển dần sang sản xuất phân bón hữu cơ.
Chất lượng phân bón cũng là vấn đề được quan tâm. Song song với việc thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ, Bộ NNPTNT sẽ có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng?
- Chúng tôi sẽ tập trung vào công tác thanh tra, chuyển từ thanh tra định kỳ sang thanh tra đột xuất để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính. Sẵn sàng đóng cửa và rút hết các giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm. Công tác này sẽ được làm trên diện rộng, tại nhiều địa phương với sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng như Cục Bảo vệ thực vật, Văn phòng 389, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, C49 - Bộ Công an...
Song song với đó, chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát, đánh giá lại các phòng thử nghiệm, đưa các chuyên gia độc lập vào kiểm tra, đánh giá. Khi mới tiếp nhận từ Bộ Công Thương về, có tới 41 phòng thử nghiệm được chỉ định, song sau một thời gian chúng tôi đánh giá lại, đến nay chỉ còn 12 phòng đạt yêu cầu để tiến hành thử nghiệm và tới đây sẽ tiếp tục đánh giá lại.
Đặc biệt, sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng 3 phòng kiểm chứng có chức năng kiểm tra, đánh giá lại kết quả của các phòng thử nghiệm, cũng như giải quyết các tranh cãi về chất lượng sản phẩm. Kết quả của phòng kiểm chứng sẽ là cơ sở để Bộ NNPTNT công nhận về chất lượng sản phẩm phân bón.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Lê Hân/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã