Học tập đạo đức HCM

Những bước chuyển mình mạnh mẽ

Thứ ba - 31/07/2018 04:19
Đầu tháng 8/2008, 4 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân và Đông Xuân của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã được sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, giờ đây quay trở lại nơi này mới thấy hết sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Những vùng quê nghèo khi xưa, giờ đã trù phú, đời sống người dân ngày một nâng cao, bản sắc văn hóa Mường được bảo tồn và phát triển…

Đổi thay từng ngày

10 năm trước, Yên Trung vẫn là một xã nghèo dưới chân núi Ba Vì, nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác. Những con đường bê tông thoáng rộng, phóng vào tận ngõ, các công trình phúc lợi công cộng đều được xây mới, đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động thương mại dịch vụ đang được phát triển đa dạng từng bước thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là những hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho các dự án của Nhà nước. Tại Yên Trung, một số ngành nghề như: May mặc, cơ khí, kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi đã và đang phát triển. Trang trại rau sạch là một minh chứng rõ ràng cho sự biến đổi đó, sự đầu tư của Thành phố đã đem lại những cơ hội mới cho người dân nơi đây.

Ai đã từng đến thôn Hương, xã Yên Trung chắc vẫn còn ấn tượng về những“danh hiệu” mà thôn nắm giữ như thuộc diện khó khăn nhất, xa nhất và nghèo nhất. Sau khi xã Yên Trung sáp nhập về huyện Thạch Thất, thôn Hương được các cấp đầu tư hàng chục tỷ đồng để bê tông hóa đường giao thông, xây hệ thống mương dẫn nước, xây dựng Nhà văn hóa, Trường Mầm non…

nhung buoc chuyen minh manh me
Sau 10 năm kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có những thay đổi bằng việc mở rộng quy mô các trang trại rau hữu cơ trên vùng đồi Yên Trung

Giờ đây, thôn Hương đã thay đổi toàn diện, người dân cũng không còn chịu nỗi ám ảnh khi đi trên những con đường đất lầy lội. Ông Nguyễn Văn Thanh, người thôn Hương chia sẻ: “Trước năm 2008, đời sống của các hộ gia đình trong thôn cực kỳ khó khăn, thiếu thốn đủ mọi mặt như: Thiếu điện, thiếu thông tin về đời sống xã hội bên ngoài, nhất là mùa mưa, việc đi lại vô cùng khó khăn. Từ khi sáp nhập về thành phố Hà Nội, nhờ sự quan tâm của cấp trên, các con đường trong thôn được nâng cốt và đổ bê tông, được mắc điện lưới quốc gia. Riêng gia đình tôi được hỗ trợ tiền để sửa chữa lại căn nhà đã dột nát. Chính vì vậy, đời sống của chúng tôi chuyển biến mạnh mẽ, không còn hiện tượng thiếu lương thực vào những ngày giáp hạt, nhà nào cũng có xe máy để đi, có ti vi để xem…”.

Trên con đường nhựa rộng thênh thang dẫn vào trung tâm xã, 2 bên là những dãy nhà cao tầng mọc san sát, minh chứng cho sự phát triển trù phú của xã Yên Trung, chị Nguyễn Thị Vân vừa bán hàng cho khách vừa kể: “Trước đây, con đường này là đường đất, rất nhỏ, hễ có mưa là lầy lội, đi lại rất khó khăn. Từ khi về với Thủ đô, được huyện và Thành phố quan tâm nên đã đầu tư mở rộng, trải nhựa, nhân dân đi lại rất thuận tiện, mọi hoạt động kinh tế cũng từ đó mà phát triển”. Từ khi có con đường mới, công việc kinh doanh của gia đình chị Vân đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh sang mở cửa hàng kinh doanh, cho thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước.

Có một điều đặc biệt, ở Yên Trung, các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang giá trị truyền thống luôn được lưu giữ và bảo tồn như Cồng chiêng, hát dân ca Mường, các hoạt động thể dục thể thao như đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ vẫn được tổ chức và duy trì hàng năm. 10 năm không quá lâu, nhưng cũng vừa đủ để xóa đi khoảng cách giàu nghèo để một vùng quê nghèo như xã Yên Trung gần lại hơn với Thủ đô.

Diện mạo mới ở Yên Bình

Đến xã Yên Bình, chúng tôi cảm nhận rõ sự chuyển mình tích cực của địa phương sau 10 năm về Thủ đô. Yên Bình là xã lớn với diện tích hơn 2.000ha, có đồng bào 2 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là Kinh và Mường. Trước khi sáp nhập về với huyện Thạch Thất trong điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất gần như không có gì, hệ thống giao thông 98% là đường đất, lầy lội về mùa mưa, giao thông bị chia cắt.

Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa chủ yếu là nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống điện do nhân dân tự đóng góp nên chất lượng không cao, còn có thôn chưa có điện… Từ khi sáp nhập, Yên Bình được Thành phố và huyện quan tâm, dành nguồn lực lớn đầu tư cho địa phương. Qua 10 năm, đã có 22 công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư mới hoàn toàn. Hệ thống kênh mương, hồ thủy lợi được kè, giao thông liên xã, liên thôn, trường học, trung tâm nhà văn hóa xã… được đầu tư với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.

Còn nữa, trước khi về ”Thủ đô, mặc dù ở “kinh đô xứ Mường” Hòa Bình nhưng bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở chiều hướng mai một. Rất ít người dân tộc Mường ở Yên Bình khi đó có và mặc trang phục truyền thống; cồng, chiêng là bản sắc văn hóa của người Mường gần như không còn, thậm chí rất ít người biết sử dụng. Từ khi sáp nhậpThủ đô, Ban Dân tộc Thành phố và UBND huyện Thạch Thất đã hỗ trợ địa phương bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

nhung buoc chuyen minh manh me
Đường sá ở Yên Bình đã được mở rộng, mang lại diện mạo mới cho xã

Từ không có bộ cồng chiêng nào, đến nay 10 thôn của Yên Bình đã có 13 bộ cồng chiêng. Huyện Thạch Thất và thành phố Hà Nội còn liên tiếp mở các lớp tập huấn, hội thi, hội diễn và biểu diễn văn hóa dân tộc Mường. Nhà văn hóa các thôn cũng được trang bị tủ quần áo dân tộc Mường để bà con được biết. Gần đây nhất, dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, Yên Bình tổ chức cho các thôn tham gia hội diễn cồng chiêng thu hút rất đông bà con tham gia.

So với 10 năm trước, Yên Bình đã có được diện mạo mới, kinh tế khá giả, đời sống tinh thần được nâng cao. Đây là niềm vui, tự hào của người dân và cấp ủy chính quyền xã dân tộc miền núi Yên Bình sau tròn một thập niên là “người” Thủ đô. Những mô hình làm giàu nơi bản Mường có thể thấy trên toàn xã. Hộ ông Đào Xuân Hùng và bà Nguyễn Thị Thành ở thôn Dân Lập là ví dụ. Với diện tích đất vườn 3.700m2, vợ chồng ông Hùng đã chuyển từ trồng vải sang trồng bưởi. Yên Bình những ngày tháng 5 nắng nóng, nhưng ở khu vườn của gia đình ông Hùng mát rượi bởi 100 gốc bưởi đường Quế Dương, bưởi da xanh, bưởi Diễn mướt xanh, trĩu quả...

Vườn của gia đình ông Bùi Thanh Vân cùng thôn cũng có gần 1 ha được trồng bưởi, nhãn, xung quanh trồng chuối. Dưới tán cây ăn quả, ông duy trì vườn chè. “Cây chè tuy thu nhập không cao nhưng ổn định. Mỗi sào chè cho thu nhập từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng/năm.

Hiện gia đình tôi có 2 mẫu chè, mỗi năm thu được trên 100 triệu đồng” - ông Vân cho biết. Trước đây vườn của gia đình trồng vải nhưng sâu bệnh nhiều, vải lại chín rộ nhanh nên tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Chuyển sang trồng bưởi, gia đình được tham gia các chương trình “Nhịp cầu nhà nông” và các hội nghị tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả tại vùng trồng bưởi Tân Lạc (Hòa Bình) hay bưởi đường Quế Dương ở Hoài Đức (Hà Nội) do chính quyền địa phương tổ chức. Hiện nay, những người trồng bưởi ở Yên Bình đã biết cách “can thiệp” để cây ra hoa, đậu quả tốt hơn.

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần, trước năm 2008, trên địa bàn xã, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 80%, nay chỉ còn 49%. Đất lúa được chuyển sang trồng hoa, trồng chuối, ớt xuất khẩu, cây ăn quả... Đến nay, Yên Bình đã có hơn 100ha bưởi, gần 10ha trồng ớt xuất khẩu, gần 10ha trồng hoa… Bên cạnh đó, đã có nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn rừng… đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, thu nhập bình quân của xã Yên Bình đã đạt 42 triệu đồng/người/năm và là xã có thu nhập cao nhất trong số 3 xã dân tộc miền núi cùng chuyển từ huyện Lương Sơn về huyện Thạch Thất. Hộ nghèo của Yên Bình chỉ còn 2,06%, nếu trừ đi số hộ nghèo được hưởng bảo trợ xã hội thì số hộ nghèo còn lại chưa đến 1%... Những con đường mới trải nhựa thênh thang không những đã mang đến cho vùng quê diện mạo mới mà còn tạo điều kiện cho bà con giao lưu, phát triển kinh tế thuận lợi hơn.

Thêm nhiều gia đình và làng văn hóa

Ở Tiến Xuân hôm nay đã có sự thay đổi rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hiện trên địa bàn xã có nhiều công ty, doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, thu hút nhân lực, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của địa phương. Tập trung chủ yếu vào các ngành nghề may mặc, cơ khí, đồ mộc, chế biến nông, lâm sản… Hình thức sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều sự thay đổi lớn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất đã thể hiện rõ nét. Song song với phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Tiến Xuân cũng chú trọng phát triển văn hóa – giáo dục.

Toàn xã tập trung đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”, thi đua xây dựng làng và gia đình văn hóa. Đến nay, toàn xã đã có gần 1.600 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 15 làng văn hóa, 4 đơn vị và 2 cơ quan văn hóa. Riêng về giáo dục, xã đã đổi mới và đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dạy tốt – học tốt” gắn với việc thực hiện các cuộc vận động “Kỷ cương – tình thương – trách nhiệm”, “Xã hội hóa giáo dục”, “Gia đình hiếu học”… được các tầng lớp nhân dân, giáo viên, học sinh đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm chỉ đạo có hiệu quả. Số lượng giáo viên và học sinh đạt giải cấp huyện và thành phố tăng dần.

Ông Bùi Văn Tình, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân, tâm sự: “Tiến Xuân là một xã miền núi, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp. Những năm qua, nhờ được cấp trên quan tâm đầu tư toàn diện về cơ sở hạ tầng nên địa phương có điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực tập trung phát triển.

Vì vậy, các chỉ tiêu xây dựng địa phương luôn đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra, đặc biệt là năm 2017, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 108,3% so với năm 2016 và cao hơn rất nhiều so với các năm trước; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và thương mại đã chiếm 50% tổng giá trị sản xuất của địa phương; thu nhập đầu người đạt 38 triệu/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2007; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 2,38% theo tiêu chí mới; 17/17 thôn của xã đã đạt danh hiệu làng văn hóa, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 91,3%, tăng 103,7% so với kế hoạch đặt ra”.

Sau gần 10 năm, bức tranh nông thôn của xã Tiến Xuân đã khác hoàn toàn. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế đã từng bước hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Mạng lưới giao thông trong xã đã được đầu tư cải tạo toàn diện, các con đường đều đã được nâng cấp và bê tông hóa, cảnh nắng bụi, mưa lầy giờ chỉ còn trong ký ức. Hệ thống điện được quy hoạch xây dựng cơ bản, đáp ứng tốt nhu cầu dùng điện cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Các Trạm y tế chăm sóc sức khỏe của nhân dân đã hoàn chỉnh với cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh đồng bộ và đội ngũ y, bác sĩ chuẩn hóa về trình độ.

Sức sống mới trên quê hương Đông Xuân

Đông Xuân là xã duy nhất trong 4 xã sáp nhập về huyện Quốc Oai. Trước khi sáp nhập, cơ sở vật chất và đời sống của nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn. Sau 10 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây đã được đổi thay rõ rệt, bộ mặt làng quê đang trên đà khởi sắc.Trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ của thành phố Hà Nội, của huyện Quốc Oai, xã Đông Xuân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, sang chăn nuôi tập trung, chọn các giống lúa có năng xuất, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn xã đang triển khai nhiều mô hình kinh tế như nhãn chín muộn, mô hình bưởi diễn, mô hình chăn nuôi gà thả đồi, lợn mán, lợn rừng; chăn nuôi dê... Từ các mô hình cho thấy nhân dân đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi đồng thời nhạy bén với thị trường để đầu tư có hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập.

Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực đến năm 2016 xã đã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Hệ thống trường học, thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh và đạt chuẩn quốc gia; hệ thống loa truyền thanh đảm bảo thông suốt góp phần thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền ở địa phương. Công trình nhà văn hoá, sân vận động từ thôn đến xã đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng được củng cố, nâng cấp, cứng hoá, đảm bảo an toàn trong phòng chống mưa lũ, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

Song song với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của bà con vùng dân tộc thiểu số của Đông Xuân ngày càng được nâng lên. Tất cả các thôn đều có đội văn nghệ, câu lạc bộ thể dục thể thao, các câu lạc bộ cồng chiêng, múa sạp. Các hoạt động được tổ chức sôi nổi tại địa phương nhân các dịp lễ, Tết.

Hàng năm vào dịp đầu năm mới đồng bào các dân tộc thiểu số của Đông Xuân đều tổ chức lễ hội du xuân với các nghi lễ, trang phục, trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Mường, làm khơi dậy những giá trị vốn có và lòng tự hào dân tộc trong mỗi người. Phấn khởi trước những đổi thay trên quê hương, ông Bùi Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết: Sau khi sáp nhập về Hà Nội, Đông Xuân đã được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Trung ương cũng như của Thành phố Hà Nội và huyện Quốc Oai.

Với sự đầu tư có trọng điểm, 10 năm qua, xã đã được bố trí gần 400 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng phát triển sản xuất. Cùng với đó, nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế cũng được triển khai, bức tranh kinh tế - xã hội ở Đông Xuân đã có nhiều khởi sắc. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 16,4%/năm. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng; hệ thống đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt trên 85%.

Sau 10 năm sáp nhập, nhiều chủ trương mới, chương trình mới được xã Đông Xuân triển khai đã nhận được sự đồng thuận của người dân, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, công tác cải cách hành chính được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến, bà con các dân tộc nơi đây đang tiếp tục đồng sức, đồng lòng để xây dựng cuộc sống, quê hương của mình ngày một thêm đổi mới...

Rời 4 xã trên những con đường nhựa, đường bê tông, nhìn những ngôi nhà cao tầng mới đang từng ngày vươn lên giữa màu xanh bạt ngàn của rừng keo, đồi chè; nhìn nhân dân đang hứng khởi thu bán nông sản cho các thương lái trên những cánh đồng rau chất lượng cao, chúng tôi thấy phấn chấn và tin tưởng vào sự chuyển mình hơn nữa của 4 xã miền núi và càng thêm tin tưởng hơn trong tương lai không xa, 4 xã trên sẽ bắt kịp, hòa nhịp với nền kinh tế năng động của Thủ đô.

Hà Phong/laodonghtudo.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập330
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại813,797
  • Tổng lượt truy cập90,877,190
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây