Xung quanh đề xuất này, phóng viên Dân Việt đã trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Dũng.
Thưa ông, dựa trên cơ sở nào ông lại đề xuất Nhà nước cần có gói 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nông nghiệp?
- Về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tôi cho rằng đây là một trong những bước ngoặt lớn của lịch sử kinh tế Việt Nam nói riêng và khối TPP nói chung. Riêng với ngành nông nghiệp nước ta, bởi xuất phát điểm nói chung, hay trình độ, năng lực của nông dân (ND) nói riêng thuộc những nước thấp nhất trong khối 12 nước TPP. Do đó, khả năng cạnh tranh của Việt Nam ở mức thấp.
Mặc dù trong 8 năm sau khi gia nhập Tổ thức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta đã có bài học nhất định làm thay đổi tư duy của ND về một nền kinh tế thị trường, tuy nhiên những thay đổi đó vẫn chậm và còn ở mức sơ khai. ND vẫn chưa được thụ hưởng những lợi ích đáng có như các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển trong khối WTO.
Chẳng hạn như sản phẩm gạo và cà phê - 2 mặt hàng chủ lực của nông sản Việt Nam, xét về mặt số lượng không thua kém nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên về mặt chất lượng thì vẫn còn ở dạng thô sơ, chưa đạt được các tiêu chuẩn cao cấp, đi vào phân khúc thị trường của các châu lục khác để nhận những khoản lợi nhuận cao mà lẽ ra các nhà sản xuất Việt Nam được hưởng thụ.
Chính vì thế, tôi cho rằng Nhà nước cần phải nhanh chóng tái cấu trúc và đầu tư thích đáng cho ngành nông nghiệp. Cụ thể là ND - chủ thể sản xuất chính của nền nông nghiệp, để có được một vị thế vững vàng hơn bước vào “cuộc chơi” với các nước trong TPP. Từ đó, nền nông nghiệp nước nhà và những người ND chân chính mới có thể hưởng thụ đầy đủ các lợi ích mà TPP mang lại.
Như ông nói, trong 12 nước tham gia TPP, nước ta có nền nông nghiệp thấp nhất và cần cấp bách phải tái cấu trúc lại, điều này cũng đã được nêu ra trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 5 giải pháp cần thực hiện. Vậy theo ông chúng ta nên có những giải pháp cụ thể nào để tái cấu trúc nông nghiệp?
- Trong 12 nước tham gia TPP thì Việt Nam và Malaysia là 2 quốc gia được đánh giá là có tiềm năng và cơ hội hưởng thụ nhiều nhất từ TPP. Tại “sân chơi” lớn này, ND sẽ được hưởng thụ các giá trị bền vững mới như tổng sản lượng xuất khẩu tăng lên, năng lực cạnh tranh, thu nhập và chất lượng sống được tăng lên, vị thế của ND Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nâng lên... Tuy nhiên những giá trị này chỉ là hiện thực khi những vấn đề sau đây được chuẩn bị và đầu tư kỹ càng:
Thứ nhất, vấn đề cung - cầu trong kinh tế thị trường được hiểu theo nghĩa cần phải có sự phát triển tự nhiên và bền vững. Điều này yêu cầu ND phải chọn lựa những sản phẩm cốt lõi trong danh mục đầu tư sản xuất của mình mà thị trường quốc tế cần, theo các phân khúc phù hợp. Theo tôi các sản phẩm như gạo, cà phê và cá da trơn là 3 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, nếu được đầu tư đúng sẽ dư sức cạnh tranh với các sản phẩm khác trong khối TPP.
"Muốn cho nguồn vốn này (100.000 tỷ đồng) thật sự khả thi, cần phải nghiêm túc nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của các gói nhà nước đã hỗ trợ trước đây như gói 30.000 tỷ đồng cho ngành bất động sản trên tất cả các khía cạnh: Nguồn vốn, đối tượng hưởng thụ, phương thức xét duyệt và cấp vốn, vấn đề giám sát kiểm tra...”. |
Thứ hai, ND phải có nhận thức mới về cạnh tranh lành mạnh. Điều này đòi hỏi ND phải đảm bảo có sự hiểu đúng và đầu tư thích đáng để đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, về hàng rào kỹ thuật và minh bạch về giá. Cạnh tranh lành mạnh còn có nghĩa là không dùng những chiêu trò lừa đối, khôn vặt, thông tin mù mờ, hay “đi đêm”, mà ND phải nâng cao trình độ kiến thức về luật lệ, các quy định, tiêu chuẩn và quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước để đáp ứng cho đúng. Đặc biệt ND phải chú ý tôn trọng cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong TPP.
Thứ ba, để tăng thêm giá trị và vị thế cạnh tranh, hơn lúc nào hết, ND cần phải chú ý đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm của mình. Trong đó đặc biệt là vấn đề về chất lượng phải theo các chuẩn mực và thị hiếu của khách hàng các nước trong khối. Muốn làm được điều đó, ND phải tái cấu trúc hệ thống sản xuất và tiêu thụ của mình, làm cho khách hàng không những được hưởng thụ giá trị sử dụng của sản phẩm mà còn được hưởng các giá trị khác như thương hiệu, đẳng cấp, uy tín… của nhà sản xuất.
Cuối cùng, ND cần phải có sự hỗ trợ thiết thực của toàn xã hội. Trong đó xã hội nên có sự đồng cảm và chia sẻ trong toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản bằng cách hợp tác, liên kết, sử dụng sản phẩm của ND Việt Nam. Đặc biệt, hơn lúc nào hết, đã đến lúc, Nhà nước nên dành hẳn một gói hỗ trợ tài chính khoảng 100.000 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp để góp phần giải phóng ND thoát khỏi tình trạng bế tắc trong giai đoạn này, cũng như chuẩn bị cho họ có được vị thế vững vàng bước vào TPP. Khi đó ND mới thật sự hưởng lợi được từ những lợi ích mà hiệp định này mang lại, từ đó thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển .
Nếu có gói 100.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ cần hỗ trợ như thế nào và hỗ trợ ra sao để vừa bớt khó khăn cho ND, nhưng cũng vừa không vi phạm các cam kết đối với các hiệp định thương mại nói chung, TPP nói riêng về xóa bỏ trợ cấp trong sản xuất nông nghiệp?
- Nếu có gói hỗ trợ này, tôi cho rằng có thể chia ra thành hai phần, trong đó 50% dành cho đầu tư hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ; 50% còn lại cho vốn luân chuyển và truyền thông, quảng bá cho nông nghiệp.
Hoặc cũng có thể chia gói này ra ưu tiên đầu tư cho các đối tượng sau: Thứ nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp chủ chốt trong chuỗi cung ứng, từ khâu nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Thứ hai là các tổ chức đào tạo ND để thay đổi tư duy, trang bị các kiến thức mới và kỹ năng hiện đại cho ND trong thời kỳ chuẩn bị cho TPP và các hiệp ước quốc tế khác.
Và thứ ba là dành nguồn vốn đầu tư nâng cao năng lực quản lý nông nghiệp và bảo vệ chu trình sản xuất và tiêu thụ cho ND nói riêng, cũng như những người làm ăn chân chính trong ngành nông nghiệp nói chung.
Xin cảm ơn ông!
TS Nguyễn Đình Bích- chuyên gia ngành lúa gạo: Tăng cường liên kết ngang giữa các hộ ND Chúng ta đang có hàng triệu hộ ND trồng lúa, nhưng với quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ có khoảng 1ha. Chính vì thế không thể không có những doanh nghiệp liên kết ND lại sản xuất lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình cánh đồng lớn đang được triển khai ở ĐBSCL. Tuy nhiên mô hình này gặp nhiều khó khăn, vì để sản xuất lớn đòi hỏi hàng ngàn hộ ND liên kết lại với nhau, dẫn đến chi phí để doanh nghiệp quản lý, vận hành rất tốn kém mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn tài lực để làm. Tôi cho rằng giải pháp là cần phải tăng cường sự liên kết ngang giữa các hộ ND với nhau, lập nên các HTX. Thay vì doanh nghiệp phải làm việc với từng hộ ND, nay làm việc với HTX, mà chỉ cần mỗi HTX có khoảng 100 thành viên thì sự liên kết dọc với doanh nghiệp trong cánh đồng lớn sẽ dễ dàng và giảm chi phí, công quản lý hơn 100 lần. Song Anh (ghi) |
Ngọc Minh (thực hiện)
Ngày 4/11/2015 - Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã