Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã trình bày một số nội dung cập nhật về thực trạng hoạt động của thương mại và thị trường trong nước cũng như thương mại điện tử. Về thị trường trong nước vấn đề đáng quan tâm là thị trường khu vực nông thôn ở nhiều nơi còn bị bỏ ngỏ. Cùng đó là chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối trong nước còn chưa phát huy được nhiều tác dụng bởi một số doanh nghiệp khi đã ít nhiều có thương hiệu đều tìm cách bán cho các đối tác nước ngoài.
Liên quan đến thương mại điện tử, báo cáo trình bày tại buổi làm việc cho biết, thương mại điện tử của nước ta trong thời gian qua tuy có mức tăng trưởng nhanh nhưng trên thực tế chiếm thị phần không đáng kể trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa. Thị trường thương mại điện tử trong nước năm 2014 mới là 2,97 tỷ USD và dự kiến đến năm 2020 đạt giá trị 10 tỷ USD nhưng cũng mới chỉ chiếm 5% tổng mức lưu chuyển hàng hóa.
Về những bất cập của thị trường thương mại điện tử, thông tin đưa ra tại buổi làm việc cho thấy hạ tầng của thị trường này còn chưa đồng bộ, việc thực hiện toàn bộ các thao tác thương mại trên môi trường điện tử trên thực tế mới chỉ ở mức độ rất thấp. Việt Nam mới chỉ có một thị trường thương mại điện tử mang tính bán sơ khai chứ chưa chuyên nghiệp. Tập quán thương mại vẫn là dùng tiền mặt, mua sắm nhỏ lẻ.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS Vũ Viết Ngoạn- Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên 3 vấn đề mà ông cho là đáng lo liên quan đến thực trạng hoạt động và khung chính sách liên quan đến thương mại trong nước và thương mại điện tử. Một là doanh nghiệp thương mại Việt Nam kỹ năng quản trị còn yếu trong lúc không kết nối được các doanh nghiệp. Hai hệ thống tích hợp như thanh toán, logistics còn nhiều bất cập. Ba là năng lực tài chính tuy có được cải thiện song trên thực tế vẫn yếu. Ông Ngoạn nhìn nhận nếu để doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường bán lẻ có thể dẫn đến việc làm tăng nhập khẩu và gia tăng việc chuyển giá. TS Ngoạn đề xuất nên chăng cần tập trung cho việc xây dựng 1-2 doanh nghiệp thương mại mạnh, có đủ sức cạnh tranh.
Trong khi đó thành viên của Tổ tư vấn là TS. Trần Du Lịch chia sẻ mối băn khoăn của ông là đánh giá đúng thực trạng thị trường thương mại trong nước, liệu có việc bị “mất” vào tay doanh nghiệp nước ngoài như dư luận nói hay không. TS Lịch cũng cho rằng hai vấn đề rất đáng quan tâm của thị trường trong nước là quy hoạch và quản lý nhà nước về thương mại điện tử cần phải xác định quản lý cái gì để có thị trường thương mại điện tử đúng nghĩa. Nhiều ý kiến của một số thành viên trong tổ tư vấn cho rằng riêng về thương mại điện tử thì riêng bộ Công Thương không thể “ôm” hết được mà cần có sự vào cuộc của các bộ khác.
Chuyên gia Trương Đình Tuyển và TS Vũ Thành Tự Anh đều cho rằng cốt lõi của vấn đề chính sách trong đó có cả chính sách về thương mại trong nước và thương mại điện tử là quan điểm về chính sách phải rất rõ ràng. “Đặc biệt cần quan tâm đến yếu tố phúc lợi của chính sách. Xu thế dài hạn của chính sách luôn là điều cần được ưu tiên”, TS Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận.
Phát biểu kết luận buổi làm viêc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã các ý kiến phát biểu của các thành viên trong Tổ tư vấn đã góp phần làm rõ thêm nhiều nội dung mà Bộ Công Thương đang điều hành trong vai trò quản lý nhà nước. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng cần đánh giá đúng mức vấn đề thị trường bán lẻ có bị mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài hay không bởi khi có mặt của các doanh nghiệp này thì rõ ràng người tiêu dùng trong nước được hưởng bởi có thêm sự lựa chọn. Trên thực tế các doanh nghiệp thương mại nước ngoài không có ý định trở thành kênh dẫn hàng hóa của một quốc gia nào đó vào thị trường trong nước. Thứ trưởng chia sẻ mối quan tâm của các thành viên Tổ tư vấn là chính sách về thương mại là cần bảo vệ người tiêu dùng và khuyến khích sản xuất trong nước. Trên thực tế thực thi các chính sách này thì vai trò của địa phương mang yếu tố quyết định.
Bên cạnh đó theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thực tế của hoạt động bán lẻ và thương mại điện tử cho thấy cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành. Thứ trưởng đề xuất cần thành lập một Ban chỉ đạo hoặc có thể là Ban điều phối các hoạt động bán lẻ và thương mại điện tử do một lãnh đạo Chính phủ đứng đầu để các hoạt động này thực sự hiệu quả. Chia sẻ đề xuất này, TS Vũ Viết Ngoạn cho biết, vấn đề này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Quang Lộc
http://baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã