Học tập đạo đức HCM

Điểm nghẽn môi trường trong xây dựng nông thôn mới - Bài 1

Thứ bảy - 04/06/2016 11:19
Sau nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương vẫn chưa đạt đủ các tiêu chí để được xét công nhận đạt chuẩn, trong đó, tiêu chí thứ 17 về môi trường là khó thực hiện nhất trong số 19 tiêu chí.
Nhiều địa phương đã không thể đạt chuẩn nông thôn mới là do thiếu và yếu về tiêu chí môi trường. Thậm chí có bất cập là kinh tế càng phát triển thì càng khó đạt tiêu chí về môi trường. 

Khó nhất về nước thải, rác thải

Từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Gia Xuyên (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã dần đạt được 14/19 tiêu chí. Hiện nay, xã có 5 tiêu chí chưa đạt chuẩn, gồm cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, làng văn hóa, môi trường và an ninh trật tự. Trong đó, tiêu chí môi trường đang là một trong những bài toán nan giải nhất của địa phương. Lý do là kinh tế địa phương ngày càng phát triển thì việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải trong khu dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh càng khó khăn.

Dù đã được công nhận xã nông thôn mới nhưng xã Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) vẫn phải lo lắng về vấn đề môi trường. Ảnh: Thu Trang

Hiện xã đã có 7 tổ thu gom rác thải hoạt động thường xuyên và chuyển điểm tập kết rác ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên, vấn đề bất cập và lo nhất hiện nay là các điểm tập kết rác ở trong các thôn đã bị quá tải. Ước tính mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt của xã Gia Xuyên lên đến 3,5 tấn (tăng gấp đôi cách đây khoảng 2 năm trở về trước). Bãi tập kết không đủ dẫn đến sự phát sinh các bãi rác tự phát và quá tải ở các điểm chôn lấp rác nhỏ lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước tưới tiêu sản xuất và gây ô nhiễm không khí. 

Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí môi trường là tiêu chí thứ 17. Theo đó, các xã đạt nông thôn mới phải đảm bảo các yêu cầu về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia; các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch và chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Việc xử lý nước thải tại các khu dân cư cũng gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo xã Gia Xuyên, do xã chưa có quy hoạch hệ thống tiêu nước thải sinh hoạt nên người dân vẫn đổ nước thải trực tiếp ra ao hồ. Khi ao hồ dần bị lấp nước thải tràn cả ra đường. Để hoàn thành tiêu chí môi trường, Gia Xuyên cần khoảng 300 triệu đồng để đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải và rác thải nhưng việc huy động nguồn vốn này là rất khó khăn.

Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng khó khăn để đạt tiêu chí môi trường đang diễn ra tại nhiều địa phương. Tại huyện Đan Phượng, một trong những huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội, vấn đề môi trường cũng từng là rào cản rất lớn. Đơn cử như tại xã Hồng Hà, có rất nhiều hộ dân chăn nuôi lợn dọc bờ kênh thủy lợi Đan Hoài. Do chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải nên toàn bộ nước thải chăn nuôi đều được xả thẳng ra kênh khiến con kênh bốc mùi hôi thối, nước bị ô nhiễm. Còn tại xã Liên Hà có một làng nghề sản xuất đồ mộc với hơn 200 hộ sản xuất thì tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng. 

Hàng ngày, với hàng trăm cơ sở sản xuất đồ gỗ hoạt động, tiếng cưa máy ầm ầm, bụi gỗ và mùi sơn khiến không khí nơi đây trở nên vô cùng ngột ngạt. Ông Nguyễn Quang Lục, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà cho biết, mặc dù các hộ vào sản xuất trong cụm công nghiệp đều phải có cam kết bảo vệ môi trường nhưng trong quá trình sản xuất cũng không tránh được ô nhiễm không khí và nước sấy, luộc gỗ thải ra ảnh hưởng môi trường. Do đó, việc đạt và giữ được tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là một vấn đề rất khó khăn.

Tiêu chí môi trường bị xếp sau

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 3/2016, đã có 1.761 (19.7%) xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; 1.223 xã (13,7%) đạt 15 - 18 tiêu chí, 3.155 xã (37.5%) đạt 10 - 14 tiêu chí; 2.123 xã đạt 5 - 9 tiêu chí chiếm 25,4% và 326 xã dưới 5 tiêu chí chiếm 3,9%. Đáng lưu ý, trong 19 tiêu chí thì môi trường đang là vấn đề bức xúc nhất ở tất cả các vùng miền. Qua thẩm định tại 22 huyện thì vấn đề môi trường đang là hạn chế lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong hoàn thành xây dựng nông thôn mới với 201/386 xã được công nhận, đạt 52,07%. Trong 185 xã còn lại chưa được công nhận có tới 107 xã chưa đạt tiêu chí về môi trường. Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề thu gom rác thải và nước thải.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, qua khảo sát tại nhiều địa phương thì hầu hết mới đạt ở phần thu gom rác thải, còn xử lý thì chủ yếu vẫn là chôn lấp hoặc đốt chưa hợp vệ sinh. Ít địa phương có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt và làng nghề. Nước thải vẫn chủ yếu thải ra hồ ao, mương kênh rạch và cánh đồng. 

Theo đánh giá của nhiều địa phương, sở dĩ tiêu chí môi trường khó thực hiện bởi nhiều địa phương vẫn có quan niệm đầu tư cho xử lý rác thải, nước thải là “phần sau” nên thường dành ưu tiên nguồn lực trước cho hạ tầng nông thôn như: đường xá, trường học, nhà văn hóa... trước. Trong khi đó, vấn đề ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm môi trường không khí từ các làng nghề thủ công, hoạt động chăn nuôi, thói quen đốt rác; chất thải rắn không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản không đúng qui định... ngày càng gia tăng.
Theo Thu Trang - Ngọc Thu
http://baotintuc.vn/kinh-te/diem-nghen-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-bai-1-20160418215237246.htm

 Tags: tiêu chí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập386
  • Hôm nay41,019
  • Tháng hiện tại746,132
  • Tổng lượt truy cập90,809,525
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây