Những cách làm hay, những mô hình tốt
Lúc đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM ở Sóc Trăng, phần lớn người dân nông thôn còn chưa nhiệt tình tham gia, do chưa hiểu rõ về chương trình. Ðảng bộ các cấp tiếp tục chỉ đạo chính quyền, mặt trận, các đoàn thể kiên trì tuyên truyền, vận động, phổ biến rộng rãi nội dung, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình đến tất cả người dân, giúp cho bà con hiểu rõ mục đích cuối cùng của XDNTM là cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân. Theo đó, tuyên truyền bằng nhiều cách dễ hiểu, gần gũi như: tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã; lồng ghép tuyên truyền qua các cuộc họp dân; cán bộ xã đến từng nhà dân để vận động, giải thích... "Mưa dầm thấm lâu", nên ngày càng có nhiều người dân tham gia XDNTM, nhưng chưa phát triển thành phong trào hẳn hoi ở thôn, ấp. Ðến khi Sóc Trăng phát động cho người dân đăng ký thực hiện 11 nội dung XDNTM, thì mới dần tạo được khí thế tham gia mạnh mẽ ở nông thôn.
Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Thanh Giang cho biết, vai trò của người dân trong XDNTM là rất quan trọng. Trước hết, phải làm sao cho người dân thông suốt chủ trương, hiểu cặn kẽ Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM. Góp sức cùng với Ban Chỉ đạo XDNTM tỉnh, bước đầu, Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng đã phát động đăng ký thực hiện 11 nội dung tham gia XDNTM sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân ở 22 xã điểm, trong đó chọn xã Hòa Tú 2 thuộc huyện Mỹ Xuyên làm điểm chỉ đạo. 11 nội dung trong bản đăng ký dựa trên 19 tiêu chí XDNTM, được biên soạn rõ ràng, dễ hiểu để dân dễ làm. Ðảng ủy các xã quyết liệt chỉ đạo đăng ký thực hiện các nội dung rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Khi thực hiện, các xã chọn ấp làm điểm chỉ đạo; mặt trận, đoàn thể và ban nhân dân ấp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cụ thể, trong đó nêu rõ những việc nào địa phương lo, những việc nào người dân làm. Cách làm của Sóc Trăng lần này không còn tuyên truyền chung chung, mà xã họp các đoàn thể cho người dân đăng ký những việc dân làm một cách cụ thể như: dọn dẹp, sửa sang nhà cửa; phát hoang bụi rậm; làm cột cờ; làm hàng rào; vào tổ hợp tác sản xuất... Trong các cuộc họp, cán bộ xã gợi ý cho từng người dân chọn nội dung đăng ký phù hợp với khả năng, điều kiện hiện tại của mình. Qua đó, giữa cán bộ với dân càng thêm gần gũi, gắn bó, dân càng tin cán bộ nên đã vui vẻ rủ nhau cùng đăng ký tham gia và hăng hái bắt tay vào thực hiện các nội dung để XDNTM. Từ các đợt phát động, kết quả có đến hàng trăm nghìn người đăng ký thực hiện, đạt tỷ lệ hơn 80% dân số ở các xã.
Từng nhà, từng người, ai cũng hiểu, trước hết cần phải lo cho chính mình, cho nhà cửa, vườn tược, đồng ruộng của mình, đẹp từ nhà ra cổng, sạch từ nhà ra đường, tham gia liên kết sản xuất; đồng thời tích cực hưởng ứng các phần việc của địa phương, tự nguyện hiến đất làm cầu đường, trường học, trạm y tế, đóng góp tiền, vật liệu xây dựng, ngày công lao động... để xây dựng các công trình. Nơi nào cũng có những tập thể, cá nhân nhiệt tình hưởng ứng phong trào, không còn ỉ lại vào sự đầu tư của Nhà nước như trước đây, mà tin tưởng, chủ động bắt tay vào từng việc làm cụ thể để XDNTM. Ðã xuất hiện những cách làm hay, mô hình tốt như: ở xã Phú Tân (huyện Châu Thành) có gần 300 hộ dân hiến hàng chục nghìn m2 đất hay hơn 400 hộ dân ở xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách) hiến hơn 7.800 m2 đất trị giá hàng tỷ đồng để làm đường; hàng trăm hộ dân ở xã Tân Thạnh (huyện Long Phú) tự vận động xây dựng bốn cây cầu bắc qua kênh rạch và làm đường giao thông nông thôn; hay ông Nguyễn Văn Hải ở xã An Lạc Tây đã hiến 6.500 m2 đất trị giá 420 triệu đồng để xây dựng trạm y tế, trường học... Có thể nói, chưa bao giờ khí thế thi đua tham gia XDNTM của người dân Sóc Trăng lại rầm rộ như lúc này. Vốn do dân đóng góp để thực hiện chương trình đã lên đến con số hàng trăm tỷ đồng, trong đó có hơn 120 héc-ta đất, 463 cây cầu...
Đường liên thôn tại xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được bê-tông hóa.
3/22 xã điểm đạt từ 15 đến 18 tiêu chí
Về thăm những xã nông thôn mới ở Sóc Trăng lần này, chúng tôi đã thấy rõ sự đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Những căn chòi lá tạm bợ, xiêu vẹo ngày nào đã được thay thế bằng những căn nhà tường mới xây, kiên cố, khang trang. Xã Phú Tân (huyện Châu Thành) có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, đã có 100% người dân đăng ký xóa nhà dột, nhà tạm. Các mô hình hay, cách làm tốt đã trở thành phong trào và đang "nở rộ" tại nhiều vùng nông thôn ở Sóc Trăng. Phần lớn đường giao thông liên xã, liên ấp được xây dựng hoàn chỉnh. Những đường đất lầy lội trước đây được trải nhựa hoặc lót đan bằng phẳng, sạch sẽ, thuận tiện cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ði theo các tuyến đường đan vào những vùng nông thôn mới, chúng tôi cảm nhận được hết không khí thi đua lao động sản xuất của bà con nông dân vùng sông nước Sóc Trăng. Ai cũng hớn hở, vì ngày nay thu nhập trên một héc-ta diện tích đất sản xuất khá hơn trước nhiều. Các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao với sự tham gia của hàng trăm hộ dân đã xuất hiện ở nhiều xã khó khăn và đang được nhân rộng như: mô hình cánh đồng mẫu ở xã Tân Thạnh (huyện Long Phú), xã Phú Tân (huyện Châu Thành); mô hình tổ hợp tác sản xuất ở xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị); mô hình trồng lúa kết hợp trồng màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản ở nhiều vùng nông thôn khác... Ngành nghề nông thôn cũng được khôi phục, phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Thay đổi rõ nét nhất là môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp. Mô hình làm hàng rào, cổng rào, cột cờ trước sân nhà, trồng hoa ven đường dần trở thành nét đẹp văn hóa ở nhiều ấp, xóm như: ấp An Hòa, xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách) có 90% hộ dân làm hàng rào, cột cờ cắm ngay hàng thẳng lối; ấp Tân Hòa C, xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú) phát hoang cỏ ven đường sạch sẽ rồi trồng hoa hai bên đường; ấp Thạnh An 4, xã Thạnh Thới Thuận (huyện Trần Ðề) có đến 80% hộ dân làm hàng rào, cổng rào và trồng hoa ven đường...
Tiếp tục đi sâu vào những vùng nông thôn được xem là xa xôi, hẻo lánh nhất ở Sóc Trăng, chúng tôi vui lây với bà con nông dân khi nông thôn khởi sắc, đời sống của người dân cũng dần thay đổi. Khoảng 200 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Trà Canh B, xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành) có nhà ở trong ruộng, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, muốn ra đến UBND xã phải lội vòng trên bờ đê trơn trợt, lầy lội dài 4 km. Giờ đây, bà con vô cùng phấn khởi khi tuyến đường liên ấp rộng 3 m, dài gần 400 m của xã được thi công, muốn đến trung tâm xã chỉ mất vài phút chạy xe. Một trong những người hiến đất làm con đường này là ông Thạch Khưm vui vẻ cho biết: "Khi mấy anh cán bộ đến nhà vận động, tôi bàn với vợ con đốn cây, dọn dẹp cho thông thoáng, hiến vài trăm mét đất làm đường. Mình góp công, góp của cùng với Nhà nước làm đường, rồi mình cũng đi, chứ có mất mát gì đâu". Nhiều người dân ở những ấp khác trong xã cũng nhiệt tình hưởng ứng XDNTM như ông Thạch Khưm. Những hộ không có điều kiện đóng góp tiền của thì cũng hiến đất, góp công sức để xây dựng cầu, đường nông thôn. Ông Kim Chượl ở ấp Sa Bâu bộc bạch: Khi được chính quyền địa phương vận động làm đường, bà con hăng hái tham gia. Vì công trình hoàn thành sẽ không còn phải lội sình vào mùa mưa, lội nước khi có triều cường, mấy đứa nhỏ đi học cũng dễ dàng hơn.
Ðến những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer như: xã Ðại Tâm, xã Tham Ðôn (huyện Mỹ Xuyên), xã Lâm Kiết, xã Tuân Tức (huyện Thạnh Trị) hay xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú)... vào lúc thu hoạch rộ nông sản, đâu đâu cũng rộn rã tiếng nói cười của bà con nông dân. Phần lớn các tuyến đường đều được lót đan, trải nhựa, xe cộ bon bon qua lại thu mua nông sản. Trên những cánh đồng lúa thơm vàng óng vang lên tiếng máy gặt đập liên hợp. Những liếp dưa leo, dưa hấu, cải xanh, ớt đỏ, cam vàng... tô thêm sắc mầu cho bức tranh nông thôn mới ở Sóc Trăng.
Mặc dù đến nay chưa có xã đạt đủ 19 tiêu chí, nhưng sau hơn ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, với nỗ lực huy động tổng các nguồn lực cho XDNTM, nhất là huy động sức dân, tỉnh nghèo Sóc Trăng không ngừng vượt khó vươn lên, đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong 22 xã điểm, có ba xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 18 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và một xã đạt chín tiêu chí.
Từ thực tế XDNTM ở Sóc Trăng cho thấy, muốn huy động mạnh mẽ sức dân, thì phải tuyên truyền vận động tốt, bảo đảm công khai, dân chủ, gần dân, lắng nghe ý kiến dân, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Minh Trường
Nguồn: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã