THOÁT KHỎI HÀO QUANG
* Cảm giác của ông khi lần đầu tiên, chúng ta bảo đảm được an ninh lương thực, rồi trở thành cường quốc xuất khẩu gạo? Có những câu chuyện nào đáng nhớ ?
- Thập kỷ 80, tôi làm việc ở Tổng cục Khai hoang Kinh tế mới thuộc Bộ Nông nghiệp. Nuôi lợn sân sau, trồng khoai đằng trước, vẫn đói. Hàng năm nhập từ 500 tới một triệu tấn lương thực, thế mà năm 1989 xuất nửa triệu tấn gạo. Không ai dám tin!
Tôi nhớ phòng làm việc Tổng cục trưởng Nguyễn Công Tạn có cái bảng đen ghi ngày, giờ từng chuyến tàu biển chở phân nhập khẩu cập cảng. Còn phân công cán bộ giám sát đi theo đốc thúc từng chuyến tàu hỏa chở gạo, chở giống từ Nam ra Bắc! Một tấm bảng lạ lùng thời kế hoạch hóa! Nhìn không biết là phòng lãnh đạo Bộ hay là phòng kinh doanh vật tư.
Đổi mới cơ chế, chiếc bảng ấy bỗng biến mất như trong cổ tích...
* Mấy năm trước, một “rung chấn” nhẹ trong phân phối gạo ở Hà Nội cũng đủ cho thấy an ninh lương thực cho hơn 80 triệu người vẫn không đùa. Nhưng giờ, không phải chỉ là đủ ăn mà còn là sức cạnh tranh toàn cầu ?
- Đầu tiên, phải khẳng định, Việt Nam với khoa học công nghệ, cơ chế thị trường như hiện nay, có thể bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Quy luật ở những nơi gạo là thức ăn chính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po... cho thấy cùng với mức tăng thu nhập, nhu cầu cơ cấu bữa ăn thay đổi, tinh bột giảm dần thay bằng sản phẩm chăn nuôi, rau, quả, thủy sản...
Thứ hai là khả năng tiếp cận, được mùa lúa mà dân mất việc, không có tiền, vẫn đói; rồi còn trở ngại vận chuyển, ách tắc lưu thông. Khẩu hiệu “bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai nhấn mạnh dự phòng lương thực tại chỗ là thế.
Thứ ba là cân bằng dinh dưỡng. ĐBSCL là vựa lúa, nhưng tỷ lệ trẻ con lại suy dinh dưỡng cao. Mù lòa vì thiếu vitamin A, bướu cổ vì thiếu i-ốt, còi cọc vì thiếu mỡ, thiếu đạm, canxi…Rồi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều gạo chưa phải là đủ, an ninh lương thực không phải chỉ là không bị đói.
* Theo ông, lúc nào thì chúng ta cảm thấy gánh nặng của “vương miện” xuất khẩu gạo, để chuyển hướng nghĩ khác?
- Có lẽ khoảng những năm 2000, sau khi bỏ Quota xuất khẩu gạo. Cùng với kinh tế phát triển, xuất hiện khác biệt giữa nông thôn với đô thị, miền núi với miền xuôi, đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh... Lúa gạo đang từ nguồn lợi kinh tế quan trọng trở thành vấn đề phải tính đến khía cạnh xã hội, môi trường. Chúng ta xuất khẩu nhưng chưa tính giá đất, giá nước, môi trường vào giá thành, hàng năm phải áp dụng chính sách để chiếu cố quyền lợi người sản xuất lúa... Tại sao nhiều nước khi kinh tế khá lên là giảm tỷ lệ lúa gạo ? Thái-lan là một thí dụ.... Không thể có tăng trưởng bền vững khi phát triển thiếu công bằng.
* Thực sự, bây giờ lúa gạo ở Việt Nam được nhìn nhận thế nào, thưa ông?
- Xưa nay, đối với nông dân, doanh nghiệp hay một số nhà quản lý, cây lúa là ngành sản xuất nông nghiệp cổ truyền, ổn định và phù hợp điều kiện, tuy lợi ích kinh tế không cao nhưng rất quan trọng vì bảo đảm giá cả lương thực trong nước và có nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu.
Thực chất, do vai trò đặc biệt của nó, lúa gạo thực sự là “sản phẩm chính trị”. Nhìn ra các nước quanh vùng, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin luôn cần lương thực, xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc,… luôn lo củng cố nguồn cung lương thực, ngoài mối lo về an ninh lương thực, chúng ta còn chung nhau nhiều mối quan tâm an ninh khác. Đầu tư, hỗ trợ cho người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL, cho ngư dân đánh cá ở Lý Sơn ra Trường Sa, Hoàng Sa... có tầm quan trọng to lớn hơn miếng cơm, manh áo của bản thân họ.
Tính lâu dài, chắc chắn châu Phi sẽ thiếu lương thực. Châu Phi mà đói thì châu Âu ra sao? Câu chuyện sẽ khác hẳn khi Việt Nam đóng góp quan trọng cho nhu cầu của châu Phi trong tương lai. Nếu xuất khẩu gạo để kiếm lời, thì đây là ngành hiệu quả thấp nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ chính trị thì đây là thế mạnh quan trọng của Việt Nam.
Trên thế giới, những hàng hóa mang tính chiến lược như dầu mỏ, đất hiếm, nguyên liệu hạt nhân,… luôn được các quốc gia có thế mạnh khai thác để định hình vị thế chính trị. Nếu nhìn nhận như vậy, phải có cách cư xử khác đối với lúa gạo từ thuế má, đầu tư, quy hoạch, tổ chức sản xuất, tổ chức kinh doanh, hợp tác quốc tế... Chính sách đang áp dụng chưa phải là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất, càng chưa tạo ra hiệu quả tổng hợp có lợi nhất của cây lúa có thể đem lại cho đất nước.
“CÁI BỜ” LỰC CẢN
* Hồi khoán hộ, “cái bờ” được xem như là biểu tượng của lực cản. Ta mang tinh thần Đổi mới vào xử lý các bài toán thực tiễn hiện nay ra sao?
- Phải đột phá vào khoa học công nghệ. Khi bắt đầu thừa gạo, xuất hiện băn khoăn: “Xuất khẩu thì giá sẽ lên, lạm phát lấy đâu tiền mua lúa, xuất hết, trong nước lấy gì ăn? ...”. Ngày đó, Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Thế giới ở Mỹ đã được mời làm nghiên cứu với tài trợ của Ngân hàng Thế giới, khoảng 800 nghìn USD gì đó.
Nghiên cứu đó khẳng định: thứ nhất, lợi nhuận xuất khẩu lúa gạo nối trực tiếp, tích cực vào chuyện xóa đói, giảm nghèo; thứ hai, càng xuất khẩu, càng kích thích tăng sản xuất; thứ ba, bỏ hết Quota Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng năm triệu tấn/năm mà không ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực.
Đọc kết luận hồi ấy, nhiều người không tin. Nhưng rồi đúng cả. Năm triệu tấn, rồi giờ bảy triệu tấn thật. Muốn đứng vững trong cơ chế thị trường, phải có chính sách đột phá. Muốn vậy, phải có tham mưu tốt dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học. Mô hình phát triển hôm nay đã khác hẳn 10-20 năm trước.
* Vậy còn thái độ với nông dân - động lực của đổi mới nông nghiệp, nông thôn?
- Ở Thái-lan bà Thủ tướng cam kết trợ giá lúa, bởi “phe áo đỏ” ủng hộ Chính phủ đa số là nông dân. Hễ giá lúa dưới giá sàn, Nhà nước mở kho mua giá cao. Tích trữ lại hàng triệu tấn, bây giờ lên 12 triệu tấn, và khả năng tiếp tục tăng. Đã là cam kết, Chính phủ phải hành động bằng chính sách.
Ở In-đô-nê-xi-a, Chính phủ cam kết bảo đảm an ninh lương thực, giảm nhập khẩu, trợ giá phân bón, thuốc sâu. Mức giá sản xuất lúa gạo của In-đô-nê-xi-a cao hơn giá sản xuất thế giới. Tuy các chính sách trên làm nông dân phấn khởi nhưng làm tăng chi tiêu Chính phủ, làm sản xuất kém cạnh tranh.
Ở ta là trợ giá để vay mua lúa dự trữ phục vụ xuất khẩu gạo. Thoáng nghe đúng là trợ giá, nhưng thật ra là hai vòng, thứ nhất cho ngân hàng, thứ nữa đến doanh nghiệp. Mà mới là hỗ trợ lãi suất tiết kiệm, còn tiền vay ngân hàng phải trả. Nông dân chưa là chủ thể, vẫn nghèo, thua thiệt. Hỗ trợ kiểu này chưa trực tiếp tới nông dân nhưng thực lực của ngân sách cũng chưa cho phép trợ cấp nhiều như các nước khác. Chúng ta cần làm theo cách khác.
“TRẢ NỢ”- ĐỪNG ĐỂ MUỘN
* Ông từng nhận định “nông nghiệp đang kiệt sức”, khi tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp đang giảm, đợi đến khi CNH xong mới lấy nguồn lực từ CNH đầu tư trở lại cho nông nghiệp thì muộn quá?
- Đúng thế. Nhiều nước đợi giàu rồi mới quay lại bù đắp cho nông nghiệp, rút cục được đô thị thì mất nông thôn, công nghiệp cũng kém mà nông nghiệp hỏng. Một số nước khác đi thẳng vào phát triển nông nghiệp song song với các ngành phi nông nghiệp. Hai năm liên tiếp, tôi được dự Diễn đàn kinh tế thế giới Davos - thế giới đặc biệt quan tâm vì sao Việt Nam đang từ đói ăn lại có xuất khẩu, vào top đầu thế giới về xuất cà-phê, về hạt tiêu, thủy sản... Khoảng 15 công ty xuyên quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp muốn phối hợp với Việt Nam. Họ ngưỡng mộ thực sự.
Để hiện đại hóa, mỗi nền kinh tế tìm cách khai thác lợi thế của mình. Hàn Quốc, Nhật Bản đi vào tin học. Trung Quốc đi vào công nghiệp, hàng tiêu dùng. Xin-ga-po, Hồng Công đi vào dịch vụ,… Việt Nam nếu tiếp tục theo lối của thiên hạ,... có lẽ không khá được. Sao không bắt đầu từ thứ trời cho, là thế mạnh của chính mình?
* Ta vừa nói về hào quang xuất khẩu gạo, cà-phê, tiêu, điều...nhưng làm nông vẫn nghèo, nông dân vẫn khổ trong phân khúc cạnh tranh thấp nhất thị trường?
- Sản xuất nhiều, giá trị ít, đó là mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ, khai thác kiệt tài nguyên; chấp nhận công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, để đổi lấy lợi thế cạnh tranh là bán rẻ, khối lượng nhiều, chất lượng thấp. Mô hình đó đã hết động lực, không thể đưa đất nước đi lên, thậm chí còn gây họa.
Như vậy, với nông dân, phải nâng vị thế của họ lên cao hơn trong những chuỗi giá trị gia tăng. Với quốc gia, phải tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Hướng vào những ngành chúng ta có lợi thế. Không nên coi nông nghiệp là nền tảng (dưới thấp), là nguồn để lấy đi nguyên liệu, là tấm đệm đỡ đòn, mà phải xem đó là cội nguồn phát triển, là thế mạnh cạnh tranh của quốc gia.
* Thưa ông, ai sẽ làm điều ấy?
- Nhà nước là nhạc trưởng! Cái đó thể hiện trong Cương lĩnh của Đảng, trong chiến lược quốc gia. Dàn nhạc đó quy tụ mọi thành phần, có nhà khoa học, có doanh nghiệp, có ngân hàng... Nhưng, tôi xin nói, phải lấy người nông dân làm trung tâm.
* Một tiếp cận liền mạch, từ dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn, cho tới tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa sẽ diễn ra thế nào khi câu chuyện “cái bờ” đã lớn hơn rất nhiều hơn 20 năm trước?
- Chúng ta phải xử lý cái mà thế giới gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan về đất đai” cho rằng: người làm ăn giỏi tích tụ ruộng đất sẽ dẫn tới mất đất của những người làm ăn yếu. Sản xuất tốt hơn, hiệu quả tăng phải đi kèm mất công bằng xã hội. Quay lại khẩu hiệu “người cày phải có ruộng”. Thực ra trong tiến trình CNH, mấu chốt không phải là nông dân có ruộng hay không, mà là việc làm-thu nhập:
Thứ nhất, trong quá trình tích tụ đất đai, dòng lao động ra khỏi nông thôn gia nhập khu vực phi nông nghiệp phải được duy trì liên tục. Đất tích đến đâu, người ra đến đó. Cốt yếu là bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định và tốt hơn khi làm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ hai, người được giao sử dụng đất đai phải bảo đảm rằng: mảnh đất tích tụ phải nằm trong diện “trực canh” nghĩa là các khâu sản xuất chính phải do nông hộ tự làm, bằng sức lao động, máy móc, và chấp nhận có thể một, hai khâu có thể thuê. Nhưng đại thể, ruộng đó do họ trực tiếp canh tác. Với máy 12 CV anh ta có thể làm 4-5 ha. Máy 50-70 CV, làm được 50-70 ha, máy 100-200 CV có thể làm vài trăm ha như ở châu Âu... không được “phát canh, thu tô”.
* Theo GS Tim-mơ (Timmer) từ ĐH Ha-vớt, để cải thiện vị thế nông dân, doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau chứ không phải bắt tay nhau, bởi nếu vậy nông dân sẽ luôn là người thiệt, ông nghĩ sao?
- Bước vào CNH, HĐH, việc đầu tiên là làm rõ ta có lợi thế gì. Một chuyên gia nổi tiếng khác về cạnh tranh toàn cầu - Mai-cơn Pót-tơ (Michel Porter), cũng từ Ha-vớt đã khẳng định: lợi thế Việt Nam là con người và nông nghiệp.
Hà Lan chiếm ¼ nhà kính trên thế giới, đầu tư cho khu trồng rau hoa có giá trị cao hơn và hiệu quả đầu tư cũng cao hơn cho nhiều KCN. Ở ta, có nơi ở ĐBSCL lấy sà-lan chở đất đỏ ở Đông Nam Bộ về đổ nền làm khu công nghiệp, làm sân gôn lấp lên đất làm lúa gạo, nuôi cá tốt nhất thế giới. Vô lý hết sức!
Trên đôi chân nông nghiệp, ta có thể làm công nghiệp cơ khí sản xuất máy móc, vật tư, công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ môi trường, nghỉ dưỡng, văn hóa tốt… nếu biết tái cơ cấu kinh tế, mô hình phát triển đúng. Nhưng như trên đã nói, hãy đặt nông dân lên trước.
* Miễn thuế nông nghiệp trong Di chúc của Bác Hồ thể hiện khát vọng khoan dân vĩ đại. Chúng ta đã làm được rất nhiều sau hơn 25 năm Đổi mới, nhưng dừng lại, thỏa mãn, đồng nghĩa với trì trệ, ông có dự cảm gì ?
- Đúng trong những ngày đầy thách thức này, nhờ công lao của nông dân, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng ta lại đứng trước ngưỡng cửa những cơ hội chưa từng có. 25 năm qua đã diễn ra những chuyện thần kỳ về nông nghiệp Việt Nam và cũng bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Nếu hôm nay Việt Nam tái cơ cấu, đi thẳng vào phát huy thế mạnh trời cho từ nông nghiệp thì với năng lực vô tận của nông dân, doanh nhân, với tri thức khoa học và nhu cầu thị trường tương lai, một lần nữa bước tiến thần kỳ mới sẽ mở ra cho con đường CNH của đất nước.
- Xin cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã