Tạo liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp (DN), tìm đầu ra cho nông sản là những nội dung được phân tích tại diễn đàn “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (thuộc Vingroup) tổ chức sáng 14-12 tại Hà Nội.
Tạo diện mạo mới
Tại diễn đàn, thắc mắc của bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khiến không ít người chạnh lòng: “Tôi sang Singapore, thấy họ bán đầy xoài, dứa, thanh long… nhưng nguồn gốc đều từ Thái Lan. Vậy tại sao nông sản Việt Nam chưa vào được?”.
Dẫn việc nhiều người tiêu dùng quay lưng với nông sản trong nước do không an toàn, bà Ánh cho rằng có một bộ phận nông dân sản xuất không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng xấu tới cả nền nông nghiệp. Theo bà, nguyên nhân là do hạn chế trong quản lý đầu vào, nông dân chưa nắm được thông tin về xu hướng tiêu dùng mới. Do vậy, toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc để hướng đến sản xuất nông sản an toàn.
“Hỗ trợ của DN sẽ là cơ sở giúp nông dân sản xuất an toàn và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ liên kết sản xuất, có sự tham gia, kiểm soát của DN theo tiêu chuẩn an toàn mới mang lại diện mạo mới cho nông sản Việt” - bà Ánh nhìn nhận.
GS Trần Đức Viên, nguyên Hiệu trưởng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, những tồn tại cố hữu đang cản trở ngành nông nghiệp cất cánh vẫn chưa được giải quyết, như: sản xuất manh mún, vòng xoáy “trồng - chặt” xuất hiện thường xuyên ở nhiều loại cây trồng, giá nông sản xuất khẩu thấp do chất lượng không cao.
“Nông nghiệp đang thừa đầu vào nhưng thiếu đầu ra bởi mối liên kết giữa DN và nông dân hết sức lỏng lẻo. Ở Hòa Bình, 90% nông dân cho rằng liên kết này mờ nhạt, 70% chưa biết tới liên kết, đặc biệt là chưa có liên kết vùng” - ông Viên dẫn chứng.
Trước những tồn tại của nền sản xuất, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao hoạt động đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian gần đây của những DN lớn, trong đó có Vingroup. Những DN lớn tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao là kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp.
Nông dân hưởng lợi
Trước đó, ngày 1-9, Vingroup - thông qua VinEco - đã khởi động chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” với mục tiêu liên kết 1.000 HTX và hộ sản xuất để cung ứng nông sản sạch, an toàn cho thị trường. Đến nay, đã có 250 HTX và hộ sản xuất trồng rau, nấm, trái cây… ký hợp tác với VinEco.
Bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng Giám đốc VinEco, cho biết mục tiêu lớn nhất của chương trình là nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng; tiếp đó là hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất, từng bước xây dựng những thương hiệu nông sản Việt có tầm quốc tế.
Đối với các hộ sản xuất đủ điều kiện, VinEco sẽ hỗ trợ tài chính tối đa 300 triệu đồng/hộ để giúp trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị, giống, vốn. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng và an toàn cho nông sản, VinEco dự kiến dành 50 tỉ đồng xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng.
Theo bà Hằng, nông dân đa phần sở hữu những mảnh ruộng nhỏ nên việc cung cấp nông sản ra thị trường liên tục, bảo đảm an toàn là rất khó. Ý thức của họ về sản phẩm sạch cũng hạn chế. Do đó, VinEco sẽ kết nối, giúp đưa sản phẩm của nông dân ra thị trường. “Vingroup có hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ nên nông dân có thể yên tâm đầu ra. Về kiểm soát chất lượng, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Từ đầu tháng 12-2016, VinEco đã đưa những nông sản đầu tiên liên kết với nông dân vào tiêu thụ trong hệ thống Vinmart, Vinmart+” - bà Hằng cho biết.
Ông Dương Khắc Hoàng - một nông dân trong tổ hợp tác ấp Hòa Lợi, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long - bộc bạch tổ hợp tác có 44 nông dân canh tác 200 ha nhãn. Theo hợp đồng ký kết, nhãn của nông dân sẽ được VinEco bao tiêu với giá cao hơn thị trường nhưng phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của DN này. “Lúc đầu, nhiều người chưa tin, vả lại quy trình canh tác rất nghiêm ngặt nên không tham gia tổ hợp tác, nay thấy có lợi nên xin vô” - ông Hoàng tâm sự.
Ông Tống Văn Phong, tổ trưởng tổ hợp tác quýt đường (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), thừa nhận từ trước tới nay, nông dân luôn chịu thiệt, khi được mùa thì bị tư thương ép giá, khi được giá thì mất mùa. Do vậy, nông dân rất muốn được liên kết với DN trong tiêu thụ sản phẩm.
Theo Văn Duẫn/nld.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã