Sự vào cuộc hỗ trợ của người dân
Sau hơn 4 năm phát động thi đua xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Đan Phượng đã xây dựng được 22km đường trục thôn, hơn 1.000km đường ngõ, xóm; 80,6km đường trục chính nội đồng với tổng vốn đầu tư 317,4 tỷ đồng; đã tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công và hiến hơn 2.000 m2 đất thổ cư và 18,5 m2 đất nông nghiệp. Ngoài ra, trong năm 2015 tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tạo nghề, tư vấn du học, xuất khẩu lao động. Nhờ đó, đầu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 2,2%. Năm 2015, huyện cũng đã cấp hơn 24.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công, đối tượng trợ cấp xã hội, người khuyết tật, người già…Trong 5 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã hỗ trợ xây sửa 25 nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tặng hơn 3 nghìn xuất quà và hơn 100 sổ tiết kiệm trị giá 1,7 tỷ để hỗ trợ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. |
Tại thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới nhiều người dân vẫn nghĩ đây là trách nhiệm của nhà nước chứ không phải của nhân dân. Thế nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới ai sẽ là người được thụ hưởng tất cả những thành quả đó thì người dân đã hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới và hăng hái cùng với chính quyền để thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thám ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho hay, gia đình bà cũng như toàn thể nhân dân thôn Đoài sau khi nhận thấy được vai trò quan trọng của việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã chấp hành nghiêm chỉnh những yêu cầu của chương trình. Theo bà, đây là trách nhiệm chung để đưa đường, đưa nước sạch về với xã.
Nhận thức được xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được các cấp chính quyền vào cuộc, nhân dân đồng tình ủng hộ nên khi địa phương triển khai, gia đình ông Bùi Văn Hộ ở xã Đan Phượng đã đóng góp công sức, kinh phí để cùng với người dân trong xã xây dựng đường làng ngõ xóm ngày càng khang trang.
Cái gốc của xây dựng nông thôn mới là công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu và nhận thức tốt, có như vậy mới huy động được nguồn lực cao trong nhân dân, cũng chính là “lấy sức dân để lo cho dân”. Từ hướng đi này, huyện Đan Phượng đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa cao cũng như tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng trong việc xây dựng nông thôn mới.
Theo Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông, tất cả các việc liên quan đến xây dựng nông thôn mới, xã đều đưa đến nhân dân để nhân dân bàn và hiểu, cũng như là ủng hộ trong quá trình xây dựng. Các hoạt động được tuyên truyền, triển khai đến với mọi người dân, dùng chính các lực lượng đoàn thể, mặt trận, đặc biệt lấy nòng cốt là gia đình Đảng viên đi đầu làm công tác dồn điền đổi thửa. Chính nhờ những chính sách này mà xã đã làm thành công quy hoạch vùng sản xuất và các vùng dồn điền đổi thửa đã được người dân chấp nhận và thực hiện tốt theo quy hoạch.
Có thể nói, nhờ việc nhân dân cùng vào cuộc chia sẻ những khó khăn nên công cuộc xây dựng nông thôn mới nơi đây đã nhận được sự ủng hộ của người dân từ việc đóng góp ngày công, hiến đất làm đường giao thông liên thôn, xóm. Cùng với đó các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng như nhà văn hóa, cổng làng, cổng chào… nên huyện Đan Phượng đã đạt được những kết quả khả quan cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
|
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Từ phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ ra toàn huyện, tạo nên một phong trào rộng lớn trong xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần: “ Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” nhiều cán bộ, Đảng viên ở các chi bộ thôn đã gương mẫu tự chặt cây cối, hoa màu của gia đình mình, giải phóng mặt bằng để nhường đất làm đường. Khi huyện có chủ trương kiên cố hóa mặt đường, người dân đã tự nguyện chặt bỏ cây cối để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nên mọi chủ trương được đưa ra bàn bạc, dân chủ, công khai, từ đó đã tạo được sự đồng thuận cao, nhân dân vào cuộc với tinh thần quyết liệt nhất.
Phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là huy động sức dân để thực hiện nông thôn mới. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới cho thấy, khi lòng dân đã đồng thuận thì việc khó khăn đến mấy cũng thành công.
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của nhà nước, song để chủ trương đi vào thực tế, để thực sự mang lại kết quả tích cực thì sự tham gia của chính quyền, sự vào cuộc, góp sức của người dân là rất quan trọng. Thêm mỗi đoạn đường được nhựa hoá hay bê tông hóa là thêm một minh chứng cho sự đồng lòng, nhất trí của cộng đồng dân cư, thành công từ việc huy động sức dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho xóm làng Đan Phượng hôm nay.
Theo Lan Chi/daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã