Học tập đạo đức HCM

Ðiện về, sáng bừng phum sóc

Thứ sáu - 09/05/2014 03:14
Trở lại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng lần này, chúng tôi thấy rõ sự "thay da đổi thịt" của vùng đất một thời gian khó. Giờ đây, đêm về, ánh điện rực sáng khắp các ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới. Ngày đến, bà con đồng bào Khmer hăng hái thi đua lao động sản xuất, khắp các thôn, xã, đâu đâu cũng rộn tiếng nói cười... Ðiện về đến đâu, đời sống của người dân đổi thay đến đó.
Nhờ có điện, đời sống người dân vùng nông thôn Sóc Trăng đã có nhiều đổi thay.
Nhờ có điện, đời sống người dân vùng nông thôn Sóc Trăng đã có nhiều đổi thay.

Về vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer ở các huyện Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành... bà con ai cũng hớn hở khoe: "Từ khi có điện, bà con mình được sáng cái đầu, no cái bụng; trẻ nhỏ được học hành, người già được xem truyền hình; có điện để trồng trọt, chăn nuôi, mở ra nhiều nghề mới...". Gia đình ông Ðiền Nên ở ấp Trà Bết, xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên vừa được hỗ trợ kéo điện miễn phí, ông liền mua mô-tơ bơm nước sinh hoạt, sản xuất và máy bơm hơi để sửa xe gắn máy, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ông khấm khá hơn trước. Bà Kim Thị Bé ở cùng xóm với ông Nên vui vẻ cho biết: "Những năm qua, bà con Khmer được Ðảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để làm ăn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi... Ðã vậy còn kéo điện cho bà con sử dụng nữa. Gia đình tôi vừa được kéo điện đến tận nhà mà không mất tiền, mấy chú thợ điện còn mắc điện trong nhà giùm nữa. Giờ có điện rồi, cả xóm ai cũng mừng. Tôi cũng mới mua cái ti-vi để xem tin tức, học hỏi, làm theo những mô hình làm ăn có hiệu quả, mở mang kiến thức. Có điện, mấy đứa nhỏ học hành khỏe lắm!". Chúng tôi đi dọc theo con hẻm 27 ấp Ðại Nghĩa Thắng, xã Tham Ðôn vừa được kéo điện, gần 30 hộ Khmer ở đây, ai cũng vui mừng nói, nhờ Nhà nước kéo điện nên Tết cổ truyền dân tộc Chol Chnăm Thmây năm nay, bà con trong xóm ăn Tết lớn hơn mọi năm. Có điện, nhà nào cũng vui nên đều cho con cái học thêm cái chữ, vợ chồng chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Khi đến vùng đất heo hút nhất của tỉnh Sóc Trăng là Cồn Cò ở ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, bà con nơi đây đều cho rằng, không thể ngờ được cái xứ Cồn Cò hẻo lánh, ngăn sông cách trở ngày nào giờ đây có điện sử dụng. Bà con mừng đến nỗi nói không thành lời...

Chủ tịch UBND xã Hồ Ðắc Kiện, huyện Châu Thành Trần Thị Hồng Liệt phấn khởi cho biết: Là địa phương được tỉnh, huyện chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, xã cơ bản đạt được 13/19 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí về số hộ sử dụng điện đạt 99%, với hơn 3 nghìn 160 hộ. Khi được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng như: hệ thống điện, đường, trường, trạm... được củng cố, bước đầu đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và cải thiện điều kiện sống của người dân trong xã. Nhất là từ khi có điện, việc phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm được thuận lợi hơn, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc, nông dân rất phấn khởi. Dù đạt tiêu chí về điện, nhưng xã vẫn tiếp tục phối hợp cùng ngành điện triển khai thực hiện dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện sử dụng, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer, phấn đấu hộ nào trên địa bàn xã cũng có điện sử dụng. Song song với việc phát triển lưới điện phủ kín các thôn, xóm, chính quyền địa phương đã vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi, nhất là ứng dụng việc sử dụng điện trong tưới tiêu, sản xuất, chăn nuôi. Việc đưa điện lưới quốc gia về vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các xã xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhiều hộ đã sắm ti-vi, mua quạt điện, nồi cơm điện... phục vụ cuộc sống hằng ngày. Nay bà con không còn phải thổi lửa, chong đuốc, chong đèn mà chỉ cần ấn nhẹ vào công tắc điện là ánh sáng tỏa khắp nhà. Có điện sử dụng, bà con tích cực hơn trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các phương pháp sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, xóa dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giữa cù lao và đất liền.

Rời huyện lúa Châu Thành đến với huyện Cù Lao Dung, chúng tôi vui lây với bà con nơi đây, vì dòng điện đã tỏa về cả những vùng xa xôi nhất, điện kéo đến đâu, đời sống người dân đổi thay đến đó. Những năm trước đây, nơi này còn rất hoang sơ, phần lớn người dân sống bằng nghề nông; cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, dân cư thưa thớt, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, Ðiện lực Sóc Trăng đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tập trung nguồn vốn, ưu tiên đưa lưới điện quốc gia về vùng đất cù lao, nhằm biến ước mơ của người dân nơi đây thành hiện thực. Dòng điện đầu tiên đã vượt con sông Hậu về đến Cù Lao Dung, cung cấp điện cho người dân sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản. Xứ cù lao hoang sơ ngày nào đã bừng sáng ánh điện, diện mạo nông thôn đã thay đổi từng ngày. Nhìn điện sáng rực khắp thôn xóm, nhiều cụ già xúc động nói: Gần cả đời người, mới được nhìn thấy ánh điện. Ðây là mơ ước từ bao đời của bà con vùng sâu, vùng xa. Thấy con cháu chăm chú ngồi học bài bên ánh sáng của đèn điện mà mừng muốn rơi nước mắt!

Ðón mừng kỷ niệm 39 năm Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4), cũng là lúc tại vùng sâu, vùng xa ở Sóc Trăng, những người thợ điện vẫn hối hả dựng trụ điện, kéo đường dây để sớm hoàn thành các công trình điện khí hóa, mang ánh sáng điện phục vụ đồng bào dân tộc Khmer. Giám đốc Công ty Ðiện lực Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải cho biết: Những năm qua, ngành điện Sóc Trăng đã triển khai thực hiện nhiều dự án, trong đó nổi bật là Dự án cung cấp điện cho các hộ chưa có điện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer. Dự án đã tạo điều kiện để địa phương thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với các mục tiêu phát triển vững mạnh về kinh tế, ổn định vững chắc về an ninh, thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer.

Văn Minh Quang
Nguồn: nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập387
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm384
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại816,614
  • Tổng lượt truy cập90,880,007
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây