Hiệu quả từ sự hỗ trợ
Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dành 15% nguồn ngân sách cho Chương trình xây dựng nông thôn mới (tương đương với 74,735 tỷ đồng) để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất. Theo đó, UBND các địa phương đã sớm ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, bố trí và giao vốn hỗ trợ sản xuất năm 2012 đạt 15% theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Riêng Móng Cái, Hải Hà, Cô Tô bố trí vượt mức quy định từ 2 đến 5,8 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết năm 2012, vốn hỗ trợ sản xuất của các địa phương là: Tiên Yên đạt 7,764 tỷ đồng; Đầm Hà đạt 5,582 tỷ đồng; Hải Hà đạt 12,28 tỷ đồng; Ba Chẽ đạt 4,77 tỷ đồng; Cô Tô đạt 3,523 tỷ đồng; Bình Liêu đạt 10,17 tỷ đồng; Móng Cái đạt 8,541 tỷ đồng; Hoành Bồ đạt 8,576 tỷ đồng; Đông Triều đạt 11 tỷ đồng; Quảng Yên đạt 13,765 tỷ đồng; Vân Đồn đạt 7,967 tỷ đồng; Uông Bí đạt 2,779 tỷ đồng; Cẩm Phả đạt 802 triệu đồng Với số tiền trên, các ngành và địa phương liên quan đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, mua cây giống, con vật nuôi chất lượng cao cấp cho nông dân. Các địa phương đã lập danh mục các dự án, triển khai họp dân đăng ký thực hiện, một số huyện bố trí đi tham quan mô hình mới, học tập kinh nghiệm… Ban Xây dựng nông thôn mới cũng hỗ trợ các địa phương bằng cách tổ chức 2 lớp tập huấn cấp tỉnh và các huyện về xây dựng NTM, trong đó có hướng dẫn triển khai lập dự án, quy trình thực hiện dự án phát triển sản xuất.
Được hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng NMT, nhiều người dân Hoàng Bồ đã phát triển nghề trồng hoa mang lại thu nhập cao. Ảnh: Vườn hoa của ông Lê Đức Bàn, khu Đồng Chè, xã Lê lợi, Hoành Bồ. |
Đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới, cho biết: “Tháng 5-2012, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện hỗ trợ sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, cơ bản các địa phương mới xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phát triển sản xuất. Tuy nhiên, ngay sau đó, việc hỗ trợ sản xuất đã được các địa phương tích cực thực hiện. Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh đã có 340 dự án xin hỗ trợ với tổng mức đầu tư hơn 229,2 tỷ đồng, số dự án đã được duyệt là 330. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là hơn 97,5 tỷ đồng, bằng 42,5%, còn vốn đối ứng của người dân, doanh nghiệp là 131,74 tỷ đồng, bằng 47,5%”. Trong các dự án được hưởng vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, nhiều dự án có quy mô lớn, khẳng định được hiệu quả cao trong thực tế. Tiêu biểu là dự án sản xuất rau an toàn ở phường Cộng Hoà, TX Quảng Yên do Công ty Việt Long làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng mức đầu tư 104 tỷ đồng (ngân sách hỗ trợ 23,2 tỷ đồng (chiếm 22,3%), còn lại do doanh nghiệp và nhân dân đóng góp). Năm 2012, Công ty đã đầu tư 15 tỷ đồng cho nhiều hạng mục quan trọng: Hệ thống thuỷ lợi, đường nội đồng, nhà chế biến rau… Hiện nay, sản phẩm Rau an toàn Việt Long đang từng bước khẳng định thương hiệu, được người tiêu dùng đánh giá cao. Bên cạnh đó, nhiều dự án sản xuất tập trung cũng đã được hỗ trợ và phát triển như: Trồng thanh long ruột đỏ, cam V2, nấm ăn ở Đông Triều, Hoành Bồ; trồng hoa cao cấp ở Hoành Bồ; phát triển mô hình cây ba kích ở Hoành Bồ, Vân Đồn; nuôi trâu, lợn rừng sinh sản ở Vân Đồn, Đông Triều; nuôi lợn hướng nạc ở các huyện miền Đông…
Nhiều hứa hẹn trong năm 2013
Theo đánh giá của Ban Xây dựng Nông thôn mới, sau khi UBND tỉnh quyết định dành 15% vốn chương trình xây dựng NTM để hỗ trợ phát triển sản xuất, các địa phương đã nhận thức được nguồn vốn hỗ trợ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất ngành nông nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho các hộ dân góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng NTM. Do đó, tất cả các địa phương xây dựng NTM đã chú trọng tới công tác tuyên truyền, đồng thời đã bố trí vốn cơ bản đủ 15% theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tỷ lệ đối ứng tham gia các dự án sản xuất của các hộ dân đạt từ 30-67%. Nhờ vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm hàng trăm mô hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp cho giá trị cao. Một số mô hình sản xuất đã được tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm đủ điều kiện nhân rộng nên được chú trọng đầu tư theo hướng tạo sản phẩm hàng hoá nông nghiệp đặc trưng của địa phương.
Mặc dù đã có hiệu quả rõ rệt nhưng trên thực tế, việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng NTM vẫn còn một số hạn chế. Đó là việc các địa phương triển khai mới chỉ tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trình độ đơn giản, chưa có các dự án lớn hàm lượng công nghệ cao, chưa có dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến công trong nông nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn. Tiến độ giải ngân nguồn vốn do huyện quản lý còn chậm, ảnh hưởng tới tính thời vụ của một số vật nuôi, cây trồng. Mặt khác, các địa phương thực hiện hỗ trợ mô hình qua hộ gia đình là chính chứ hỗ trợ qua tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) còn rất ít. Đặc biệt, chưa có địa phương nào hỗ trợ về thành lập hợp tác xã, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và hoạt động khuyến công. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trương Công Ngàn cho biết: “Từ thực tế của năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo trong 50% vốn chương trình xây dựng NTM năm 2013 dành cho hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ chỉ dành 5% để hỗ trợ các hộ nhỏ lẻ; 45% nguồn vốn sẽ dành ưu tiên hỗ trợ các vùng sản xuất tập trung. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng các cơ chế, chính sách để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Trong đó, sẽ có các quy định cụ thể về thế nào là vùng sản xuất tập trung, đồng thời đề xuất các mức hỗ trợ phù hợp với các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn...”.
Tìm hiểu tại huyện Hoành Bồ, chúng tôi được đồng chí Bùi Xuân Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Năm 2013, huyện Hoành Bồ sẽ có nguồn vốn khoảng 18 tỷ đồng dành cho hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng hơn 2 lần so với năm 2012. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ dành khoảng 2 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ như các mô hình nuôi chim trĩ, trồng ổi, táo… Dù hiện nay chưa có tiêu chí về vùng sản xuất tập trung nhưng chúng tôi vẫn chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến đầu tư nguồn vốn còn lại để hỗ trợ các vùng sản xuất hoa, vùng lúa chất lượng cao, vùng cây dược liệu… Tôi tin rằng, hướng chỉ đạo này của tỉnh trong năm 2013 sẽ tạo bước đột phá trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của các địa phương. Qua đó, sẽ hình thành được các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, tạo thành các sản phẩm đặc trưng của từng vùng. Đây sẽ là những “đầu tàu” kéo sản xuất nông nghiệp của các địa phương phát triển, cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng. Và đây là cách hỗ trợ tốt nhất, cho người nông dân cái “cần câu” để nâng cao thu nhập, phát triển đời sống”.
Hà Chi
baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã