Học tập đạo đức HCM

Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh địa giới: Bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới

Thứ ba - 31/07/2018 04:25
Bộ mặt nông thôn Hà Nội đã có nhiều đổi mới sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính và là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất may tre đan xuất khẩu ở Phú Yên. Đây là nghề đem lại thu nhập và công việc ổn định cho lao thông nông thôn Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Kể từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội được mở rộng với toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), thành phố Hà Nội đã luôn quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới và là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới. 

*Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa 

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 1,75% năm 2006 lên 2,4% năm 2015, dự kiến tăng lên 3,5% - 4% vào cuối năm 2020. 

Tại Hà Nội, sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn thành phố đã hình thành 1.230 trang trại theo tiêu chí mới; trong đó có 920 trang trại chăn nuôi, 190 trang trại thủy sản, 120 trang trại tổng hợp và khoảng 2.500 mô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ với tổng diện tích 15.000 ha. Đặc biệt, trong số này đã có gần 700 trang trại đạt thu nhập từ 1 tỷ đồng đến trên 3 tỷ đồng/năm. 

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản hiện chiếm tới 56,71% giá trị sản xuất, thành phố Hà Nội đã trở thành địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất toàn quốc. 

Đến nay, Hà Nội đã hình thành 15 xã trọng điểm về chăn nuôi bò sữa với số lượng 10.863 con, chiếm 68% tổng đàn bò sữa toàn thành phố; sản lượng sữa 72,6 tấn/ngày, chiếm 72,2% tổng sản lượng toàn thành phố. Ngoài ra, Hà Nội có 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn 26.759 con, 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 227.330 con, 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm với gần 5,9 triệu con. 

Hiện nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung tại một số xã thuộc huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ; vùng nuôi lợn nái và lợn thương phẩm tại các huyện Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh...; giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. 

Sau dồn điền đổi thửa, nông nghiệp Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25 - 30%. 

Bên cạnh đó, nhiều vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng hoa, cây ăn quả; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung quy mô lớn đã phát triển mạnh nâng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp giai đoạn 2008 -2017 tăng trung bình 2,68%/năm. Đáng lưu ý, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt khoảng 242 triệu đồng, gấp 2 lần năm 2008. 
 

Thủ đô hiện có 4 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới gồm Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới; Thu nhập bình quân năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người, gấp 3 lần so với năm 2008 (13 triệu đồng). Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, một số vùng chuyên canh tập trung đã được xây dựng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra nhiều thương hiệu nông sản đặc thù của Thủ đô với các sản phẩm truyền thống như bưởi Diễn, cam Canh và nhiều sản phẩm mới có giá trị cao như bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, cam canh Kim An, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, bưởi Sóc Sơn, phật thủ Đắc Sở, nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức, chuối Cổ Bi, chuối Vân Nam, ổi Đông Dư..., không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu. 

Hà Nội là địa phương mở đầu và luôn giữ vững “lá cờ đầu” của cả nước về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2018, đã có 4 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 294/386 xã đạt chuẩn (76,16%), khu vực nông thôn Hà Nội có bước chuyển mình và phát triển rõ nét, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao. 

*Còn nhiều trăn trở 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng và ngành nông nghiệp nông thôn Hà Nội nói chung.

Nông nghiệp Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao; Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chậm so với yêu cầu. 

Trước nhất là việc đến nay, vẫn còn 4 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Mỹ Đức) vẫn chưa hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa với tổng diện tích là: 792,12ha. Còn 6.620 trường hợp (chiếm 1,06%) của 10 huyện chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa. 

Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn, như Ba Vì 30 triệu đồng/người/năm, Ứng Hòa 32,3 triệu đồng/người/năm, Mỹ Đức 34,1 triệu đồng/người/năm, Thường Tín 34,5 triệu đồng/người/năm. Một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tương đối cao như: Ba Vì (4,8%), Mỹ Đức (4,24%), Chương Mỹ (3,65%)... 
 

Trường Mầm non Ngũ Hiệp B, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị tại một số huyện còn thấp như: Ứng Hòa (29,5%), Chương Mỹ (33%), Mỹ Đức (31,5%)... Việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu... 

Được biết thời gian qua, Hà Nội đã tích cực đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước sạch ở nông thôn. Tuy nhiên, việc quản lý các công trình này vẫn còn nhiều bất cập, có nơi nông dân không có nước sạch để dùng. Lý giải bất cập trên, hầu hết lãnh đạo các huyện cho rằng, do nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến nhiều công trình cấp nước bị xuống cấp, hư hỏng. 

Hiện trên địa bàn thành phố có 18 công trình do không tái đầu tư bảo dưỡng dẫn đến công trình xuống cấp, hư hỏng không hoạt động hoặc dừng hoạt động; trong đó có 11 công trình không hoạt động do xuống cấp hư hỏng; 7 công trình cấp nước trên địa bàn huyện Thanh Trì dừng hoạt động do trên địa bàn đã có hệ thống cấp nước đô thị. 

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, 10 năm qua Hà Nội đặc biệt quan tâm tới chính sách an sinh xã hội. Do vậy, thành phố đã rà soát, ban hành nhiều văn bản, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. 

Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43% năm 2008 đến nay còn 1,69%. Hiện nay, Thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 100% gia đình người có công với cách mạng đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi sinh sống và không có hộ chính sách thuộc diện nghèo. 

Đáng lưu ý, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng; sẽ hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo vào cuối năm 2018. Số người được giải quyết việc làm trung bình hàng năm đạt khoảng 140 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp từ 3,18% năm 2009 đến nay giảm xuống 2,44%. 

Để đời sống ở nông thôn ngày một cải thiện tốt hơn, bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ rõ, thời gian tới ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng, thành phố sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản theo chuỗi; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp.../. 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập274
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại816,062
  • Tổng lượt truy cập90,879,455
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây