Thành quả lớn nhất trong thực hiện Nghị quyết "Tam nông" ở Trà Vinh là xây dựng được “nền móng” hiện đại cho nền sản xuất nông nghiệp, giảm hộ nghèo nhanh, kiến thiết cơ sở hạ tầng nông thôn vững chắc cho yêu cầu phát triển.
Từ khi tái lập tỉnh (1992), qua các kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh, Trà Vinh vẫn luôn xác định nông nghiệp là nền kinh tế chủ lực. Bởi, xuất phát từ sự thuận lợi về điều kiện địa lý ven biển, tiềm năng đất đai rất đồi dào ở cả 2 vùng ngọt và lợ để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, qua một thời gian dài, nền nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa bứt phá khỏi tình trạng của một nền sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu. Đồng thời, không gắn kết được công nghiệp chế biến để tạo ra hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng, mẫu mã và thương hiệu thu hút được thị trường.
Nguyên nhân làm cho Trà Vinh chậm vươn tới nền nông nghiệp hiện đại là do thiếu sự định hướng rõ nét, không đồng bộ về giải pháp từ qui hoạch, kiến thiết hạ tầng kỹ thuật, thiếu sự quyết liệt trong công tác vận động, hỗ trợ nông dân xóa bỏ phương thức sản xuất “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; dám nghĩ, dám làm những mô hình sản xuất mới để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, tăng thu nhập...
Trong bối cảnh đó, năm 2008, quán triệt Nghị quyết 26 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 7 (khóa X), Đảng bộ Trà Vinh bắt tay vào thực hiện chương trình phát triển “Tam nông”, với chương trình, kế hoạch cụ thể, cùng với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, 4 mục tiêu lớn được Đảng bộ tỉnh tỉnh đề ra và tập trung mọi nguồn lực thực hiện là: đầu tư về hạ tầng kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, xóa bỏ triệt để thói quen phương thức sản xuất lạc hậu; đa dạng hóa cây trồng, vật vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất công nghiệp chế biến.
Để thực hiện những mục tiêu này, Trà Vinh tập trung nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật về hệ thống kênh mương thủy lợi với hàng trăm cống ngăn mặn trữ ngọt. Bên cạnh đó, Trà Vinh đầu tư hàng ngàn km đường dây điện trung thế, hạ thế.
Ngành nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kết nối với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nuôi trồng thủy sản Nha Trang… để nghiên cứu về thổ nhưỡng, thực nghiệm, hình thành các mô hình sản xuất, chăn nuôi, cây con mới cho năng suất và chất lượng cao. Cuộc “cách mạng” về khoa học kỹ thuật của tỉnh chỉ chưa đầy 5 năm gần như đã xóa bỏ không còn dấu vết của phương thức sản xuất lạc hậu.
Kể về câu chuyện "chuyển mình" của vùng đất cát, khô cằn tại huyện Cầu Ngang, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang Nguyễn Đức Mậu chia sẻ, huyện Cầu Ngang nơi có hơn 5.000 ha đất giồng cát cao chạy dọc theo các xã: Mỹ Long Bắc, Mỹ Hòa, Thuận Hòa, Hiệp Hòa, Long Sơn, Nhị Trường, Trường. Trước đây, người dân chỉ trồng khoai lang rồi phó mặc cho đất, cho trời.
Cuộc sống của người dân vùng cát không sao thoát ra được cảnh khó khăn. Nhưng từ khi được các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu về thổ nhưỡng. Đồng thời, đưa các mô hình trồng tre lấy măng, trồng màu sử dụng màng phủ… trên đất giồng cát đã tạo nên thành quả ngoài mong đợi của nông dân địa phương. Dưa hấu và đậu phộng, bí đỏ, các loại rau màu thực phẩm khác phát triển xanh tốt, giúp người dân có thu nhập cao, bình quân từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Còn ở huyện Càng Long nơi có gần 90% diện tích đất sản xuất trước đây chỉ độc canh cây lúa, đến nay đã hình thành các vùng sản xuất lúa và cây ăn trái hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng bắt đầu phát triển theo hướng trang trại. Nông nghiệp của huyện không ngừng tăng trưởng với mức bình quân hàng năm trên 10%,
Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến rõ nét, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư nâng cấp, giao thông nông thôn được cải thiện. Hiện nay, tất cả các xã có đường bê tông đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội. Huyện hiện có 4/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Không chỉ phát triển về trồng trọt, ở các vùng ven biển của các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, nghề nuôi tôm nước mặn và lợ cũng vươn tới mô hình nuôi bán thâm canh, nuôi tôm công nghiệp, sản xuất các mô hình luân canh, xen canh, như lúa - tôm càng xanh, 1 vụ lúa - 1 vụ tôm sú, cho mức thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng /ha/năm. Riêng mô hình nuôi tôm công nghiệp cho thu nhập lên đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Đánh giá qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường cho rằng, kinh tế nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân Trà Vinh đã có bước chuyển biển lớn. Việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt.
Cụ thể, bình quân 10 năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 3%/năm. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt trên 25.180 tỷ đồng tỷ đồng (giá cố định 2010), tăng 1,3 lần so năm 2008.
Nông nghiệp phát triển đã cải thiện đời sống người dân và bộ mặt vùng nông thôn được thay đổi tích cực hơn. Hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh và bền vững hơn, với tỷ lệ từ 23,69 % năm 2008, giảm xuống còn 8,43 % năm 2017 (theo tiêu chí mới). Thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt hơn 28, 6 triệu đồng, tăng gấp 3,35 lần so năm 2008.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ, phát triển ngày càng sâu rộng, làm thay đổi diện mạo khang trang và chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn. Đến nay, tỉnh đã huy động trên 7.694 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Có 30/85 xã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới, 2 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 31 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, 22 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.
Có thể nói, Nghị quyết "Tam nông" đã tạo được sức bật mới cho nông nghiệp giúp cho Trà Vinh đảm bảo được về an sinh xã hội và thay đổi cơ bản toàn diện các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa,… cho vùng nông thôn.
Theo Phúc Sơn/baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã