Cô Nguyễn Thị Xuân bên vườn tiêu đang vào mùa thu hoạch. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Từ khi chồng gặp tai nạn và không còn khả năng lao động, cô Nguyễn Thị Xuân (57 tuổi, thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã trở thành trụ cột của gia đình.
"Một tay gây dựng cơ đồ"
Người phụ nữ ấy đã gồng gánh, đưa cả gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương điển hình cho nhiều chị em khác trong vùng noi theo.
Năm 1995, gia đình cô Xuân mua được vài sào đất tại Chư Pưh để lập nghiệp. Vượt qua mọi khó khăn của những ngày đầu sang định canh, định cư tại vùng đất mới, nơi mà bệnh sốt rét vẫn còn dai dẳng, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề nhưng điều đó không quật ngã được ý chí làm giàu của cô.
Chăm chỉ làm ăn, gia đình cô Xuân đã có trong tay 5 ha cà phê và 10 tấn nhân tích trữ. Nhưng tai nạn ập đến khi người chồng bị rắn độc cắn. Sau 3 tháng bị hôn mê, chồng cô bắt đầu tỉnh lại, nhưng không nói được, tay chân tê dại, tâm lý thất thường. Mất 5 năm chạy chữa khắp nơi, khi người chồng bình phục cũng là lúc gia đình cô khánh kiệt.
Không còn cách nào khác, một mình cô Xuân tất bật chăm 5 ha cà phê bị bỏ hoang.
Cô cho biết nhiều hôm phải dậy từ lúc 2 giờ sáng để tưới nước, chăm bón cà phê. Thế rồi chỉ một năm sau, cô trang trải hết nợ nần và còn đủ tiền để cất lại ngôi nhà xây khang trang 400 triệu đồng vào năm 2007.
Khi nhận thấy cây hồ tiêu cho giá trị kinh tế cao, cô Xuân dần dần chuyển đổi một phần diện tích cà phê sang trồng tiêu. Ban đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên cô thường xuyên tham gia các buổi hội thảo, lớp tập huấn do Hội Phụ nữ xã tổ chức. Rồi cô tự đúc rút kinh nghiệm cho mình.
Đến nay, gia đình cô đã có trong tay 6.000 trụ tiêu và 1.800 cây cà phê. Mỗi mùa thu hoạch, cô Xuân lại tạo việc làm cho hàng trăm lượt công lao động, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Cô Xuân còn mạnh dạn thử nghiệm trồng xen canh 5 sào tiêu và cà phê. Từ những gốc cà phê già cỗi, cô cưa bỏ, ghép với giống mới năng suất cao.
Vườn cà phê và tiêu xen canh ấy đang vào độ sinh trưởng tốt, hứa hẹn cho năng suất cao trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) cho biết, mặc dù hoàn cảnh khá đặc biệt, nhưng cô Xuân vẫn tham gia tích cực, năng nổ với công tác Hội, giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo. Theo bà Tâm, chị Xuân chính là một trong những tấm gương để những người phụ nữ trong xã có niềm tin vươn lên ở vùng đất này.
Ông Phạm Hữu Đương bên vườn cây tươi tốt của gia đình . Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Người thương binh đam mê vườn tược
Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Phạm Hữu Đương (nay 67 tuổi, là thương binh ở thôn Hoàng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai) gắn mình với công việc ruộng đồng, nương rẫy.
Ngôi nhà của ông nằm lọt thỏm giữa quả đồi, bốn bề bao bọc là vườn cà phê xanh tốt. Đưa chúng tôi vào nhà, ông Đương cười giải thích: “Tôi ở đây quen rồi, thích yên tĩnh, mát mẻ chứ không thích ồn ào như ở mặt đường lớn”.
Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, ông Đương chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng.
Đất nước thống nhất, ông phục viên và trở về quê hương Thái Bình gắn bó với cây lúa, trồng chuối và nuôi cá. Năm 1989, ông đưa cả gia đình vào Đắk Lắk, nhận làm khoán cà phê cho Xí nghiệp Cà phê Krông Ana.
Khoảng thời gian ấy, cà phê là loại cây mà chưa ai dám trồng nhiều vì hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều công nhân khác cũng chỉ dám nhận khoán chừng vài sào. Nhưng nhờ ham tìm hiểu việc trồng và chăm sóc cây cà phê, 20 ha cà phê mà ông nhận khoán lúc nào cũng xanh tốt, cho sản lượng khá cao.
Ông chia sẻ, với cây cà phê, mình phải gắn bó với nó, phải biết được nó đang thiếu cái gì để bổ sung đầy đủ. Khi ấy, trung bình các vườn khác chỉ thu được 1,7 tấn/ha, nhưng vườn của ông lúc nào cũng thu từ 2-3 tấn/ha.
Ông kể về bước chuyển quan trọng của gia đình bắt đầu từ khi ông đưa cả nhà từ Đắk Lắk tới Gia Lai. Vào đầu những năm 1990, cây cà phê khi ấy còn khá lạ lẫm với đất Gia Lai, nhưng nhận thấy thổ nhưỡng ở đây khá thích hợp, thời tiết lại ổn định, đất đai lại rộng lớn, ông Đương đã quyết định đưa cả gia đình sang Gia Lai lập nghiệp.
Sau nhiều năm kiên trì bám vườn, bám cây, đến nay gia đình ông đã có 5 ha cà phê với thu nhập hơn 800 triệu đồng mỗi năm. Vẫn với niềm đam mê trồng trọt, ông còn tự mình nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các mô hình trồng cây macca.
Hiện ông đã có 3.000 cây macca được trồng xen với vườn cà phê đang cho những lứa quả đầu tiên. Ngoài trồng trọt, trên một khu đất rộng, ông nuôi hơn 30 con heo rừng, nuôi vịt trời, gà sao…
Với quy mô vườn tược như vậy, ông Đương thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 5 người lao động với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.
Ông Dương Thường Thái, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) đánh giá cao mô hình mà cựu chiến binh này làm được. Ông Thái cho biết, ông Đương rất đam mê làm vườn tược, chăn nuôi. Dù tuổi đã cao, ông Đương luôn chịu khó tìm học những phương pháp mới, con giống mới để đưa vào sản xuất. Không chỉ vậy, ông Đương còn là một hội viên tích cực, luôn sẵn sàng đóng góp, giúp đỡ các hội viên khó khăn và rất nhiệt tình trong công tác của hội.
Mai Vy
Theo baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã