Trong những năm qua, việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nông thôn luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao. Do vẫn chưa lựa chọn được khu xử lý CTRSH tập trung thích hợp, năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND, ngày 19-12-2011 về cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015, trong đó hỗ trợ cho công tác thu gom, xử lý rác thải trung bình khoảng 200 triệu đồng/xã/năm. Hiện nay, mới chỉ có 2 xã, thị trấn (Đồng Cương, huyện Yên Lạc và Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên) xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh; 3 xã, thị trấn (Tam Hồng, huyện Yên Lạc; Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường và Hương Canh, huyện Bình Xuyên) xử lý CTRSH bằng lò đốt quy mô nhỏ, còn lại hầu hết các địa phương vẫn áp dụng phương pháp chôn lấp tạm thời. Đã vậy, việc xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi ở khu dân cư mới chủ yếu qua hệ thống cống rãnh hoặc ao hồ gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân.
Thực tế cho thấy, trong những gần đây, cùng với sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Số hộ chăn nuôi với quy mô lớn không ngừng tăng lên kéo theo lượng thải ngày càng lớn. Ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt, chất thải từ hoạt động chăn nuôi đang trở thành vấn đề bức xúc cần phải quan tâm giải quyết. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là hiện nay các hộ chăn nuôi chủ yếu nằm trong các khu dân cư nên rất hạn chế về diện tích đất, nhất là đất dành cho các công trình xử lý chất thải. Đặc biệt là các vùng đồng bằng như Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên. Hai là lượng phát thải từ hoạt động chăn nuôi rất lớn (đặc biệt là chăn nuôi gia súc), tải lượng ô nhiễm cao, trong khi đó công nghệ xử lý hiện nay vẫn chủ yếu là hầm biogas, hố ủ phân 3 ngăn... Do đó, mới chỉ xử lý giảm thiểu được một phần ô nhiễm trong chất thải. Việc xử lý triệt để đòi hỏi phải có diện tích đất lớn, chi phí cao, kỹ thuật phức tạp và khó áp dụng đối với quy mô hộ gia đình. Tiếp đến hệ thống cống rãnh, tiêu thoát nước thải ở khu vực nông thôn hầu hết không được xây dựng đồng bộ, tình trạng chắp vá, không có nắp đạy, tắc nghẽn dòng chảy rất phổ biến. Mặt khác, hiện nay, các ao hồ trong khu vực dân cư đang dần bị thu hẹp, tù đọng. Đồng thời, phải tiếp nhận quá nhiều nguồn thải từ sản xuất làng nghề, sinh hoạt, chăn nuôi đã dẫn đến tình trạng vượt quá khả năng làm sạch tự nhiên đã gây ra ô nhiễm môi trường bức xúc như hiện nay.
Trước thực trạng trên, năm 2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 19-11-2011 về cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015; năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 23-01-2014 Quy định về bảo vệ môi trường nông thôn của tỉnh. Qua 3 năm triển khai, thực hiện các Nghị quyết bước đã từng bước khắc phục và hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình xây dựng NTM ở các xã trong tỉnh. Theo đó, về thu gom, xử lý rác thải, tính đến hết năm 2014, đã có 110/112 xã trên địa bàn tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động được các HTX hoặc tổ dịch vụ VSMT; 81 xã đã có bãi chôn lấp, xử lý rác thải tạm thời. Hiện nay, các Sở KH&CN; TN&MT đang tiếp tục triển khai hỗ trợ 18 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã góp phần giải quyết khó khăn trong việc xử lý rác thải ở khu vực nông thôn. Đối với tiêu thoát và xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi, trong 3 năm qua, đã có 38 xã được hỗ trợ cải tạo, xây mới hàng trăm km rãnh tiêu thoát nước thải với kinh phí khoảng 33,45 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã vận động nhân dân xây dựng được hơn 30 nghìn hầm biogas, trong đó từ 2012-2014 ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 4.000 hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas với kinh phí khoảng 9,069 tỷ đồng; 14 xã được hỗ trợ công trình xử lý nước thải tập trung với kinh phí khoảng 61,1 tỷ đồng... Qua điều tra, theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2014 của Trung tâm NS&VSMTNT cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại, gia súc hợp vệ sinh đạt 69,08% (tăng 20,28% so với năm 2011); tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 75,82% (tăng 19,29% so với năm 2011). Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 38 xã hoàn thành Tiêu chí môi trường và đạt chuẩn xây dựng NTM theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Về sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh, trong 3 năm qua đã thực hiện hỗ trợ 18 công trình cấp nước tập trung (trong đó Ban dân tộc triển khai 11 công trình; Trung tâm NS&VSMT nông thôn triển khai 7 công trình); hỗ trợ công trình cấp nước cho 144 trường học; 362 hộ gia đình được hỗ trợ công trình cấp nước nhỏ lẻ. Đến hết năm 2014, tỷ lệ số dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83,73% (tăng 13,39% so với năm 2011); tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 41,67% (tăng 5,44% so với năm 2011). Về cải tạo hạ tầng kỹ thuật nghĩa trang nhân dân: Trong 112 xã NTM có tổng số 369 nghĩa trang nhân dân đã được quy hoạch (cả nghĩa trang cũ và mới). Tính đến hết năm 2014, đã có 146 nghĩa trang ở 41 xã đạt yêu cầu của tiêu chí (có đủ 5 hạng mục theo yêu cầu), chiếm khoảng 39,5%. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đôn đốc chỉ đạo 27 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2015 gấp rút triển khai xây dựng các hạng mục nghĩa trang theo yêu cầu để đạt chuẩn theo tiến độ đề ra. Đối với bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Nhìn chung các cơ sở đã có trách nhiệm trong việc áp dụng các biện pháp thu gom, xử lý chất thải đảm bảo theo quy định. Số liệu điều tra, báo cáo của các xã cho thấy, tính đến hết năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh có 16.266 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chấp hành quy định về bảo vệ môi trường (đạt 83,7%), tập trung chủ yếu ở các xã đã đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, trước tình trạng rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các xã có làng nghề phát triển mạnh, năm 2012 và 2013, UBND tỉnh đã giao cho Sở KH&CN tỉnh đã triển khai nghiên cứu đề tài thực nghiệm Vĩnh Phúc bằng lò đốt khí tự nhiên NFI -05 tại xã Tam Hồng (Yên Lạc) và thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường). Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, quá trình hoạt động bước đầu của 2 lò đốt rác nói trên là phù hợp với điều kiện thực tiễn ở quy mô cấp xã, mô hình lò đốt này phù hợp với quy mô vận hành, quản lý của các xã, hiệu quả xử lý cao hơn so với biện pháp chôn lấp như giảm diện tích quỹ đất dành cho chôn lấp, hạn chế ô nhiễm về mùi và nước thải. Với những ưu điểm vượt trội, lò đốt rác bằng khí tự nhiên NFI đã được kiểm nghiệm qua thực tế tại các địa phương, trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án đầu tư mua sắm 18 lò đốt rác thải nông thôn bằng lò đốt khí tự nhiên để tiếp tục nhân rộng và triển khai ở 18 xã trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Văn Cường
Theo baovinhphuc.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã