Quá trình mở rộng, phát triển của Hà Nội không thể tránh khỏi việc ảnh hưởng đến lịch sử, văn hóa. Giá trị văn hóa của thủ đô được đặt ở đâu trong tiến trình phát triển đó, thưa ông?
- Văn hóa có giá trị rất đặc biệt đối với thủ đô Hà Nội. Có thể Hà Nội chưa đi đầu về kinh tế nhưng nhất thiết phải đứng đầu về giá trị văn hóa. Đây là một chủ trương, một đường hướng phát triển nhất quán của Hà Nội. Điều này cũng đã được thể hiện trong Luật Thủ đô: Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, kinh tế và giao lưu quốc tế. Hà Nội chỉ có thể là Hà Nội khi là Thủ đô văn hóa. Văn hiến nghìn năm là giá trị đã được hội tụ, chắt lọc từ hàng nghìn năm nay đã trở thành động lực to lớn cho phát triển thủ đô Hà Nội. Động lực này nếu biết phát huy sẽ trở thành nguồn lực to lớn.
Theo ông, làm sao để Hà Nội vừa giữ gìn phát huy giá trị vô giá về văn hóa vừa giữ dáng vóc của một thành phố năng động về kinh tế?
- Hiện nay, Hà Nội là một trong hai đầu tàu kinh tế của đất nước cùng với TP.HCM. Sau khi hợp nhất, diện tích Hà Nội là trên 3.344km2. Hà Nội có khoảng 9,5 – 10 triệu người làm ăn, sinh sống hàng ngày. Đây là nguồn nhân lực rất lớn nếu chúng ta biết tổ chức, sắp xếp, khai thác. Chúng ta đang xây dựng thủ đô hiện đại xứng đáng với một đất nước đang phát triển với số dân trong tương lai lên đến 100 triệu người. Một đất nước có bề dày về lịch sử, văn hóa và đang tham gia vào quá trình hội nhập văn hóa quốc tế. Vì thế, Hà Nội phát triển nhưng vẫn phải giữ gìn phát huy được giá trị truyền thống đã chắt lọc thành tinh hoa, là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Khu vực nông thôn của Hà Nội đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển chung của thủ đô, thưa ông?
- Thông thường, nói đến thủ đô người ta chỉ nói đến đô thị thôi. Còn Hà Nội có một đặc điểm không giống thủ đô của nhiều nước khác. Hà Nội có gần 400 xã, như thế là một vùng nông thôn rộng lớn. Hà Nội rất cần quan tâm đến việc đầu tư xây dựng khu vực nông thôn. Theo tôi, Hà Nội phải đi đều bằng cả hai chân- đô thị và nông thôn. Giữa đô thị và nông thôn cần có sự kết nối hợp lý để bổ sung cho nhau. Đô thị hỗ trợ để nông thôn phát triển, còn nông thôn làm đẹp hơn cho thành thị. Nông thôn của Hà Nội là nông thôn của thủ đô, nên đòi hỏi phải đạt được những chỉ tiêu phát triển cao hơn, chất lượng tốt hơn.
Vậy bộ mặt của vùng nông thôn Hà Nội đã chuyển biến như thế nào trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thưa ông?
- Ở Hà Nội, xây dựng NTM là một cuộc cách mạng thực sự, tạo những bước chuyển cơ bản. Quan trọng là cách thức xây dựng NTM không chỉ trông chờ vào vốn đầu tư từ ngân sách mà khích lệ được tinh thần vào cuộc của người dân, làm cho người dân hiểu xây dựng NTM họ là chủ thể, là người xây dựng và thụ hưởng. Cả nước có 164 xã đạt NTM thì Hà Nội chiếm tới 1/3 với hơn 50 xã đã đạt 19/19 chỉ tiêu. Còn số xã đạt từ 14 – 18 tiêu chí là khá nhiều. Hà Nội đã dành số vốn đầu tư đáng kể cho nông thôn những năm qua, gấp hàng chục lần so với trước đây. Khi mới mở rộng địa giới hành chính hợp nhất, có những xã khi mới về Hà Nội trình độ phát triển rất thấp, thậm chí có xã còn chưa có điện số hộ nghèo lên tới gần 30%.
Vừa rồi tôi có về công tác tại đó, số hộ nghèo chỉ còn 3 – 4%, với nhiều người dân đó là cuộc đổi đời thực sự. Nhiều cụ già nói với tôi có nằm mơ cũng không tưởng tượng được làng quê thay đổi nhanh thế. Có thể nói nông thôn Hà Nội hiện nay đã có gương mặt mới: Sáng hơn, đẹp hơn, văn minh hơn so với trước.
- Xin cảm ơn ông!
Vĩnh Hải - Long Nguyên
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã