Lượng tăng nhưng chất hạn chế
Thống kê cho thấy, hai thập kỷ qua nghề khai thác cá phát triển nhanh nhưng hệ thống hậu cần còn lạc hậu và người dân phải tự xoay xở là chính. Năm 1990, cả nước có khoảng 41.000 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất máy 727.500 CV, sản lượng 672.000 tấn, đến năm 2010, tàu cá khoảng 128.000 chiếc, tăng gần 3 lần. Tổng công suất máy tàu năm 2011 là 7.220.000 CV, tăng gấp 10 lần so với năm 1990. Nghề khai thác cá đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 850.000 lao động trực tiếp trên biển, chưa kể số lao động dịch vụ trên bờ và ngành chế biến.
Đặc điểm của nghề cá Việt Nam là quy tụ nhiều thành phần, nhiều trình độ, nhiều tính chất khác nhau. Cơ cấu nghề khai thác hải sản được phân chia tới 26 nghề, (nghề rê 31%, lưới kéo 19%, câu 18%...). Giai đoạn cao điểm, sản lượng, trung bình tăng 12,2%/năm, công suất tăng trung bình 44%/năm. Tuy nhiên, một điểm yếu chí mạng của nghề đánh bắt đó là tàu thuyền nhỏ, khai thác gần bờ khiến cho nguồn lợi suy giảm mạnh và hiệu quả xuất khẩu không cao. Số lượng tàu thuyền có công suất nhỏ chiếm 86%.
Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 9/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là những định hướng quan trọng để nghề cá vươn xa.
Lúng túng
Qua tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề vốn để xây dựng nghề cá rất lớn, nhưng vốn không phải ách tắc lớn nhất mà chính là mô hình quản lý. Hậu cần nghề cá hiện nay được xem như khâu trung gian, nó không thuộc về khâu khai thác, cũng không phải khâu chế biến. Do vậy, ai sẽ là người quản lý, khai thác? Hiệu quả ai hưởng? Nếu hợp tác xã phát huy được hiệu quả trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt thì nó hoàn toàn không phù hợp ở khâu hậu cần. Vì hậu cần nghề cá đòi hỏi vốn lớn, chi phí lớn, thuộc một chuyên ngành khác và tính lợi nhuận không cao.
Hiện, nhà nước vẫn giữ vai trò đầu tư vào lĩnh vực hậu cần, song việc kết nối với người ngư dân vẫn còn một khoảng cách. Điển hình là năm 2012, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Diêm Hộ giai đoạn 1.
Công trình gần 22 ha, là nơi neo đậu, thiết kế giúp tránh trú cho khoảng 104 tàu cá, công suất tối đa mỗi tàu dưới 300 CV, chiều dài nạo vét luồng vào 260 m, chiều rộng 40 m. Tổng mức đầu tư công trình giai đoạn 1 gần 107 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác 27 tỷ đồng.
Phát triển hậu cần nghề cá để nâng cao hiệu quả khai thác - Ảnh: Thế Duyệt
Song, bất cập thấy rõ là những ngày tháng 6/2015 vừa qua, khi bão xuất hiện, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn song rất ít tàu vào khu tránh trú này vì người dân vẫn quen với những nơi tránh trú truyền thống của mình ở thị trấn Diêm Điền, Cảng cá Tân Sơn…
Việc quản lý, điều hành khai thác hậu cần nghề cá trong một địa phương đã phức tạp như vậy, thì việc liên kết điều hành liên tỉnh, liên ngành sẽ còn đặt ra nhiều bài toán khó cỡ nào?
Bất cập
Khác với việc mua sắm tàu mới để khai thác, việc xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá liên quan đến khoa học kỹ thuật, đòi hỏi những nguồn tri thức ổn định, căn bản và khả năng thích ứng hiệu quả.
Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả 4 dự án: Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, Cảng cá Sa Huỳnh, Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á và đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào khu dịch vụ hậu cần nghề cá. So với yêu cầu thì mới chỉ đáp ứng chỗ neo đậu cho 1/3 số lượng tàu thuyền của tỉnh, tương đương khoảng 1.750 chiếc. Vấn đề nảy sinh là luồng lạch tàu cá ra vào thường xuyên bị bồi lấp.
Còn tỉnh Bình Định hiện có đội tàu cá hơn 7.700 chiếc, trong đó phần lớn là đánh bắt xa bờ, công suất từ 90 CV trở lên. Ba cảng cá lớn phục vụ hậu cần cũng thường xuyên bị bồi lấp, tàu cá của ngư dân không thể ra vào được. Chính quyền địa phương đầu tư hàng tỷ đồng để nạo vét nhưng không thể xử lý dứt điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, chuyên ngành cảng biển vượt quá khả năng của riêng ngành nông nghiệp và các địa phương mà cần phải có sự hợp tác liên ngành và cần những nhà đầu tư tâm huyết, đủ tài lực.
Hiện tượng các cảng cá bị bồi lấp và thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết khiến cho các tàu cá phải đi những quãng đường rất xa để đến những nơi tiêu thụ được sản phẩm. Chẳng hạn các tàu cá tại TP.HCM phải đổ hàng xuống Vũng Tàu, từ đó mới đưa cá về TP.HCM tiêu thụ. Tiếp xúc với chúng tôi, những ngư dân ở TP.HCM cho biết họ phải “ăn nằm quanh năm tại Vũng Tàu”. Do lượng cá khắp nơi đổ về Vũng Tàu khiến các vựa quá tải, đồng thời giá tiêu thụ giảm, chi phí vận chuyển tăng lên. Tương tự, các ngư dân Bình Định thì phải vào Khánh Hòa, Ninh Thuận để bán sản phẩm.
Đa số các cảng cá hiện chỉ đáp ứng được tàu vỏ gỗ, do đó, khi tàu vỏ sắt phát triển nhiều thì việc tìm kiếm bến bãi trở nên cấp thiết. Đơn cử tàu sắt hậu cần mà huyện Lý Sơn làm chủ đầu tư với trọng tải 700 tấn, chiều dài 45,68 m, chiều rộng 7,48 m, mớn nước 3 m, hệ thống cấp đông và khoang nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Tàu rất hiện đại, nhưng theo ngư dân nhiều tỉnh đánh giá thì nếu đóng thêm những con tàu như thế, họ không biết phải tìm cảng nào để tránh trú và tiêu thụ sản phẩm!
Tất yếu trung tâm hậu cần nghề cá
Các ngư dân cho biết, với tình hình hiện nay, người dân vẫn chuộng tàu vỏ gỗ hơn vì chúng dễ dàng tìm được các khu vực hậu cần thích ứng. Song nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì rõ ràng việc vươn khơi xa bờ sẽ khó thành hiện thực. Việc đóng tàu vỏ thép đồng thời cải tạo cơ sở hạ tầng nghề cá là điều tất yếu.
Theo nhiều ý kiến các chuyên gia kinh nghiệm thì hiện nay tàu lớn, công suất cao, việc di chuyển không còn là vấn đề quá khó khăn nữa. Do vậy, thay vì đầu tư tràn lan, cuối cùng không sử dụng được, nên tập trung xây dựng những trung tâm hậu cần nghề cá liên tỉnh, liên vùng. Phải bỏ tư duy cục bộ địa phương để xây dựng những trung tâm nghề cá lớn, có vai trò đầu mối dẫn dắt các hoạt động thủy sản của toàn vùng, thúc đẩy và hỗ trợ các cụm vệ tinh và vệ tinh cùng phát triển. Cụ thể, là vị trí có điều kiện đầu mối về tri thức, hạ tầng kỹ thuật, giao thương… để tạo ra mạng lưới nối kết và chia sẻ với các cụm vệ tinh (các địa phương hay vùng có cùng lợi thế, điều kiện phát triển thế mạnh riêng) và vệ tinh (địa phương có thế mạnh đặc thù để phát triển) từ đó thúc đấy cả trung tâm, cụm vệ tinh và vệ tinh cùng phát triển.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã định hướng đầu tư trọng điểm cho một số tỉnh thành để xây dựng những trung tâm hậu cần nghề cá hiện đại, trong đó tỉnh Khánh Hòa được xem như hình mẫu đầu tiên. Với sự tư vấn hỗ trợ của Nhật Bản và tiếp thu kinh nghiệm các nước phát triển, hy vọng Khánh Hòa sẽ tiến hành xây dựng được các trung tâm hậu cần nghề cá thu hút được nhiều tàu thuyền các tỉnh thành tới sử dụng các dịch vụ.
Song, bên cạnh việc huy động vốn, sử dụng đồng vốn hiệu quả cho các trung tâm hậu cần nghề cá thì việc xây dựng mô hình quản lý hợp lý cũng cấp bạch. Tránh xây dựng những cảng cá kiểu “bao cấp”, là việc riêng của chính quyền, những trung tâm hậu cần nghề cá nên thu hút nhiều nguồn lực, từ nhà nước, doanh nghiệp, tư nhân, trong nước và nước ngoài, từ sản xuất kinh doanh đến đến nghiên cứu khoa học, dịch vụ… thậm chí là thu hút được sự đầu tư, cổ phần của chính các chủ thuyền, doanh nghiệp đánh bắt, những người ngư dân … để tạo sự gắn bó và trách nhiệm của cả cộng đồng với các trung tâm hậu cần nghề cá đang được hình thành.
>> Vai trò của Trung tâm Nghề cá là phát triển thông tin và tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại thủy sản như hoạt động hội chợ thương mại, trung tâm thông tin kinh tế và kỹ thuật, diễn đàn xúc tiến và kêu gọi đầu tư; trung tâm tài chính; trung tâm tri thức thủy sản; trung tâm trung chuyển hàng hóa thủy sản… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã