Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nằm trong chuỗi các hội nghị chuyên đề được tổ chức thời gian qua như: Hội nghị toàn quốc về cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Hội nghị về logistics, thúc đẩy xuất khẩu, các hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Báo cáo của Bộ Khoa học - Công nghệ phục vụ cho Hội nghị cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua thì cũng chính ở lĩnh vực này tồn tại không ít vướng mắc.
Đó là số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện còn rất khiêm tốn. Tính chung cả nước chỉ có khoảng 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Vướng mắc được chỉ ra đầu tiên là khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất và chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai khi triển khai còn lúng túng, khiến doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Cùng đó, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư cũng như chưa bảo vệ được doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trước sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), mức hỗ trợ nông nghiệp ở nước ta hiện nay chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông và cắt giảm một số loại phí, trong khi đó, ở một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc có mức hỗ trợ lên tới 55% - 60%.
Vẫn theo Bộ KHCN, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân vẫn còn khó tiếp cận nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư. Thị trường nông nghiệp không ổn định. Tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu Việt Nam hiện mới có khoảng 21%, trong khi Thái Lan là 36%, Malaysia là 45%.
Vì vậy, những rủi ro về thị trường, sự phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân vẫn thường xuyên xảy ra, gây tâm lý sợ hãi không dám đầu tư. Mối quan hệ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chưa đủ ràng buộc trách nhiệm. Cùng đó, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế.
Tính đến hết tháng 6-2018, cả nước ước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Đó là những con số rất đáng suy nghĩ khi mà nông nghiệp được coi là “trụ đỡ”, là “vịnh tránh bão” của nèn kinh tế, và cũng là lĩnh vực xuất khẩu quan trong của đất nước với không ít mặt hàng thuộc tốp đứng đầu thế giới, như gạo, cao su, cà phê, điều, tiêu...
Đó là những kết quả rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã “đứng trước cửa” thì việc xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp mới là không thể tránh khỏi, nếu không muốn tụt hậu.
Chiều 29/7, trước khi chủ trì Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (ngày 30-7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm trang trại sản xuất giống, khu sản xuất rau thủy canh, khu sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn Vietgap và thăm khu sơ chế sau thu hoạch của Công ty Phong Thúy tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Tại đây Thủ tướng nhấn mạnh, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông sản an toàn là hướng đi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, mang lại giá trị cao và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đây không phải là lần đầu Thủ tướng trực tiếp thị sát nông nghiệp - nông thôn, mà đã nhiều lần ông kêu gọi phải nhanh chóng thay đổi, tái cấu trúc lại nền nông nghiệp nước nhà theo hướng đầu tư lớn, công nghệ cao, sản xuất nông phẩm sạch, an toàn.
Đất nước không thể phát triển mạnh, bền vững nếu chỉ trông dựa vào những tập đoàn công nghiệp, mà phải vực dậy, tăng tốc phát triển nông nghiệp, tại khu vực này hiện vẫn có tới gần 70% người dân sinh sống. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp không dễ dàng, bởi cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao, lại chịu rủi ro của thời tiết, khí hậu..., chưa nói đến những bất cập của chính sách. Vì lẽ đó, thời gian qua, các doanh nghiệp lớn không mặn mà với lĩnh vực này.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, lĩnh vực nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững nếu không tập trung tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; gắn với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương; gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, việc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
Cha ông ta từng nói “Đất lành chim đậu”. Vậy “đất”- ở đây là lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn đã “lành” chưa? Nếu chưa “lành” thì phải có quyết tâm và giải pháp làm “lành” nó. Nói như giới chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, thì không thể trông chờ nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào nông nghiệp Việt Nam mà chính doanh nghiệp Việt Nam phải gánh vác sứ mệnh ấy. Đó là trách nhiệm với đất nước, với sự phồn vinh trong tương lai.
Hy vọng rằng sau Hội nghị này, những vướng mắc về cơ chế chính sách (trong đó có chính sách tích tụ ruộng đất, nguồn vốn vay, lãi suất ngân hàng...) sẽ được tháo gỡ; để “những con đại bàng lớn” về làm tổ trên ruộng đồng. Và cũng mong muốn rằng, những tập đoàn lớn thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc đầu tư vào nông nghiệp. Tại đó, lợi nhuận đi cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ, để đồng đất quê hương thêm một lần vươn mình đứng dậy.
Nam Việt/http://daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã