Đến thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), chúng tôi ấn tượng với mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Xuân Hùng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hùng chia sẻ: “Sau khi học hỏi kinh nghiệm tại Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), năm 2011, tôi quyết định đầu tư hơn 500 triệu đồng làm nhà lưới, hệ thống phun sương và mua 4.000 cây hoa lan Mokara về trồng trong khuôn viên 400m2 tại vườn nhà. Nhờ thực hiện đúng các kỹ thuật chăm sóc, nên ngay từ lứa hoa đầu tiên, tôi đã thu lãi 40 triệu đồng”.
Mô hình trồng hoa lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng, thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. |
Nhận thấy đây là mô hình hiệu quả cần nhân rộng, năm 2015, thành phố đã hỗ trợ anh Hùng mở rộng quy mô vườn lan. Anh Hùng đã đầu tư xây dựng thêm một vườn trồng hoa lan Mokara cắt cành trên diện tích 1.200m2, với hơn 12.000 cây, tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng (trong đó thành phố hỗ trợ 300 triệu đồng). Hiện nay, với hơn 16.000 cây lan, trừ chi phí, anh Hùng thu lãi 25-30 triệu đồng mỗi tháng; giải quyết việc làm ổn định cho 4 lao động. Hiện anh đang có kế hoạch mở rộng vườn lan lên khoảng 25.000 cây để cung ứng cho thị trường.
Theo ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển hơn 20 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, như: Trồng hoa, rau sạch, cây ăn quả, nấm, chăn nuôi... Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay, huyện đã thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư, đó là: Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (dự án bò sữa, diện tích 120ha với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng), Công ty CP HAPRAS (dự án rau sạch, diện tích 20ha với mức đầu tư 60 tỷ đồng), công ty CP Greentech (dự án rau sạch, diện tích 5ha với mức đầu tư 52 tỷ đồng, Công ty CP Dược Danapha (dự án trồng cây dược liệu), Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm (dự án rau thủy canh, diện tích 2,5ha).
Nhìn rộng hơn, TP Đà Nẵng thời gian qua đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, TP Đà Nẵng nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng đã triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Cụ thể, doanh nghiệp khi đầu tư sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu); hỗ trợ 50% chi phí xây dựng, trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ 100% lãi suất vay đầu tư trong 3 năm, với mức vay tối đa 10 tỷ đồng/dự án...
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG/qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã