Đó là những ý kiến đúc kết từ hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban kinh tế của Quốc Hội, Hội Nông dân Việt Nam vừa tổ chức tại TP.Cần Thơ.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu ý kiến tại Hội thảo |
Sức mạnh của liên kết
Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TW) ra đời và đi vào cuộc sống đã được 5 năm.
Tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm 70% dân số và gần 50% lực lượng lao động của cả nước đang dần được minh chứng.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là, phải “xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài…”.
Một trong những giải pháp mà Nghị quyết đề ra để đạt được mục tiêu là phải tiếp tục tổng kết, đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hoá lớn.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 5 năm đầu thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp tiếp tục thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm tương đối cao, bình quân toàn ngành là 5,4% về giá trị sản xuất và 3,7% về giá trị gia tăng (GDP). Sản lượng lúa tăng từ 39,0 triệu tấn năm 2006 lên 43,7 triệu tấn năm 2012.
Việt Nam duy trì vị trí là cường quốc về xuất khẩu nông sản, như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều và thuỷ sản với giá trị xuất khẩu đạt mức cao nhất 27,5 tỷ USD vào năm 2012. Sản xuất ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức.
Tuy sản xuất nông hộ nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hệ thống sản xuất quy mô vừa và lớn đang hình thành, đặc biệt trong chăn nuôi, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm.
Tổng số trang trại đăng ký năm 2010 đã tăng 2,5 lần so với năm 2000. Xu thế đa dạng hóa tổ chức sản xuất cũng phát triển, song song với hình thức truyền thống như hợp tác xã, tổ hợp tác, các nhóm kinh tế phi chính thức, dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ đã trở nên phổ biến hơn.
Những năm gần đây hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản đang phát triển, gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến và thương mại.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra tại phường Thới An, TP.Cần Thơ cho biết những ngày đầu mới thành lập HTX có doanh thu chưa đầy 2 tỷ/năm nhưng nay tổng doanh thu trên 300 tỷ đồng, tài sản của thành viên HTX tăng gắp hàng chục lần so với ngày đầu thành lập. HTX đã mở rộng diện tích nuôi sang các địa phương khác,diện tích ao nuôi tăng hàng 100 lần.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An cho biết, qua 6 vụ liên kết cùng nông dân trong sản xuất chế biến xuất khẩu lúa gạo, công ty đã xây dựng được thương hiệu lúa thơm Trung An xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa với giá cao nhất hiện nay.
Sở dĩ, sản phẩm của công ty bán được giá cao là vì gạo thuần một giống với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn. Về phía nông dân cũng thu lợi nhuận cao hơn 10-20 triệu đồng/ha so với những hộ sản xuất không liên kết với công ty.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nền nông nghiệp Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Chất lượng nông sản thấp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường quốc tế. Sản xuất manh mún, năng suất thấp, công nghiệp chế biến chậm phát triển nên tình trạng xuất khẩu nông sản thô, giá trị gia tăng thấp vẫn là chủ yếu.
Có một nghịch lí là trong lúc ngành nông nghiệp rất cần vốn để đầu tư cho sản xuất thì tình hình đầu tư vào nông nghiệp lại rất hạn chế. Vốn đầu tư FDI vào khu vực này hiện chỉ chiếm 1% đến 2% so với con số 7% đến 10% cách đây mười năm.
Nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn là do sản xuất nông nghiệp rủi ro cao (bao gồm rủi ro về thiên tai, rủi ro về thị trường và cả những rủi ro về chính sách), hạ tầng cơ sở sản xuất yếu kém, xuống cấp, giá lao động tăng cao, chất lượng lao động trong khu vực nông nghiệp thấp và đặc biệt, chi phí giao dịch lớn do thiếu các thể chế, tổ chức đại diện cho người nông dân.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân - người rất am hiểu về sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, để giải bài toán nông dân "làm nhiều, lỗ nhiều" như thời gian qua, cần thiết phải cơ cấu lại ngành sản xuất bằng cách xây dựng nông thôn mới.
Để có nông thôn mới, trước tiên là cơ sở hạ tầng nông thôn phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại, người nông dân phải được đào tạo bài bản. Sản xuất phải bắt đầu từ nghiên cứu thị trường, khi xác định được sản phẩm, mức lợi nhuận rồi mới bắt tay nghiên cứu sản xuất và liên kết tiêu thụ chế biến, xuất khẩu xây dựng thương hiệu…
TS. Nguyễn Văn Sánh, Viện nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long cho rằng, việc “phân vai” trong liên kết cũng rất quan trọng,.
"Nhà nước phải đảm nhận các khâu: quy họach, bảo vệ môi trường, ban hành cơ chế chính sách thuận lợi. Nhà khoa học phải thực hiện nghiên cứu kỹ thuật sản xuất, lai tạo giống mới chất lượng, chuyển giao khoa học cho nông dân và phản biện chính sách. Bản thân nông dân phải năng động nhạy bén nắm bắt khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường chủ động liên kết với nhau để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn chất lượng tốt", TS. Sánh nói.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh, mô hình liên kết trong sản xuất là hướng đi tất yếu và yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương kiểm điểm lại mô hình liên kết 4 nhà qua thực tiển đã thực hiện, qua đó, xác định trách nhiệm của từng nhà để kiến nghị Chính phủ thể chế hóa.
Mô hình liên kết sản xuất đầu tiên phải xác định được đầu ra của sản phẩm. Việc nghiên cứu, xác định đúng đắn về mặt thị trường sẽ giúp định hướng sản xuất đúng và quy sản xuất họach đúng.
Phú Khởi
Nguồn baodautu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã