Mỗi người... mỗi cõi
Cục bảo vệ thực vật cho hay, muốn xuất khẩu trái cây sang những thị trường khó tính, doanh nghiệp phải đáp ứng được ba tiêu chuẩn chính, bao gồm: vùng trồng đạt tiêu chuẩn, được cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy chiếu xạ được cấp mã số đạt chuẩn.
"Để được cấp mã số, vùng trồng phải có diện tích tối thiểu 10 ha, phải định vị vùng trồng trên Google Maps, phải có danh sách hộ nông dân tham gia, diện tích, giống và phải có xác nhận chính quyền địa phương; các hộ dân phải ghi chép nhật ký để truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Vì vậy, muốn nâng cao giá trị, tăng lượng xuất khẩu chúng ta phải làm tốt công tác liên kết, đặc biệt giữa nhà vườn và doanh nghiệp", ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cho biết.
Theo các chuyên gia trong ngành, doanh nghiệp và nông dân là hai tác nhân chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết. Có nhiều năm lăn lộn với nhà vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu, cho hay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai việc liên kết với các hợp tác xã và nhà nông chuyên trồng cây ăn trái. Khó khăn mấu chốt và khó giải quyết trong ngày một ngày hai là vấn đề chia sẻ quyền lợi giữa doanh nghiệp với nhà nông. Nguyên nhân do cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung và vẫn "khư khư" quyền lợi bản thân nên rất khó đồng hành trong thời gian dài hoặc những lúc thị trường bất ổn.
Trái cây an toàn, có nguồn gốc... là những tiêu chuẩn đang được người tiêu dùng hướng đến. |
Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho rằng từ trước cho đến nay chúng ta vẫn thường dồn gánh nặng trên vai doanh nghiệp. Nhưng thực tế bản thân doanh nghiệp rất khó trong việc liên kết với nhà vườn và không thể ký kết với từng hộ nông dân riêng lẻ. Muốn ký kết và liên kết thành công, vai trò đầu nối trung gian rất quan trọng và đây là trọng tài sẽ góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh.
Trong khi đó, nội tại giữa các Bộ liên quan, đặc biệt là Bộ NN&PTNN và Bộ Công thương, sự liên kết vẫn hết sức lỏng lẻo. Tình trạng quản lý chồng chéo, mạnh ai nấy làm, không tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu thông tin về thị trường cho nhà vườn và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt thị trường quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu... vẫn đang diễn ra.
Phải vì lợi ích chung
Tại cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây với các ngành chức năng được tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nêu ý kiến muốn liên kết thành công, vấn đề cơ bản nhất hiện nay vẫn là phải nhanh chóng hình thành vùng sản xuất tập trung do đại diện hợp tác xã đủ năng lực đứng ra làm đại diện ký kết. Vùng sản xuất phải đầu tư nhà xưởng để thực hiện công tác phân loại, sơ chế khi sản phẩm được thu hoạch... Khi triển khai việc liên kết, trái cây thu hoạch xong phải được sơ chế ngay tại chỗ và giao lên nhà máy của doanh nghiệp xử lý công đoạn tiếp theo đảm bảo chất lượng.
Liên kết tạo ra vùng sản xuất trái cây lớn, đáp ứng những tiêu các xuất khẩu đang là vấn đề cấp bách hiện nay. |
Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết hiện TP Cần Thơ đang triển khai liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã để có sản lượng trái cây với số lượng lớn, an toàn và sản xuất theo cùng quy trình, hướng đến thị trường xuất khẩu. Hiện thành phố có hơn 17.120 ha và các ngành chức năng đang quan tâm triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho nông dân từ huy động các nguồn lực trong nước và tranh thủ các chương trình, dự án tài trợ quốc tế. Ngành nông nghiệp lồng ghép nhiều chương trình, dự án và kế hoạch sản xuất nông nghiệp, tăng cường công tác tập huấn, hỗ trợ nông dân về giống cây trồng và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nhà vườn tự tin hơn trong sản xuất.
"Xuất khẩu sang thị trường khó tính ngày càng tăng và ngay cả thị trường nội địa cũng ngày càng khắt khe đòi hỏi yêu cầu chất lượng càng cao và an toàn. Muốn như vậy sản phẩm phải ngon, an toàn và chúng ta phải sản xuất với số lượng lớn, truy xuất được nguồn gốc. Do đó cần có sự liên kết để được hỗ trợ thành những vùng trồng có sản lượng lớn, sản xuất theo cùng quy trình nhằm đáp ứng được yêu cầu", ông Dũng nói thêm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã