Tiêu thụ tăng cao
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thủy sản, bởi đây không chỉ là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng quan trọng, cung cấp protein, mà còn đáp ứng các chất khoáng, axit béo Omega 3 cần thiết cho cơ thể để phát triển trí não và ngăn ngừa một số bệnh.
Trong hai thập kỷ qua, sự gia tăng dân số chóng mặt, tốc độ đô thị hóa quá nhanh và sự phát triển kinh tế xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhu cầu thủy sản trên toàn cầu không ngừng tăng cao với tốc độ 4,3%/năm. Số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người trên thế giới liên tục tăng cao, từ 11,8 kg/người/năm 1981 lên 16,8 kg/người/năm 2006.
FAO dự báo, mức tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới còn tiếp tục tăng cao trong những năm tới, có thể đến 19,1 kg/người/năm 2015 và 20 kg/người/năm 2030.
Cuối năm 2012, Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ công bố kết quả của cuộc khảo sát “Cái gì nóng trong năm 2013”; thủy sản xuất hiện hai lần trong top 10 và một lần nữa trong top 20. Thủy sản xuất hiện hai lần ở vị trí số 9 trên danh sách thủy sản bền vững và số 13 trên danh sách cá phi truyền thống.
Cuộc thăm dò ý kiến hơn 1.800 đầu bếp chuyên nghiệp ở Mỹ cũng cho thấy, thủy sản sẽ tiếp tục là xu hướng nóng nhất trên thực đơn các nhà hàng trong năm 2013.
Tại Anh, Công ty Tư vấn dịch vụ thực phẩm Technomics MenuMonitor cho biết, người tiêu dùng ngày càng quan tâm thủy sản, nhất là thủy sản bền vững; món sushi, sashimi và nigiri tăng 13,9%, các món chế biến từ thủy sản có vỏ tăng 7,5%. Trong khi sushi ngày càng được phổ biến thì các suất ăn thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, cá rô phi, cá hồng và cá haddock có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thực đơn các nhà hàng.
Người tiêu dùng vẫn yêu thích thủy sản bởi giá cả hợp lý và tốt cho sức khỏe
Vẫn đầy âu lo
Trong năm 2013, dự báo nguồn cung thủy sản sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn bởi dù nuôi trồng và khai thác đều có sự gia tăng đáng kể nhưng đang phải đối mặt nhiều vấn đề nảy sinh.
Theo FAO, ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn cầu đã sản xuất được khoảng 128 triệu tấn thủy sản dùng làm thực phẩm, trung bình 18,4 kg/người, cung cấp khoảng 15% lượng protein động vật cho 4,3 tỷ người, tạo thu nhập cho 55 triệu người, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông thôn của các quốc gia và toàn thế giới. Tổng giám đốc FAO, José Graziano da Silva cho biết: “Sinh kế của 12% dân số thế giới phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nghề cá. Ngành thủy sản góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, đồng thời cũng là nguồn chủ yếu cung cấp protein cho 17% dân số thế giới và gần ¼ các nước thu nhập thấp và khan hiếm thực phẩm”.
Ông Arni M. Mathiesen - Người đứng đầu của Cơ quan Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản của FAO cho biết: Nuôi trồng và khai thác thủy sản đang đóng góp quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành đang phải đối mặt hàng loạt vấn đề (như: cơ chế quản lý nghề cá yếu kém, bất cập trong sử dụng nguồn lợi tự nhiên, những thói quen lạc hậu trong thực hành nuôi trồng và khai thác thủy sản, những bất công liên quan việc phân biệt đối xử và lao động trẻ em).
Theo FAO, tính đến nay, gần 30% nguồn lợi thủy sản đã bị khai thác quá mức, 57% bị khai thác hoàn toàn, nói cách khác là đã đạt đến hoặc rất gần đến mức sản lượng khai thác bền vững tối đa và chỉ khoảng 13% chưa bị khai thác hoàn toàn. Khai thác quá mức không chỉ gây hậu quả sinh thái tiêu cực mà còn làm giảm sản lượng cá, dẫn đến hậu quả tiêu cực kinh tế xã hội.
Mức tiêu thụ thủy sản bình quân theo đầu người ở một số quốc gia
Cần “vững tay chèo”
Nhiều chuyên gia thủy sản dự báo, ngành thủy sản Việt Nam năm 2013 vẫn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn (thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường châu Âu tiếp tục chưa có dấu hiệu phục hồi, sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ khổng lồ...). Với tôm, xuất khẩu ngày càng mất thế cạnh tranh so với Thái Lan, Indonesia, Ecuador, Ấn Độ… bởi giá thành sản xuất cao, tỷ lệ nuôi thành công thấp (chỉ đạt 30 - 40%). Đơn cử như tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 11,2 USD/kg, trong khi giá bán của Ấn Độ chỉ ở mức 8,6 USD/kg… Nếu không nhanh chóng có chính sách ổn định sản xuất nuôi trồng, hạ giá thành sản xuất, giải quyết vấn đề Ethoxyquin nhằm khai thông thị trường Nhật Bản thì ngành tôm khó trụ vững trong năm 2013. Không chỉ gặp khó trên thị trường Nhật Bản mà xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới cũng sẽ gặp trở ngại, bởi mới đây, Liên minh Khai thác tôm Mỹ đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Mỹ kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam và 6 nước khác là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ecuador, Ấn Độ và Trung Quốc với lý do nghi ngờ tôm nhập khẩu từ các nước này nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ Chính phủ. Nếu Chính phủ Mỹ kết luận, tôm Việt Nam bán theo giá được trợ cấp thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi con tôm bị áp cả hai loại thuế là bán phá giá và bán trợ cấp.
Với cá tra, thách thức lớn nhất vẫn là sự gia tăng về lượng, biến chuyển về chất còn hạn chế. Điều này chỉ có thể khiến cho ngành cá tra đi vào ngõ cụt, đưa cả người nuôi lẫn doanh nghiệp vào con đường phá sản chứ không thể tạo ra một ngành công nghiệp phát triển bền vững.
Ông Ngô Tiến Chương - Điều phối viên Chương trình nuôi trồng thủy sản của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì phát triển ồ ạt mà thiếu kiểm soát hay thiếu quy hoạch tốt, nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm thay vì gia tăng số lượng. Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững một cách có hệ thống để tạo lòng tin của người tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đồng thời cần có chiến lược thị trường tốt để đảm bảo tính cạnh tranh cao đối với các sản phẩm thủy sản “Made in Vietnam”, chẳng hạn như cá tra Việt Nam”.
Khó khăn vẫn sẽ tiếp tục “đeo bám” ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2013. Tuy nhiên, với nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang tăng mạnh trên thế giới, cộng với nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành, thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để bứt phá.
Sao Mai
Theo (IRC, FAO)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã