Bài 1: Bước chuyển mạnh mẽ!
Đầu năm đến nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn quốc gia về NTM (gọi tắt là xã NTM). Đây là thành tựu nổi bật nhất của công cuộc xây dựng NTM sau 3 năm triển khai ở ĐBSCL. Bộ mặt xóm làng nông thôn từ đây thay da, đổi thịt. Công cuộc xây dựng NTM ở ĐBSCL thật sự đã và đang khởi sắc.
Nhiều xã “về đích”
Lãnh đạo TP Cần Thơ trao bằng chứng nhận “Xã đạt chuẩn Quốc gia NTM” cho lãnh đạo xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: TUYẾT TRINH |
Mỹ Khánh là xã đầu tiên của TP Cần Thơ công bố xã NTM vào ngày 21-1-2014. Ông Nguyễn Văn Xinh (3 Xinh), một lão nông tri điền ở ấp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh, nhận định: “Bộ mặt nông thôn của Mỹ Khánh đã được đổi thay nhờ những tuyến đường bê tông ấp liền ấp. Điều này không chỉ giúp con em trong xã đi học dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh giao thương, phát triển các hoạt động sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân”. Cũng nhờ cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, hơn 1 năm nay, gia đình ông 3 Xinh chuyển từ chuyên làm vườn sang đầu tư mô hình du lịch sinh thái homestay. Để thu hút thêm du khách, vườn du lịch sinh thái 3 Xinh phát triển thêm nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như tham quan vườn trái cây, dịch vụ nấu ăn tự túc… Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: Cách trung tâm thành phố không xa nhưng xã Mỹ Khánh có sự chênh lệch rất lớn so với các phường trong nội ô thành phố. Bắt tay xây dựng NTM, nhiều tuyến đường nông thôn, trạm y tế, trường học,… được đầu tư xây mới, kéo gần Mỹ Khánh hơn với vùng thành thị. Cuối năm 2013, xã Mỹ Khánh đã hoàn thành 20/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Nhiều tiêu chí thực hiện đạt mức độ khá cao, như: tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn, đúng kỹ thuật từ các nguồn đạt 100%; xã có 3 trường học đạt chuẩn quốc gia; trên địa bàn xã không còn nhà ở tạm bợ, dột nát; sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, toàn xã có trên 40 hộ sản xuất nông nghiệp có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mức thu nhập bình quân đầu người toàn xã đến cuối năm 2013 đạt 30 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm từ 6,6% vào năm 2011 xuống còn 3,5% vào cuối năm 2013; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt gần 97%... “Dù chậm so với kế hoạch đề ra nhưng đạt tiêu chí xã NTM là niềm vui, niềm tự hào và là động lực lớn để Mỹ Khánh tiếp tục phát triển, nâng cao đời sống của người nông dân” – Chủ tịch Trần Hoàng Lâm nói.
Sau 3 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh trở nên khang trang hơn, đẹp hơn. |
Kết quả của sự đồng lòng, chung sức
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Bước chuyển lớn nhất để có kết quả khả quan này chính là chuyển biến tốt về nhận thức của người dân. Ví dụ, trong sản xuất nông nghiệp, nếu như trước đây từng hộ làm đê bao riêng lẻ, qua vận động, tuyên truyền, các hộ dân phát huy quy mô tập thể, cùng nhau làm đê bao khép kín cho cả vùng. Bà con hăng hái xây dựng nếp sống mới, nhà cửa sạch đẹp, cảnh quan thông thoáng. Phong trào khuyến học đẩy mạnh, nhiều trẻ em đến trường, nhiều hoàn cảnh khó khăn được cộng đồng chính quyền đoàn thể giúp đỡ. Đặc biệt, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và nâng cao về mọi mặt, an ninh trật tự ở thôn, xóm ngày càng tốt hơn… Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Long An có số lượng xã tham gia xây dựng NTM khá nhiều, 166 xã. Phong trào xây dựng NTM đáp ứng mong mỏi của người dân nên khi triển khai thực hiện được người dân đồng tình ủng hộ, tạo chuyển biến tích cực. Thành tựu nổi bật nhất là thu nhập đầu người của tỉnh tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Qua 3 năm xây dựng NTM, bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn của Long An đạt 25 triệu đồng/người/năm, tăng 9,3 triệu đồng/người/năm so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 3,95%, giảm 4,45%... Đây là tín hiệu đáng phấn khởi!
Các địa phương vùng ĐBSCL nhìn nhận, xây dựng NTM là một chương trình lớn, toàn diện và còn khá mới mẻ nên nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc. Vì lẽ đó, ngay từ thời gian đầu, cùng với cả nước, các địa phương vùng rất nghiêm túc trong triển khai thực hiện. Nhiều địa phương vận dụng các quy định của Trung ương phù hợp với địa phương, xây dựng mô hình thành công, huy động được cấp ủy, chính quyền, xã hội, người dân tham gia hưởng ứng. Hệ thống Ban Chỉ đạo chương trình ở các cấp được hình thành sớm, trong quá trình chỉ đạo thực hiện chương trình đã kịp thời tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc ở cấp xã về quy hoạch, quản lý đầu tư, sử dụng nguồn lực… Nhờ vậy, tiến độ thực hiện chương trình tuy trong 2 năm đầu còn nhiều bất cập nhưng bước sang năm thứ 3 đã được đẩy nhanh rõ rệt. Sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Chương trình đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở đã có bước trưởng thành lớn trong nhận thức, khả năng vận động quần chúng và trình độ tổ chức quản lý xây dựng NTM. Hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển rõ rệt, nhất là giao thông, điện, thay thế cầu tạm… Đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện hơn, thu nhập bình quân đã tăng 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%. Mức độ đạt tiêu chí NTM của khu vực là cao hơn bình quân chung cả nước; toàn vùng đã có gần 1,5% xã đạt chuẩn NTM.
***
Với kết quả bước đầu của 3 năm qua, có thể thấy phong trào xây dựng NTM ở ĐBSCL đã và đang có bước đi thích hợp, được chính quyền các địa phương hưởng ứng nhiệt tình và tích cực triển khai, đặc biệt có sự chung tay, chung sức của người dân. So với năm 2011, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã có mức tăng tiêu chí khá so với cả nước, xóa được xã “trắng” về đạt tiêu chí NTM. Nhiều địa phương đã có nhiều mô hình, cách làm hay để nâng cao thu nhập cho người nông dân – đích đến kỳ vọng của xây dựng NTM.
(Còn tiếp)
theo: baocantho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã