Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của Hà Nội đạt 8.727 tỷ đồng (giá cố định), tăng 18,2% và đạt 37.181 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 84,6% so với năm 2008. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 1,75%/năm, năm 2012 đạt trên 199 triệu đồng/ha canh tác, tăng hơn 2 lần so với năm 2008. Ở mỗi địa phương cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tại Chương Mỹ, đến tháng 6/2013, toàn huyện dồn diền đổi thửa (DĐĐT) được gần 8.000ha với hơn 31.000 hộ; 17 xã đã hoàn thành công tác này. Từ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước theo hướng tập trung, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần; thu nhập bình quân từ 2009- 2012 đạt 13,4 triệu đồng/người/năm, tăng 52,8% so với năm 2008; riêng năm 2012 đạt là 17,4 triệu đồng/người, tăng 97,7% so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,7%.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân và XDNTM, huyện Đan Phượngđã đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó điểm nhấn là chương trình XDNTM. Trước khi triển khai chương trình, trung bình các xã chỉ đạt và cơ bản đạt 9 tiêu chí. Đến nay, Song Phượng đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 11 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí; 3 xã Thọ Xuân, Trung Châu, Hồng Hà đạt và cơ bản đạt 12-13 tiêu chí.
Đan Phượng đã thi công xong 2.000 tuyến đường ngõ, xóm và giao thông nội đồng với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Đáng chú ý là, ngoài kinh phí hỗ trợ nguyên vật liệu của Nhà nước, nhân dân đã đóng góp ngày công trị giá 61 tỷ đồng và gần 1.500m2 đất để mở rộng đường, nối thông các ngõ xóm. Điển hình như Phương Đình đã có 50 hộ hiến khoảng 400m2 đất; Thượng Mỗ có 25 hộ hiến 364m2 đất; Song Phượng có 60 hộ hiến 200m2 đất phục vụ việc mở rộng đường.
Hệ thống giao thông nội đồng hoàn thiện đã tạo tiền đề vững chắc cho Đan Phượng quy hoạch lại sản xuất, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, rau, hoa, nuôi lợn, chim trĩ, cá trắm cỏ... Trong 2 năm, huyện đã lập 8 dự án chuyển đổi, trong đó phê duyệt 3 dự án như: rau an toàn (5ha) tại xã Đan Phượng, hoa (15ha) tại xã Đồng Tháp, sản xuất lúa - cá (12ha) tại xã Tân Lập…, nâng tổng diện tích chuyển đổi toàn huyện đạt gần 1.000ha, giá trị thu nhập vùng chuyển đổi đạt trên 200 triệu đồng/ha.
Đan Phượng đang dồn lực, quyết tâm chỉ đạo, đôn đốc các xã tập trung thực hiện nhanh các tiêu chí còn lại, phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ trở thành huyện NTM.
Thực hiện chương trình “tam nông”, huyện Ứng Hòa đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ XDNTM, tập trung vào 4 nhóm giải pháp: tuyên truyền vận động cán bộ đảng viên và nhân dân chung tay XDNTM; lập quy hoạch; huy động nguồn lực cho xã điểm; tiến hành DĐĐT. Sau khi DĐĐT, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng trên địa bàn huyện được bố trí hợp lý, diện tích sản xuất vụ xuân năm 2013 là 11.246ha, trong đó, lúa xuân 10.640ha, năng suất bình quân 65,034 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 69.200 tấn. Bước đầu huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa có chất lượng, giá trị cao, giá trị thu nhập tăng từ 15 - 20% so với sản xuất lúa thường. Cũng trong vụ xuân 2013, tỷ lệ giống lúa chất lượng cao của Ứng Hòa đạt 37,2% diện tích canh tác, tăng 6,3% so với năm 2012. Tới đây, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng, giá trị cao, chiếm 40 - 45% diện tích canh tác; đồng thời, hàng năm dành từ 6 - 8% ngân sách huyện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Huyện đang tích cực mở rộng phát triển 76 trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt. Thu nhập bình quân ước đạt 1,332 tỷ đồng/trang trại, riêng trang trại thủy sản đạt 2,191 tỷ đồng.
Trong công tác XDNTM, Ứng Hòa đã phê duyệt 9 đồ án quy hoạch và đề án XDNTM của các xã, tổ chức công bố, công khai quy hoạch và cắm mốc quy hoạch ở 100% số xã. Đến nay, xã điểm Đồng Tân đã đạt 16/19 tiêu chí, phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí trong năm 2013; 25 xã đạt và cơ bản đạt 10 - 15 tiêu chí; 2 xã Sơn Công và Hồng Quang đạt và cơ bản đạt 7 - 9 tiêu chí. Đã có 22/28 xã đăng ký triển khai làm đường giao thông thôn xóm trong năm 2013, hiện đã cứng hóa đạt chuẩn NTM 45km đường trục xã, 35km đường trục thôn, 49,2km đường ngõ xóm, 9,03km đường trục chính nội đồng… Ứng Hòa đang có 17 dự án xây dựng trường học được triển khai, tổng kinh phí hơn 37 tỷ đồng; triển khai xây dựng 3 công trình trạm y tế tại các xã Lưu Hoàng, Vạn Thái và Đồng Tân, đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trạm y tế hai xã Lưu Hoàng, Vạn Thái.
Sau 5 năm, thị xã Sơn Tây đã xây dựng được nền nông nghiệp tương đối toàn diện, theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2012 đạt 66,9 triệu đồng/ha; tăng 17,9 triệu đồng so với năm 2010; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 39 công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư 283,884 tỷ đồng.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thị xã ngày càng nâng cao. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn trên địa bàn chỉ đạt 4,8 triệu đồng/người thì đến năm 2012 đã đạt 15 triệu đồng/người; 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, có điểm dịch vụ internet; 100% số hộ được sử dụng điện an toàn và nước hợp vệ sinh...
Trong 5 năm, tổng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thị xã là 690 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động của doanh nghiệp gần 4,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây đã vận động nhân dân đóng góp được trên 10 tỷ đồng, cùng nhiều hiện vật và ngày công để XDNTM. Đến nay, thị xã có 1 xã đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí, 2 xã đạt 11 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí và 1 xã đạt 8 tiêu chí.
Mặc dù là huyện có diện tích đất đồi gò lớn nhưng Sóc Sơn vẫn có những giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng. Nhờ sự chỉ đạo sát sao, huyện đã bắt đầu hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích 1.800ha, sản xuất lúa hàng hoá đạt 1.360ha; năng suất lúa tăng từ 40,4 tạ/ha năm 2008 lên 53 tạ/ha năm 2012. Từ chỗ cơ cấu 85% lúa xuân sớm, 81% lúa mùa muộn năm 2008 thì đến năm 2012, tỷ lệ này là 99% xuân muộn, 85% mùa sớm, góp phần tăng năng suất cây trồng.
Đặc biệt, huyện đã mở rộng vùng chăn nuôi trang trại với quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học, số lượng trang trại chăn nuôi, thủy sản tăng từ 65 (năm 2008) lên 72 (năm 2012); xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao như nuôi chim bồ câu sinh sản, ếch, lợn rừng,... Hiện, Sóc Sơn đang tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, trong hai năm 2013-2014 sẽ đầu tư xây dựng thương hiệu gà đồi Sóc Sơn.
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa sau DĐĐT, công tác cơ giới hóa sản xuất được đẩy mạnh, các loại máy móc tăng nhanh về số lượng. Hiện, trên địa bàn huyện có 2.030 máy các loại. Riêng năm 2013, UBND huyện đã xây dựng mô hình mạ khay máy cấy trong sản xuất vụ mùa. Kết quả, toàn huyện đã hỗ trợ được 11 máy cấy, 15 máy gieo mạ, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để đẩy nhanh tiến độ XDNTM, đặc biệt là phấn đấu 44% số xã đạt NTM vào năm 2015, các xã còn lại hoàn thành trên 10 tiêu chí và trên 50% các tiêu chí còn lại, Sóc Sơn sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên, các ban phát triển thôn. Tích cực bám sát địa bàn, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc ngay tại cơ sở…
Trong 5 năm qua, kinh tế của huyện Thạch Thất đã có bước tăng trưởng khá, trong đó, nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn. Đến năm 2012, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 400 tỷ đồng, tăng 28,7% so với năm 2007 khi chưa sáp nhập với Hà Nội, mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 5,2%/năm.
Toàn huyện hiện có hơn 120 mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp thủy sản và trồng cây ăn quả với diện tích 250ha, đạt giá trị 75-100 triệu đồng/ha. Năm 2012, năng suất lúa bình quân của huyện đạt 58,8 tạ/ha, tăng 6,8 tạ/ha so với năm 2007, trong đó, các giống lúa ngắn ngày cho năng suất, chất lượng cao chiếm 70 - 80% diện tích gieo cấy. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh 500ha ở các xã Đại Đồng, Cẩm Yên, Phú Kim, Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn, Thạch Xá, Hạ Bằng; quy hoạch trồng cây ăn quả ở các xã Kim Quan, Bình Yên, Yên Trung và Lại Thượng.
Cùng với gieo cấy 2 vụ lúa cho hiệu quả kinh tế cao, để tăng giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được Thạch Thất thực hiện thành công. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đạt giá trị cao 286ha; trong đó có 5ha trồng hoa, 46ha trồng rau an toàn, 35ha trồng thanh long ruột đỏ và 200ha trồng lúa cao sản.
Đặc biệt, sau hai năm XDNTM, đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện đã xây dựng xong đề án và quy hoạch; một số xã đã triển khai thực hiện đề án chuyển đổi ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, đưa máy móc và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bằng các nguồn vốn của Nhà nước, địa phương và nhân dân đóng góp, 5 năm qua, toàn huyện đã đầu tư gần 4.000 tỷ đồng xây dựng điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Gần 100% đường liên xã, đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt…
Và còn nhiều những điểm sáng khác trong bức tranh nông nghiệp, nông thôn Thủ đô, thành quả sau 5 năm đưa nghị quyết “tam nông” vào cuộc sống...
Đến nay, Hà Nội đã phê duyệt xong đề án XDNTM toàn thành phố và 19 huyện, thị xã; 100% số xã đã phê duyệt xong đề án và quy hoạch NTM. |
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã