PV Báo NNVN vừa tới một số điểm xây dựng NTM tỉnh Lào Cai, điều chúng tôi nhận thấy Lào Cai đang dốc toàn bộ sức mình cho việc xây dựng NTM.
Mùa gặt đang tới, những cánh đồng lúa vàng rực khắp các sườn núi, từ rất sớm con đường dẫn vào thôn Soay Sáng Phìn, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai còn mờ mịt sương mù nhưng đã tấp nập người, tiếng máy nghiền đá, máy trộn bê tông làm đường giao thông nông thôn đang ầm ầm chuyển động. Giàng A Lù dừng tay xúc đá cười toét miệng bảo tôi: Mọi người làm cho nhanh để còn đi gặt, lúa chín hết rồi. Làm con đường tốt cho cái xe máy đi được nhanh à...
Người dân vùng cao (bất kể già trẻ, gái trai) tham gia xay đá làm đường
giao thông nông thôn
Si Ma Cai là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai, cuộc sống của người dân nơi đầu nguồn vòm nhô sông Chảy gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nước 7-8 tháng trời, ruộng nương chỉ sản xuất (SX) được một vụ vào mùa mưa, thu nhập bình quân đầu người chỉ được 9,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn gần 40%.
Nhưng Chương trình xây dựng NTM lại được người dân nơi đây hưởng ứng và sẵn sàng mang hết sức người, sức của để tham gia. Người dân không chỉ hiến đất, họ còn bỏ công sức và góp đá để làm đường giao thông nông thôn. Bởi Chương trình xây dựng NTM thiết thực với cuộc sống của họ, vì thế mọi người đều hưởng ứng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay người dân Si Ma Cai đã đóng góp hơn 1.400 ngày công lao động, hiến 1.500 m2 đất để làm đường giao thông, tính đến 30/8 Si Ma Cai đã làm được 16,76 km đường giao thông nông thôn, đưa tổng số đường giao thông nông thôn từ năm 2012 đến nay là 28,6 km. Riêng xã Mản Thẩn đã làm 3,2 km, trong đó năm 2013 làm 1,5 km.
Tỉnh Lào Cai chọn 5 nội dung trọng điểm chỉ đạo trong Chương trình xây dựng NTM: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm phát triển SX nâng cao đời sống cho người dân; Phát triển giao thông nông thôn giúp người dân tiếp cận nhanh với thị trường trong tiêu thụ sản phẩm; Phổ cập giáo dục mầm non; Vệ sinh môi trường nông thôn; An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nhất là khu vực vùng cao, vùng giáp biên giới.
Đây là những mục tiêu có ảnh hưởng rất lớn tới việc hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM của Lào Cai.
Trong những năm qua Lào Cai đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong SX nông nghiệp, như đưa diện tích SX lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, lúa đặc sản có giá trị hàng hoá trên 80% diện tích. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 đơn vị diện tích năm 2012 đạt 40,65 triệu/ha.
Nhiều diện tích trồng hoa, trồng chuối cấy mô, trồng dứa Queen đạt từ 150-300 triệu/ha. Tổng sản lượng lương thực năm 2013 ước đạt 260.000 tấn, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Lào Cai lần thứ 14 nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra trước hai năm, không chỉ góp phần xoá đói giảm nghèo nhanh khu vực nông thôn mà còn là sự đảm bảo bền vững cho người dân tích cực tham gia Chương trình xây dựng NTM.
Nhằm phát huy thế mạnh của một tỉnh miền núi có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau trong những năm qua Lào Cai đã triển khai một loạt đề án: Phục tráng giống mận tam hoa, Phục tráng vùng trâu giống Bảo Yên; Tăng vụ ở các huyện vùng cao; Mở rộng vùng cây ăn quả ôn đới và rau hoa cây cảnh ở các huyện Sa Pa, Bắc Hà; Cải tạo diện tích chè trung du, phát triển vùng chè chất lượng cao ở các huyện: Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát...
Đường bê tông vào các thôn bản
Tổng số vốn tỉnh Lào Cai đã đầu tư hỗ trợ cho phát triển SX nông nghiệp 3 năm qua là 605,365 tỷ đồng. Với một tỉnh miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn như Lào Cai, nguồn vốn đầu tư đó là rất lớn, giúp người dân phát triển SX để có nguồn thu nhập cao, ổn định.
Phát triển đường giao thông nông thôn không chỉ là nhu cầu thiết yếu của người dân trong việc vận chuyển nông sản thực phẩm, tiếp cận nhanh với thị trường mà còn tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn để xây dựng đời sống văn hoá mới.
Trong 3 năm qua Lào Cai đã đẩy mạnh việc phát triển giao thông nông thôn, tổng số đường giao thông nông thôn đến 30/8/2013 đã xây dựng được 563,38 km. Trong đó các huyện: Bảo Thắng làm được 126,08 km, Bảo Yên 113,37 km, Văn Bàn 74,63 km, Bát Xát 70,37 km...
Chưa một chương trình nào lại được người dân Lào Cai hưởng ứng mạnh mẽ như chương trình xây dựng đường giao thông nông thôn. Những con đường đất lầy lội và ngập ngụa phân gia súc về mùa mưa ở hầu khắp các thôn bản vùng cao đang dần xoá bỏ, thay vào đó là những con đường bê tông đang nối vào từng ngôi nhà. Bộ mặt nông thôn vùng cao trở nên sáng sủa hơn nhờ những con đường đó.
Ứng dụng các tiến bộ KHKT xây dựng NTM
Tỉnh Lào Cai chọn vệ sinh môi trường nông thôn là điểm chỉ đạo, đây là một trong những tiêu chí khó khăn nhất. Bởi, người nông thôn miền núi còn tồn tại rất nhiều phong tục tập quán lạc hậu như: Nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn hoặc cạnh nhà ở, phóng uế bừa bãi, sử dụng nguồn nước tự nhiên không hợp vệ sinh...
Sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được 16.327 nhà vệ sinh, chỉnh trang nâng cấp 16.549 chuồng trại chăn nuôi, đào 4.143 hố ủ phân hộ gia đình, 6.444 hố xử lý rác thải hộ gia đình, 156 hầm khí sinh học biogas, 44 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tính đến nay Lào Cai có 90.114 hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 83,38% số hộ, 72.166 hộ có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, đạt 66,78 số hộ...
Để đạt được những thành quả đó trong việc xây dựng NTM của Lào Cai, trong 3 năm qua ngoài sự hỗ trợ của Trung ương 70,431 tỷ, tỉnh Lào Cai đã trích ngân sách địa phương 219,758 tỷ. Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn thì việc đầu tư cho việc xây dựng NTM của Lào Cai như vậy là rất lớn. Điều đó chứng tỏ nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã dốc toàn bộ sức lực để xây dựng NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã