Doanh nghiệp “tiếp sức”...
Hiện nay, giá cá tra đang dao động từ 22.500 - 23.000 đồng/kg (loại 1 từ 800gr đến dưới 1kg/con). Với mức giá này, người nuôi cá vẫn còn lỗ 1.500 đồng/kg. Hiện số người nuôi nhỏ lẻ rất ít và hầu như đã co cụm hay đã treo ao vì giá bán quá thấp. Việc vay vốn ưu đãi theo gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng của chính phủ chẳng đến tay nông dân được bao nhiêu (phải thế chấp ao và có phương án khả thi), nên tình hình nuôi cá tra gặp rất nhiều khó khăn.
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang “chết dần, chết mòn”. |
Ông Võ Văn Đệ - người nuôi cá tra lâu năm ở phường Thuận An (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) mấy năm nay đã co cụm hoạt động sản xuất. Trước đây, gia đình ông có 3 ao nhưng giờ chỉ còn giữ lại 1 nuôi theo kiểu cầm chừng. Ông Đệ cho biết: “Giá cá tra hiện tại dưới giá thành nên không ai dám thả nuôi. Số người nuôi cầm cự cũng chẳng còn bao nhiêu vì giá dưới giá thành thì đằng nào cũng lỗ”.
Thông tin Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương (HVG) vừa đưa ra gói hỗ trợ 500 tỷ đồng bằng cách bán chịu thức ăn cá tra nhãn hiệu Việt Thắng đến cuối vụ mới trả tiền khiến nhiều nông dân rất vui mừng.
Theo ông Nguyễn Văn Ký - thành viên HĐQT HVG, gói hỗ trợ này công ty dành để tiếp sức cho những hộ nuôi cá đang nuôi cá nửa chừng, nhưng bị thiếu vốn hết tiền mua cám. Công ty sẽ hỗ trợ theo hình thức bán thức ăn thủy sản nhãn hiệu Việt Thắng (một trong những công ty con của HVG) trong vòng 2 tháng không tính lãi.
“Điều kiện để hộ nuôi cá được hỗ trợ là họ phải đang có ao cá với trọng lượng cá trung bình từ 500g/con trở lên. Khi đến kỳ thu hoạch, chúng tôi sẽ bao tiêu mua hết cá trong ao với giá là 23.000 đồng/kg. Những hộ nào khi đó thấy giá ở ngoài cao hơn, không muốn bán cho chúng tôi, thì chỉ cần trả tiền mua thức ăn với lãi suất 1%/tháng mà thôi” – ông Ký cho biết.
Ông Ký cũng cho biết thêm: “Khi mua cá của các hộ trong chương trình hỗ trợ này, HVG sẽ trả ngay 30% tiền mặt, 70% còn lại sẽ được trả bằng cám cho nông dân nuôi vụ sau. Mục đích của chúng tôi là, khuyến khích nông dân tiếp tục tái đàn nuôi tiếp để có nguồn cá cung ứng cho thị trường”.
Ngay sau khi HVG công bố chương trình trên, ngay lập tức đã có 40 hộ nông dân ký hợp đồng với công ty với tổng sản lượng khoảng 10.000 tấn cám. Theo ông Ký, thì với sản lượng của các hộ đã đăng ký này chỉ mới chiếm khoảng 50% trong gói hỗ trợ 500 tỷ của HVG, 50% còn lại đang chờ bà con tiếp tục đăng ký.
Nhà nông vẫn lo
Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) sau khi nghe tin HVG có hỗ trợ đã cho biết: “Được mua chịu thức ăn thì nông dân sẽ đỡ phần nào về gánh nặng lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, với tình hình giá cá vẫn dưới giá thành như hiện nay thì có đem vốn ra cứu người nuôi cá thì hết vụ này họ cũng phải “treo ao” vì càng nuôi càng thua lỗ”. Hiện tại, HTX Thủy sản Thới An chỉ duy trì 10ha và nuôi theo kiều cầm chừng, thả thưa, xoay vòng để thu hoạch hết ao này đến ao khác.
Theo nhiều nông dân, nếu ký hợp đồng với doanh nghiệp sẽ ràng buộc rất nhiều thứ và nông dân sẽ là người chịu phần thiệt. Đồng thời, rất ít hộ có cá cỡ 500gr để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) trước đây nuôi 10ha giờ co cụm lại chỉ còn hơn 1ha, cho biết: “Mỗi vụ tôi xuất bán khoảng 250 - 300 tấn theo kiểm cầm chừng, trong khi trước đây xuất bán khoảng 5.000 - 6.000 tấn. Bây giờ cá ở ao tôi đã 650gr, chuẩn bị xuất bán nên chẳng cần phải mua chịu thức ăn. Trong khi trước đó cần vay vốn với lãi suất ưu đãi chẳng ai cho vay nên bắt buộc phải vay với lãi suất hơn 13%/năm”.
Theo ông Nguyên, hầu hết người nuôi cá tra đã “chết”. Tại xã Khánh Hòa - từng là “vương quốc” nuôi cá tra, giờ chỉ còn 2 hộ nuôi, toàn huyện có khoảng 5 xã nuôi thì tính ra cũng chẳng có mấy hộ đang cầm cự và trên bờ vực phá sản. Ông Nguyên vừa bán 3ha ao nuôi cá tra cho doanh nghiệp với giá 2,5 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa so với vốn đầu tư. Nhiều hộ nuôi cá trong khu vực cũng bắt buộc phải bán ao với giá rẻ vì thua lỗ kéo dài.
Hoàng Mai - Phụng Anh
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã