Xây dựng các mô hình khuyến nông hiệu quả
Ông Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, Đề án được kỳ vọng sẽ nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo, xây dựng nông thôn mới và tăng trưởng kinh tế địa phương; đồng thời giúp quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 4,2 - 4,6%/năm; gắn với chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, chăn nuôi, kinh tế dịch vụ nông nghiệp...
Mô hình nuôi ngan giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn sinh học của gia đình anh Đoàn Văn Thuần ở xóm 7, xã Giao Hải (Giao Thủy, Nam Định).
Theo Đề án, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đảm bảo tăng trưởng ổn định không chỉ ở các khía cạnh kinh tế - xã hội, mà cả yếu tố môi trường. Cụ thể, chú trọng, việc xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung và phát triển hệ thống trang trại, gia trại, khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường và sức khỏe.
Triển khai đề án, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Nam Định đã xây dựng nhiều mô hình khảo nghiệm, trình diễn trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản mang lại hiệu quả sản xuất, giúp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Gần đây nhất là mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản an toàn sinh học với phương thức nuôi công nghiệp theo chuỗi tại xã Hợp Hưng (huyện Vụ Bản). Mô hình có nhiều ưu điểm như đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, thị trường tiêu thụ bền vững do đó có nhiều khả năng phát triển. Chuồng trại nuôi thỏ được xây dựng tách biệt với khu dân cư, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Hộ nuôi tự trồng cỏ đảm bảo cung cấp thức ăn đầy đủ cho mô hình theo yêu cầu.
Gia đình anh Triệu Đình Hợi (thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản) là hộ đầu tiên được giao nuôi thí điểm để khảo nghiệm. Anh được các cán bộ khuyến nông và thú y hướng dẫn chăm sóc đàn thỏ đúng kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ vắcxin. Anh Hợi cho biết, một con thỏ mẹ đẻ được 42 thỏ con/năm, tỷ lệ nuôi sống đến ba tháng tuổi đạt 85% nên mỗi năm mô hình sẽ xuất bán khoảng 1.800 con thỏ. Công ty Nippon Zoki Nhật Bản tại Việt Nam là doanh nghiệp được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Nam Định giới thiệu bao tiêu đầu ra sẽ thu mua với giá 180.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí mô hình cho thu lãi mỗi năm xấp xỉ 50 triệu đồng/năm.
Chủ trương đổi mới, tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh cũng đã đến với nông dân, những người trực tiếp tham gia sản xuất, góp phần liên kết tạo nên chuỗi giá trị. Nhiều người đã chủ động tìm tòi, học hỏi để đưa về thử nghiệm những giống cây trồng, vật nuôi mới đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao.
Ở tổ dân phố Nam Hà (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh), anh Đỗ Ngọc Huy là một trong hai người đầu tiên của địa phương đưa vào trồng giống đào bạch. Nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày một tăng qua các năm, mặt hàng lại khan hiếm, giá trị cao; đồng thời biết được chủ trương của tỉnh khuyến khích chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả có trong quy hoạch sử dụng đất sang đất nông nghiệp khác, đầu năm 2015 anh đã chuyển phần đất lúa còn lại của gia đình sang trồng đào bạch và một số loại cây cảnh. Đến nay với 8 sào trồng đào và sanh, si, tùng la hán mỗi năm gia đình anh thu từ 200 - 300 triệu đồng.
Mở rộng liên kết và hợp tác
Từ đầu năm 2016, các cơ quan chuyên môn của hai tỉnh Nam Định và Miazaky (Nhật Bản) đã đề xuất và thống nhất một số nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Miyazaki đầu tư vào nông nghiệp Nam Định. Trong đó, trọng tâm ban đầu là hợp tác đào đạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao cho tỉnh Nam Định; phổ biến các kỹ thuật cơ bản về nâng cao năng suất, chất lượng một số nông sản chủ yếu để đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản và nghiên cứu một số loại cây trồng để phát triển thành các vùng chuyên canh có chất lượng cao.
Thực hiện thỏa thuận hợp tác, hai bên đã phối hợp xây dựng các mô hình kinh tế tại xã Yên Cường (huyện Ý Yên), đồng thời hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng ở một số địa phương khác của Nam Định; thuê đất để liên kết trồng rau và khoai sọ tại xã Nam Thắng (huyện Nam Trực), xã Xuân Ninh (huyện Xuân Trường), xã Nghĩa Phong và Nông trường Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng).
Nam Định cũng tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Trong 2 năm gần đây, Nam Định đã mở rộng môi trường đầu tư cho nhiều doanh nghiệp, hỗ trợ Tập đoàn Syngenta xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển giống lúa lai; Công ty Phúc Hải, Công ty Ngũ Hải đầu tư phát triển chăn nuôi; Công ty cổ phần thương mại Biển Đông đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn; Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hòa Phát đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Bài và ảnh: Hiền Hạnh
theo Tin Tức TTX
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã