Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ hiện nay có trình độ chuyên môn cao, làm việc ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng cuối cùng lại quay về với nông nghiệp.
Giám đốc điều hành Công ty Mimosa Tek Nguyễn Khắc Minh Trí, chuyên về thiết kế tưới tự động cho nhà lưới dựa theo công nghệ điện toán đám mây, vốn xuất thân là dân tin học. Lớn lên ở TP Ðà Lạt, sau thời gian làm trong ngành viễn thông, Trí đã có ý tưởng khởi nghiệp dựa trên nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tưới xuất để giảm chi phí nhờ tiết kiệm điện và nước tưới.
Khởi nghiệp nông nghiệp với các bạn trẻ không chỉ bắt nguồn từ băn khoăn, lo lắng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan ngoài thị trường; mà còn từ đam mê, sáng tạo ra những sản phẩm "độc, lạ" trong nông nghiệp mà ít người nghĩ tới.
Anh Mạc Như Nhân - chủ thương hiệu xơ mướp Vi Lâm bộc bạch: "Ở các vùng quê, xơ mướp chỉ dùng để rửa chén, cọ nồi. Một lần mình mày mò lấy xơ mướp chế thành ví tặng người thân, ai cũng khen. Từ đó, mình đã nảy sinh ý tưởng biến thứ phế phẩm này thành các mặt hàng thời trang (túi, ví, giày, kẹp tóc…) hay đồ trang trí". Những sản phẩm độc đáo này đã đem lại cho anh Nhân thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng.
Anh Mạc Như Nhân và những sản phẩm từ xơ mướp (Nguồn: Báo Lao Động) |
Tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong số hàng trăm dự án tham gia, có đến 90% dự án liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang có sức hút rất lớn đối với giới trẻ và đã có rất nhiều bạn trẻ bắt tay khởi nghiệp từ lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia trong các lĩnh vực khởi nghiệp, Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn nông sản, thực phẩm phong phú, đậm chất tự nhiên… Ðiều này tạo ra nhiều cơ hội khởi nghiệp cho người trẻ trong lĩnh vực này.
Xu hướng tiêu dùng thế giới hiện cũng chú trọng vào yếu tố tự nhiên, không hóa chất cho nên nếu được hỗ trợ và định hướng tốt, việc khởi nghiệp dựa vào nông sản sẽ có thể tạo ra nhiều thương hiệu có giá trị trong tương lai.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, thế mạnh của Việt Nam là sản xuất nông nghiệp. Chính nông nghiệp là trụ đỡ khi kinh tế Việt Nam gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng hay suy thoái kinh tế toàn cầu.
Mục tiêu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố là đến năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động. Kế hoạch này phụ thuộc khá lớn vào lực lượng thanh niên khởi nghiệp trong thời điểm lao động ngành này đang bị già hóa.
Trong những năm gần đây, khi Chính phủ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp cùng với nhiều chính sách ban hành đã tạo nên làn sóng đầu tư vào nông nghiệp và giới trẻ vào cuộc ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chỉ ra những điểm cần lưu ý:
Vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp đang đứng trước 3 thách thức lớn. Thứ nhất là việc sản xuất nông nghiệp còn manh mún, không tập trung nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp khó khăn.
Thứ hai là vấn đề biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả mà chúng ta không kịp trở tay như hạn hán hay ngập mặn…
Và thứ ba là vấn đề thị trường, chúng ta chưa có khâu nghiên cứu thị trường nên mới có những nghịch cảnh được mùa mất giá hay phải đi giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác.
Đứng trước những thách thức thì ông An cũng cho rằng giải pháp trước mắt là phải ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng lớn nhất trên một đơn vị diện tích. “Bức tranh về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng có nhiều triển vọng, tạo ra rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, ông An tâm đắc.
Nông nghiệp công nghệ cao (Nguồn: Internet) |
Với khả năng nắm bắt công nghệ, năng lực sáng tạo, giới trẻ Việt Nam có nhiều thuận lợi để khởi nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh chất lượng trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu... là những thách thức rất lớn khi khởi nghiệp nông nghiệp.
Ngoài ra, nông nghiệp là lĩnh vực vốn tồn tại rất nhiều rủi ro vì quá trình sản xuất chịu chi phối từ các yếu tố thiên nhiên. Vì thế các bạn trẻ hãy xác định thật kỹ trước khi làm và phải có sự đam mê mới có thể thành công.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học - công nghệ VN (Startup Vietnam Foundation - SVF), hiện nay các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp gồm hai loại, một là người hiểu biết về mặt công nghệ thì không có kiến thức nhiều về chuyên ngành nông nghiệp hoặc kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Và ngược lại những bạn là con nhà nông “chính hiệu” thì không biết về công nghệ.
Vì thế điều mà ông Hiếu đặc biệt lưu ý người trẻ là tính bùng nổ khi khởi nghiệp: “Đã gọi là khởi nghiệp thì phải bùng nổ”. Bên cạnh đó, đã gọi là bùng nổ thì phải mang tính toàn cầu, sản phẩm phải đi khắp thế giới. Sự bùng nổ trong nông nghiệp là đến từ mô hình kinh doanh, còn công nghệ chỉ làm mạnh mẽ hơn chứ không phải là tác nhân chính.
Bà Nguyễn Thị Hồng Mai, Trưởng ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ngành chế biến lương thực - thực phẩm, cho biết đơn vị sẽ tổ chức nhiều hội thảo nhằm nối kết các doanh nghiệp khởi nghiệp với các chuyên gia nông nghiệp, vườn ươm, nhà đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực này.
Thùy Dung/nongthonviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã