Quy mô ngành chăn nuôi thay đổi nhanh

Trong quá trình phát triển tự nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam đang có sự thay đổi một cách căn bản về chất, từ một nền sản xuất chủ yếu tự cung, tự cấp sang nền sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp, hiện đại. Thống kê của Chính phủ cho thấy, đến nay, thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi nước ta đã có nhiều biến động to lớn và thay đổi căn bản, nhất là từ khi Quốc hội ban hành Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 đến nay. Từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi các giống bản địa là chủ yếu, chuồng trại sơ sài, kỹ thuật lạc hậu, đến nay đã phổ biến là chăn nuôi trang trại, công nghiệp, ứng dụng chuồng kín, chuồng lồng, sản xuất tập trung, hàng hóa và cơ bản đã chăn nuôi các giống cao sản, tiên tiến của thế giới.

Sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2016. Sản lượng thịt tăng từ 2,5-2,7 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn. Sữa tăng từ 100.000 tấn lên đến 800.000 tấn. Trứng tăng từ 4,5 tỷ quả lên hơn 9 tỷ quả. Ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn công nghiệp cũng có bước phát triển mạnh với sản lượng năm 2016 đạt hơn 20 triệu tấn, tăng gấp 4 lần so với mức sản lượng 5 triệu tấn vào năm 2005.

Chăn nuôi dê của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ea Sup, tỉnh Đắc Lắc -Ảnh NGUYỄN KIỂM.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, an ninh lương thực là vấn đề rất quan trọng. Trong đó, chăn nuôi góp phần quan trọng trong “rổ” thực phẩm chung. 30 năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực chăn nuôi. Sức sản xuất trung bình trong ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện nay gấp khoảng 20 lần so với năm 1986. “Đây là một sự cố gắng rất tích cực, đất nước ta là một nước không có quá nhiều tài nguyên đất, lại nằm ở khu vực tổn thương biến đổi khí hậu và các dị hình thiên tai thời tiết, chúng ta làm được điều đó là một thành tựu rất lớn trong nông nghiệp, trong đó có khu vực chăn nuôi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Cần quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Tuy nhiên, cùng với việc phát triển mạnh, ngành chăn nuôi nước ta cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Đó là những vấn đề như dịch bệnh tràn lan, ô nhiễm môi trường, chăn nuôi trong khu dân cư, phát triển thiếu quy hoạch; kinh doanh giống giả, giống kém chất lượng, nhập lậu giống không qua kiểm dịch; thức ăn kém chất lượng, sử dụng kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng… Đặc biệt, trong những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng dư thừa sản phẩm, cung vượt quá cầu, công nghiệp giết mổ và chế biến chưa phát triển, ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến giá sản phẩm giảm sâu dưới giá thành, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi, đại biểu Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định) phân tích, ngành chăn nuôi Việt Nam nhìn chung còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô gia đình chiếm tỷ lệ cao từ 60-70%. Do vậy, để phát triển sản xuất lớn, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa công nghiệp thì Nhà nước cần có chính sách cụ thể để nhanh chóng khắc phục. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự án Luật Chăn nuôi chưa đề cập tới vấn đề này một cách đủ mạnh và chưa có tính đột phá. “Nếu không giải quyết vấn đề, chắc chắn ngành chăn nuôi của ta không đủ sức cạnh tranh với các nước, nhất là trong tình hình hội nhập và cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt như hiện nay”, đại biểu nói.

Trong khi sản lượng chăn nuôi tăng nhanh, giá thành chăn nuôi cao vì hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thì khâu tổ chức thị trường đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi lại yếu. Thị trường trong nước với 93 triệu dân, trong đó có 12 triệu công nhân, 31 triệu dân đô thị, nhưng hình thức thương mại vẫn như cũ, thịt lợn vẫn nhỏ lẻ, đem đi phân phối ở chợ nông thôn là chính, các thiết chế hạ tầng thương mại chưa hình thành. Thị trường xuất khẩu của ngành chăn nuôi cũng còn rất nhỏ.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nhắc tới một hình thức mới trong hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hình thức chăn nuôi gia công. Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã có khoảng 112 trong tổng số 242 trang trại thực hiện theo hình thức này, chiếm 46,28%. Đại biểu nhấn mạnh, thực tế, mô hình này đang đem lại hiệu quả rất cao, giúp người dân tiếp cận với công nghệ chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, góp phần phát triển, tăng đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa có trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự luật cần quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Hỗ trợ nông dân trong dự báo thị trường 

Dự án Luật Chăn nuôi được xây dựng nhằm thúc đẩy ngành sản xuất chăn nuôi phát triển, khắc phục những tồn tại, hạn chế mà ngành chăn nuôi gặp phải trong suốt thời gian qua.

Cụ thể, dự luật có nêu, trong từng thời kỳ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu phát triển thị trường chăn nuôi. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An), quy định như thế là chưa đủ sức để khắc phục những khó khăn hiện nay về ổn định phát triển đầu ra những như phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi. Từ đó, đại biểu đề nghị thiết kế sâu hơn, rõ hơn theo hướng đầu tư hỗ trợ chính sách nghiên cứu dự báo thị trường, trong đó có sự phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vai trò của địa phương và các hiệp hội để hỗ trợ nông dân và người chăn nuôi.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) nhắc tới những thời điểm phải tổ chức giải cứu sản phẩm chăn nuôi bởi cung vượt quá cầu, cho rằng điều đó cho thấy tính dự báo thị trường còn hạn chế. Đại biểu đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng dự báo thị trường yếu kém như vậy, trong đó có nguyên nhân năng lực của các cơ quan nhà nước và còn thiếu chế tài cho hành vi đăng ký chăn nuôi không đúng dẫn tới số lượng thống kê thiếu chính xác.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) nêu quan điểm, thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã có một số tín hiệu tích cực khi xuất khẩu một vài sản phẩm sang một số thị trường của các quốc gia phát triển, ví dụ như Nhật Bản. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, như dịch bệnh trên diện rộng, sản lượng cung vượt cầu, giá cả biến động, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. “Sự ra đời của luật hy vọng ngoài tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển còn góp phần khắc phục các khó khăn, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi nước ta trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nói.

CHIẾN THẮNG/qdnd.vn