L.T.S: Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tại khắp các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam, đã hình thành rất nhiều vùng căn cứ địa cách mạng. Sau hơn 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều vùng, khu căn cứ cách mạng đã thay da đổi thịt. Tuy không phát triển bằng những đô thị bởi những yếu tố khách quan về địa lý, kinh tế… nhưng nhìn chung cuộc sống của người dân ở những vùng này đã phát triển nhiều mặt- kinh tế, giáo dục, y tế, đời sống vật chất ngày được nâng cao. Vùng đất thép Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), vùng căn cứ cách mạng Lộc Ninh (Bình Phước)... là những điểm sáng như thế.
Hết tàn tích chiến tranh
Cách trung tâm thành phố 70km về phía Tây Bắc, Củ Chi là huyện ngoại thành lớn nhất TP.HCM. Nếu như sau năm 1975, Củ Chi “ôm” hàng trăm ngàn tấn bom đạn, hàng chục ngàn ha đất hoang hóa thì giờ đây Củ Chi đã hình thành 3 trung tâm công nghiệp tập trung: Tây Bắc Củ Chi, Tân Quy và Tân Phú Trung với tổng diện tích 1.260ha, giải quyết việc làm cho cả trăm ngàn lao động. Các cụm công nghiệp này không chỉ tạo ra “cú hích” thay đổi căn bản về kinh tế địa phương mà còn làm thay đổi cách nghĩ cách làm, vốn đã ăn sâu bám rễ bao thế hệ người dân nơi đây.
Nghề nuôi bò sữa cũng được xem là chủ lực trong nông nghiệp của huyện ở thời điểm hiện tại với 65.000 con bò sữa cho sản lượng 550 tấn sữa/ngày. Từ vật nuôi này, đã giải quyết cho hàng ngàn hộ dân nơi đây đổi đời, vươn lên khá giả.
Thay đổi diện mạo
Không những thế, theo ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM, thế mạnh của Củ Chi còn là phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái. Nông dân Củ Chi đã biết quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, xen canh để phục vụ du lịch như vùng trồng cây ăn trái xã Trung An, các khu chuyên canh trồng rau an toàn, nuôi cá sấu, nuôi bò sữa… Cũng cần phải nói thêm, việc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao đặt tại xã Phạm Văn Cội với 88ha chuyên nghiên cứu và sản xuất các loại cây con có giá trị kinh tế là một lợi thế cho sự phát triển nông nghiệp của Củ Chi. Trong tương lai, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm Công nghệ sinh học với quy mô 500ha, Nhà máy sữa Củ Chi với công suất 40.000tấn sữa/năm. Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Minh Tấn cho biết thời gian trước cuộc sống nhân dân Củ Chi thiếu thốn trăm bề, nhưng bằng tất cả tinh thần trách nhiệm với làng quê của mình người dân Củ Chi đã cật lực lao động để vượt qua khó khăn, đói nghèo và làm thay đổi diên mạo nông thôn rất nhiều.
Bà Trần Lê Thanh Huyền – Chủ vườn lan Huyền Thoại (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) thổ lộ, đã qua rồi những ngày nông dân “đất thép” phải sống kham khổ, thay vào đó, hiện người dân Củ Chi đã có điều kiện để tận hưởng những điều sống tốt hơn.
Trần Đáng
Theo danviet.vn