Tháng 10-2015, thịt heo chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi) đã có mặt ở chợ Hòa Bình (quận 5). Đây là lần đầu sau nhiều năm xuất hiện, heo được nuôi và chứng nhận VietGAP (nuôi theo thực hành nông nghiệp tốt, nghĩa là không sử dụng chất cấm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi đến người tiêu dùng) mới có kênh tiêu thụ riêng tại chợ.
Tại sạp heo VietGAP ở chợ, ngay từ 5 giờ sáng đã có rất đông người chờ mua thịt tươi ngon mới ra lò. Lẫn trong nhóm người chờ mua thực phẩm ấy có chị Nguyễn Hồng Thắm (38 tuổi), Giám đốc Công ty An Hạ đang dõi mắt chờ những tín hiệu từ người tiêu dùng. Chị lân la làm quen với khách mua hàng để được nghe những sẻ chia từ họ. Chị bảo: “Điều làm mình thấy mừng nhất là những người đã dùng qua sản phẩm đều có những nhận xét tích cực cả về chất lượng và giá thành. Thấy có người quay trở lại lần hai, lần ba làm cho mình có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi dự án này”.
Là dược sĩ (tốt nghiệp Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), chị Thắm tiếp quản nghề gia đình có truyền thống 50 năm trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng nông sản sạch. Hơn ai hết, chị hiểu rất rõ những nguy hiểm mà thịt có sử dụng chất tăng trọng gây ra cho sức khỏe người tiêu dùng, cho nên quyết tâm cung ứng thịt heo VietGAP. “Dự định của mình nhen nhóm từ khoảng năm 2014. Lúc đó thấy nhiều hộ dân ở huyện Hóc Môn, Củ Chi nuôi heo theo dự án Lifsap (Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) cho ra những lứa heo khỏe mạnh, an toàn với sức khỏe con người nhưng gặp khó về đầu ra. Trước đây, cũng có hai đơn vị đứng ra bảo lãnh nhưng cũng chỉ thu mua trong một thời gian ngắn. Nắm bắt điều đó, thương lái thi nhau ép giá heo VietGAP bằng giá heo thường. Mình tìm đến các hộ này, đề nghị ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm. Nông dân phấn khởi, mình còn mừng hơn vì có thể giới thiệu sản phẩm thịt heo sạch đến người tiêu dùng” - chị Thắm kể.
Hiện, chị Thắm đang “bảo hộ” sản phẩm cho 646 hộ chăn nuôi heo VietGAP ở Hóc Môn, Củ Chi, cung ứng khoảng một tấn thịt/ngày tại các chợ Hòa Bình (quận 5), Bà Điểm (Hóc Môn), Tân Định (quận 1), cửa hàng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đường Hai Bà Trưng, quận 1). Ngoài ra, công ty còn cung cấp khoảng 17 - 19 tấn thịt/ngày cho các nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn thành phố.
Chị Phạm Phương Thảo (34 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Mùa đang đi đầu về cung ứng rau hữu cơ (organic) dùng trong bữa ăn hằng ngày. Chị đang làm chủ hai cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ Organica tại TP Hồ Chí Minh, một trang trại trồng rau hữu cơ rộng 1,8 ha ở Long Thành (Đồng Nai) và một vườn trồng rau ôn đới rộng hơn 1.200 m2 tại Xuân Thành (Đà Lạt).
Có “duyên” với sản phẩm rau hữu cơ là từ khi Thảo mang thai, ba tháng đầu chỉ ăn được rau, nhất là rau sống, cho nên sợ rau không sạch sẽ ảnh hưởng đến em bé. Thế là cô lên mạng tìm rau an toàn. Cô nhận ra, rau hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, giống biến đổi gien, môi trường canh tác cũng phải sạch, đất, nước không bị nhiễm kim loại nặng, vườn không ở vùng ô nhiễm hay ở gần vườn trồng rau truyền thống phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... Rau chỉ cần rửa sơ là có thể ăn ngay. Từ đó, Thảo ấp ủ giấc mơ gây dựng một cửa hàng rau và thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của mình và cho mọi người.
Thời điểm đó, Việt Nam chỉ có gạo Hoa Sữa và một công ty dược có sản phẩm trà sản xuất theo hình thức này nhưng chủ yếu chỉ để xuất khẩu. Thảo tìm đến đề nghị hợp tác và cửa hàng Organica đầu tiên khai trương cuối năm 2013 tại đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Để mở rộng danh mục, Thảo tìm đến các nhà cung cấp ở Lào để mua sản phẩm organic, rồi nhập thêm các loại đậu, dầu ô-liu, sữa hạnh nhân, yến mạch, sữa gạo... ở nhiều nước khác về phân phối. Chỉ một thời gian ngắn, cửa hàng của Thảo đã có gần 500 mặt hàng, trong đó hơn 70% là sản phẩm hữu cơ có chứng nhận của các tổ chức uy tín trên thế giới như USDA (Mỹ), Ecocert (EU).
Chưa bằng lòng với mình, Thảo quyết định phải trồng rau để kiểm soát chất lượng và ổn định nguồn hàng. Thảo sang Ma-lai-xi-a, Thượng Hải (Trung Quốc) để học tập cách làm. Từ người phân phối, bây giờ phải làm việc với nông dân, nhổ cỏ bằng tay, học cách ủ phân, làm thuốc bảo vệ thực vật từ sinh vật và các cây cỏ dược liệu, dựng nhà lưới, xây dựng hệ thống tưới, tiêu… Cố gắng từng chút một, Thảo đã tích lũy được cho mình cả kiến thức lẫn kinh nghiệm để áp dụng “nuôi” đứa con tinh thần của mình. “Nhờ đam mê, tôi tự động viên mình: “Muốn thành công thì phải quên đi khó khăn” - cô chia sẻ. Bằng quyết tâm đem những sản phẩm ngon, an toàn chinh phục người tiêu dùng, Phương Thảo đã thành công khi cửa hàng Organica luôn có từ 200 đến 300 khách hàng thân thiết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã