Thu nhập tăng cao
Theo ông Đào Trọng Tuấn, xã Thiện Kế (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) vốn là một xã thuần nông. Trong xu hướng phát triển công nghiệp của huyện, được coi là địa bàn trọng điểm, đất canh tác của xã bị thu hẹp dần. Một trong những khó khăn là địa phương nằm trong các dự án lớn, nguồn thu ngân sách tại địa phương thấp nhưng kinh phí đầu tư cho chương trình NTM rất lớn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng... “Việc đầu tiên là sử dụng nguồn tiền từ đâu. Một là tranh thủ vốn của Chính phủ, vốn của tỉnh, hai là địa phương cũng phải tìm nguồn quy hoạch, đấu giá đất để lấy kinh phí và kêu gọi nhân dân đóng góp”, ông Tuấn nói. Theo lời ông Tuấn, nhân dân trong xã đều tự nguyện, đồng tình ủng hộ, có người hiến đất làm mương máng nội đồng.
Ngoài đầu tư về văn hóa như nhà văn hóa thôn, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, lãnh đạo xã Thiện Kế chú trọng đầu tư vào sản xuất, định hướng về khoa học kỹ thuật cho nhân dân như chăn nuôi gà đẻ trứng, nuôi lợn. “Chúng tôi cũng đưa vào những giống cây trồng kinh tế cao, năng suất cao để hỗ trợ chăn nuôi”, ông Tuấn nói.
Theo lời chỉ dẫn của lãnh đạo xã Thiện Kế, chúng tôi đến thăm mô hình trang trại của ông Nguyễn Chí Hiệp, thôn Tam Hà. Là bộ đội xuất ngũ, vừa làm trưởng thôn vừa là điển hình chăn nuôi công nghiệp tại thôn. Hiện tại, thôn có khoảng 53 hộ nuôi gà đẻ trứng, trung bình mỗi nhà có khoảng 2.000 con, ông Hiệp có lượng gà đẻ trứng và gà thương phẩm khoảng 17.000 con, mỗi ngày thu tới hơn 1 vạn quả trứng. Hoạt động chăn nuôi bài bản, kết hợp đệm lót sinh học tiên tiến giúp môi trường xung quanh được đảm bảo. Cũng tại thôn Tam Hà, bà Nguyễn Thị Trinh, hộ nuôi gà đẻ cho biết, nhà có hơn 2.000 con gà đẻ, nhưng việc chăm sóc, nuôi gà rất đơn giản. Toàn bộ trứng thành phẩm đều được thu mua tận cửa nhà. “Phân, trấu, trứng... đều được mang đến, chở đi từ tận cửa nhà, rất thuận lợi”, bà Trinh nói.
Bên cạnh nuôi gà đẻ trứng, xã Thiện Kế đang phát triển chăn nuôi lợn với những đàn quy mô lớn. Như gia đình ông Nguyễn Văn Quảng, với chuồng trại diện tích gần 500m2 theo hướng bán công nghiệp. Với 2 dãy chuồng riêng biệt, một bên nuôi lợn nái sinh sản, một bên nuôi lợn thịt. Các khu chuồng được thiết kế thoáng, sạch sẽ, chia thành từng ô để thuận tiện chăm sóc, vệ sinh. Ông Quảng cũng đầu tư xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý nguồn chất thải chăn nuôi, vừa hợp vệ sinh vừa tạo chất đốt phục vụ sinh hoạt. Trung bình mỗi lứa ông nuôi gần 30 nái lợn và khoảng 150 lợn thịt. Mỗi năm, gia đình ông Quảng thu lãi trên 300 triệu đồng từ nuôi lợn và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Mục tiêu trở thành tỉnh NTM năm 2017
Thiện Kế chỉ là một trong những xã đạt chuẩn NTM của huyện Bình Xuyên. Theo ông Nguyễn Huy Hải, Phó trưởng Phòng NN&PTNT (huyện Bình Xuyên) cho biết, đặc thù huyện Bình Xuyên nằm kẹt giữa hai đô thị, dày đặc các khu công nghiệp (KCN), không có lợi thế về phát triển nông nghiệp (có núi, có đồi, đất canh tác ít dần do các KCN). Để phát huy hiệu quả đất nông nghiệp, tiết kiệm diện tích đất, huyện xác định giảm dần diện tích lúa, chỉ để đảm bảo đủ lương thực. Nhiều xã đã chuyển dịch từ đất lúa sang những dạng cây trồng cây, hoa màu năng suất cao và tập trung phát triển chăn nuôi thành công như xã Phú Xuân, Thiện Kế, Đạo Đức...
Theo báo cáo, trên 93% tuyến đường giao thông nông thôn của huyện đã được bê tông hóa; hệ thống thủy lợi, kênh mương tưới tiêu được đầu tư nâng cấp, cải tạo kiên cố hóa; 100% các xã đã có hố tập kết rác thải; 100% số thôn đã có tổ vệ sinh môi trường; 93,6% số hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Văn hóa, xã hội của địa phương có nhiều tiến bộ, 9/10 xã có đủ 3 cấp trường đạt chuẩn quốc gia; 99/107 thôn, làng văn hóa, 8/10 xã của huyện có thiết chế văn hóa thôn đạt chuẩn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trong huyện đạt trên 76%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 33,9 triệu đồng/người/năm.
Để hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh NTM vào năm 2017, có 94/112 xã (tỷ lệ 83/9%) đạt chuẩn, từ nay đến cuối năm 2016, thị xã Phúc Yên và 5/7 huyện cần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Nguồn: tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã