Bước chuyển mình ngoạn mục
Thành công đáng được thế giới ngưỡng mộ đầu tiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL là khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX). Thập niên 80 của thế kỷ trước, nước ta chìm trong khó khăn về lương thực.
Trước tình hình đó, cuối năm 1980, ông Võ Văn Kiệt, lúc ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tổ chức cuộc họp với lãnh đạo 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp để bàn về biện pháp khai thác hiệu quả vùng đất này. Trước nhiều ý kiến khác nhau, ông kết luận: “Chúng ta phải làm, nếu có mất chỉ mất một phần của 3 tỉnh, nếu thành công có lợi cho cả nước”.
ĐBSCL sẽ là một trong những điều kiện góp phần đẩy mạnh, hoàn thiện xây dựng nông thôn mới, vì nó không dẫn đến tích tụ đất đai, không ép người nông dân phải rời khỏi mảnh ruộng nhà mình để trở thành người làm thuê, cấy mướn. Sẽ có nhiều nông dân nhỏ trên cánh đồng lớn được bình đẳng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho quy trình sản xuất; được biết rõ lợi nhuận từ mảnh ruộng nhà mình sau mỗi vụ gieo trồng. TS. Bùi Bá Bổng |
ĐTM là vùng đất ngập nước, diện tích gần 700.000ha. Vùng đất này chịu cảnh hoang hóa, đất đai bị ngập nước mỗi năm 3-4 tháng. Thời Pháp, rồi thời Mỹ, đã có nhiều nỗ lực khai phá ĐTM nhưng đều thất bại. Các nhà khoa học trên thế giới từng tính rằng phải đầu tư vào mỗi ha ruộng ở ĐTM 1 triệu USD mới có thể trồng lúa được.
Thế nhưng, từ quyết sách trên, chỉ với lao động thủ công là chính, cùng với kinh nghiệm thực tiễn, hàng triệu người dân đã đẩy mạnh khai hoang ĐTM. Hàng ngàn cây số kênh mương đã được đào để thoát nước, xả phèn. Vất vả, kể cả thất bại, người dân nơi đây đã biến ĐTM thành vựa lúa cả nước.
Tương tự, quá trình khai phá vùng TGLX với những công trình thủy lợi, những giải pháp kỹ thuật trị phèn, đã đẩy những con nước đỏ ngầu ra khỏi những cánh đồng. Sản lượng lúa liên tục tăng, cho lợi nhuận cả chục triệu đồng mỗi công đất. Từ một vùng đất phèn hoang hóa, TGLX nay là vùng trọng điểm sản xuất lúa của ĐBSCL, sau ĐTM.
Đến thời điểm hiện tại, sản xuất lúa gạo nước ta đã đổi thay rất nhiều, sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới. Đặc biệt năm 2011 Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, thu về 3,65 tỷ USD (cao nhất từ trước tới nay).
Tuy nhiên, gạo xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là gạo tẻ thường, trong một vài năm gần đây đã bắt đầu chú ý sản xuất và xuất khẩu gạo phẩm cấp cao và gạo đặc sản nhưng số lượng chưa nhiều. Về giá cả, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan 10-20USD/tấn. Những lợi thế về chi phí lao động thấp đang dần mất đi trong quá trình tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
“Tất nhiên rất phấn khởi, song mới là bước đầu về số lượng. Cái ta cần phấn đấu là phải gia tăng về giá trị, chất lượng” - GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trăn trở. Vấn đề nữa, dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhưng chưa có thương hiệu, nhãn hiệu gạo nổi tiếng hoặc đặc trưng, trong khi các thương hiệu gạo Hương nhài - Jasmine”, Basmati đã gắn liền với Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan trên thị trường thế giới. Do vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam với chất lượng tốt để củng cố và giữ vững vị thế trên thị trường thế giới.
Lối ra từ cánh đồng lớn
Cái khó hiện nay trong sản xuất lúa gạo nước ta là nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với nhiều loại giống lúa khác nhau; cảnh trúng mùa, rớt giá thường xuyên diễn ra. Ngành nông nghiệp đã thấy được những bất cập này và đã triển khai, đưa ra giải pháp “Nông hộ nhỏ cánh đồng lớn”, còn gọi là mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML), trên cơ sở huy động sự liên kết, hợp tác của các nông hộ với nhau và với doanh nghiệp.
TS. Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết tham gia mô hình này, nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải, 5 giảm, hoặc tiêu chuẩn VietGap, Global Gap; áp dụng cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch, giá thành và các chi phí trung gian; được bao tiêu sản phẩm (hoặc gởi lưu kho chờ giá). Ngược lại doanh nghiệp có được sản lượng lúa lớn, chất lượng cao, đồng bộ, thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu, chủ động nguồn hàng xuất khẩu, bán giá cao.
Thời điểm đáng nhớ nhất là vụ đông - xuân 2011, lần đầu tiên chuỗi sản xuất lúa gạo theo mô hình CĐML được hình thành ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang gầy dựng. Theo đó, tham gia CĐML 1.100ha, 448 hộ nông dân đã được tư vấn kỹ thuật trồng lúa, thu hoạch, phơi phóng, đặc biệt là ghi chép quy trình sản xuất và chi phí vào sổ theo tiêu chuẩn VietGap.
Tất cả chi phí đầu vào, từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nông dân được mua với giá gốc, được mượn kho trữ gạo 1 tháng không trả phí và thanh toán không tính lãi sau khi bán lúa. Nhờ vậy, chi phí sản xuất 1kg lúa ở CĐML nơi đây thấp hơn 1.000 đồng so với những nơi khác.
Sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới. |
Sau thành công này, CĐML được chính thức phát động và nhận được sự tham gia tích cực của hầu hết tỉnh, thành ĐBSCL. Khẳng định những mặt được của mô hình, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nói: “Trước nay trong sản xuất nông nghiệp thường mạnh ai nấy làm. Theo đó, doanh nghiệp chỉ biết bán hàng, thu tiền; nhà khoa học khuyến cáo chung chung; nhà quản lý ngại “ôm rơm nặng bụng”; ngành vật tư nông nghiệp bị xé lẻ, qua nhiều cấp, nhiều khâu trung gian phân phối, làm đội giá thành khi tới tay nông dân; nhà nông cứ làm theo kinh nghiệm cổ truyền… Sự manh mún, nhỏ lẻ này đã làm giảm tính hàng hóa trong cung ứng lúa gạo, giảm khả năng xử lý những rủi ro đổ vỡ do thiên tai, dịch bệnh. Mô hình CĐML sẽ hạn chế các khuyết tật trên”.
Để mô hình phát triển một cách vững chắc, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thu mua lúa.
Theo dự báo, đến năm 2020, nước ta sẽ còn 9,5 triệu nông dân, giảm gần một nửa. Vì vậy, CĐML hiện là bước đi tiên phong của ngành nông nghiệp ĐBSCL, tạo ra bước chuyển quan trọng trong sản xuất lúa gạo. Điều này không những giải quyết cơ bản bài toán đầu ra cho hạt lúa, mà còn là chia sẻ lợi nhuận công bằng hơn giữa các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo ở nước ta, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện.